Mỹ lấp lỗ hổng thuế quan, Temu tuyên bố thay đổi chiến thuật

Một phát ngôn viên của Temu cho biết, tất cả các giao dịch bán hàng tại Mỹ hiện do người bán ở Mỹ xử lý và các đơn hàng đều được thực hiện ở trong nước.

Temu đại tu mô hình vận chuyển. (Nguồn: BBC)

Temu đại tu mô hình vận chuyển. (Nguồn: BBC)

Ngay sau khi Mỹ chính thức chấm dứt chính sách miễn thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc có giá trị dưới 800 USD (hay còn gọi là de minimis), trang thương mại điện tử Temu tuyên bố sẽ đại tu mô hình vận chuyển của mình, và giao tất cả các đơn hàng tại Mỹ thông qua người bán ở Mỹ.

Một phát ngôn viên của Temu cho biết, tất cả các giao dịch bán hàng tại Mỹ hiện do người bán ở Mỹ xử lý và các đơn hàng đều được thực hiện ở trong nước. Temu hiện đang tích cực tuyển dụng người bán tại Mỹ tham gia nền tảng của họ.

Sự thay đổi này là một bước chuyển đổi lớn đối với Temu. Lỗ hổng "de minimis" cho phép các lô hàng hóa trị giá 800 USD trở xuống được đưa vào Mỹ mà không phải chịu thuế, và thường bỏ qua các thủ tục kiểm tra và giấy tờ tốn thời gian. Temu và các trang thương mại điện tử Trung Quốc khác như Shein và AliExpress được cho là đã tận dụng tối đa chính sách miễn trừ này để đưa hàng hóa giá cực thấp tràn ngập thị trường Mỹ.

Phần lớn sản phẩm của Shein và Temu được sản xuất tại Trung Quốc và nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ; đó là lý do tại sao chúng có giá rẻ như vậy.

Mô hình kinh doanh mới theo như lời của Temu nghe có vẻ đúng ý của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, việc một sản phẩm được vận chuyển đến khách hàng từ “kho hàng tại Mỹ” không có nghĩa là nó được sản xuất tại Mỹ.

Các trang web như Temu và Shein đã và đang xây dựng hệ thống kho hàng tại Mỹ trong nhiều năm qua để giảm thời gian vận chuyển. Và khi chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden bắt đầu chỉ trích chính sách miễn trừ "de minimis" vào năm ngoái, các nhà vận chuyển Trung Quốc đã “bắt được sóng.”

Ông Chris Tang, giáo sư về quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu tại Đại học California, Los Angeles, cho biết Shein đã bắt đầu vận chuyển hàng loạt hàng hóa đến các kho hàng tại Mỹ từ đầu năm ngoái.

Hồi tháng Hai, Bloomberg đưa tin Temu cũng đã bắt đầu đại tu chuỗi cung ứng ở Trung Quốc của mình, yêu cầu các nhà cung cấp vận chuyển hàng loạt hàng hóa đến các kho hàng tại Mỹ.

Điều đó có nghĩa là các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài đang đến tay người Mỹ thông qua các nhà phân phối Mỹ. Temu không công khai danh sách các đối tác sản xuất của mình.

Tuy nhiên, khi các kho hàng tại Mỹ hết các mặt hàng đã tích trữ trước đó, vẫn chưa rõ liệu người tiêu dùng tại Mỹ có thể mua được các mặt hàng này nữa hay không.

Ông Tang cho biết, nếu xảy ra tình trạng thiếu hàng, Temu có rất ít lựa chọn. Công ty này có thể đặt hàng lại nhưng việc này sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí. Trang web của Temu cũng có thể bắt đầu cung cấp “sản phẩm thay thế” hoặc đề xuất các sản phẩm tương tự còn hàng, hoặc có thể tăng giá.

Trên trang web của mình, Temu cho hay không có phí nhập khẩu hoặc chi phí bổ sung khi giao hàng đối với các mặt hàng được mua từ các kho hàng tại Mỹ. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, người dùng cho biết nhiều mặt hàng đã hết hàng. Ngoài ra, người dùng còn cho biết, họ sẽ phải chịu một khoản phí bổ sung nếu đơn hàng mua tại Mỹ có tổng trị giá dưới 30 USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-lap-lo-hong-thue-quan-temu-tuyen-bo-thay-doi-chien-thuat-post1036658.vnp