Ai là người báo thù?

Bố Tôm là một thương gia lớn ở nước Anh, ông thường đến Nam Mỹ buôn bán kim cương. Khi Tôm mới 5 tuổi, bố Tôm đột nhiên bị bệnh nặng mà chết. Không lâu sau mẹ Tôm, bà Anlen kết hôn với người bác sĩ riêng của chồng là Thômat và đưa Tôm ra nước ngoài sinh sống.

Tôm ở nước ngoài một mạch đến năm 17 tuổi, Tôm tính cách giống bố, thích mạo hiểm và buôn bán kiếm tiền. Những năm Tôm ở nước ngoài, mẹ Tôm rất ít đi thăm con vì bà sống không được vui vẻ, thường bị người chồng nát rượu chửi mắng, đánh đập. Tôm rất phẫn nộ muốn về nước nhưng bà mẹ lại không muốn cho Tôm về và thường căn dặn Tôm: “Con hãy nhớ lời mẹ, không nên đi theo con đường làm ăn buôn bán của bố mà nên học tốt ngành pháp luật để sau này về nước làm luật sư”.

Minh họa: Đặng Tiến

Minh họa: Đặng Tiến

Vì sao mẹ lại không muốn cho Tôm về nước, vì sao mẹ lại ngăn cản Tôm không nên đi theo nghề của bố mà lại khuyên Tôm nên làm luật sư? Tôm cũng không hiểu đầu đuôi ra sao nên trong lòng rất nhiều nghi vấn, nhất là khi mẹ lại nói với Tôm trong tâm trạng rất đau buồn, Tôm cảm thấy có điều gì đó mà mẹ không cho anh biết ...

Một buổi chiều nửa năm sau có người phụ nữ da đen gầy còm đến ấn chuông cửa phòng ở của Tôm. Chưa đợi Tôm hỏi gì người đó đã nói: “Tôm thật đáng thương, chả nhẽ cậu lại không nhận ra tôi à? Tôi là Sôri người giúp việc cho nhà cậu ngày trước đây!”. Sôri mừng đến rơi nước mắt nói tiếp: “Tôi vất vả tìm cậu đã hơn 10 năm, cuối cùng thì hôm nay tôi đã tìm được cậu”.

Tôm lập tức nhớ lại trước đây nhà mình có hai người giúp việc Nam Mỹ, người con trai tên là Tôni, người con gái tên là Sôri. Sau khi bố Tôm mất, hai người này cũng mất tích luôn không thấy tăm hơi gì..

“Cậu Tôm đáng thương, cậu biết không bố cậu không phải chết vì bệnh mà bị Thômat hại chết, lão ấy muốn chiếm mẹ của cậu. Sau khi bố cậu mất, lão ấy còn muốn hại cả tôi và Tôni, cho nên chúng tôi phải trốn chạy...”. Sôri như bị kích động quá độ phải đưa tay lên ôm ngực và ho lên khù khụ. Sau đó Sôri run lẩy bẩy móc ra một chiếc tẩu thuốc lá bằng ngà voi đưa cho Tôm: “Sau khi bố cậu mất hai ngày, tôi dọn phòng và thấy cái này, Thômat đã lén lút bôi thuốc độc vào cái tẩu này... Cậu phải tin lời tôi, phải báo thù cho bố cậu”.

Nghe Sôri nói, Tôm không kìm được sự phẫn nộ, mọi sự nghi vấn chôn vùi trong lòng giờ đây đã có đáp án. Tôm nắm chặt hai tay vẻ căm giận: “Ngày mai tôi sẽ về nước, nhất định tôi phải báo thù cho cha tôi!”.

Khi thấy con xách vali xuất hiện trước mặt, bà Anlen ngây người ngạc nhiên: “Tôm, sao con lại về?” - “Đây là nhà của con chả nhẽ con không thể về à?”. Tôm cười lạnh lùng rồi quay lưng đi lên gác vào gian phòng mà mình ở lúc nhỏ. Mọi thứ vẫn bày biện như cũ: Trên cái bàn còn đầy các thứ đồ chơi Tôm thích, nhất là trên tường còn treo chiếc cung tên nhỏ bằng gỗ rất đẹp và tinh xảo, cái cung đó là do Tôni dùng loại gỗ rất tốt từ Nam Mỹ làm cho Tôm. Tôm còn nhớ mang máng khi nhỏ mình vẫn dùng chiếc cung này để bắn gà và chim trong vườn.

Bố dượng Thômat đi dự hôn lễ của con gái một người bạn đến tối mới trở về. Tôm theo địa chỉ mà Sôri cho đến phố Lasikhơ tìm được người giúp việc thứ hai là Tôni. Tôni nhìn thấy Tôm vừa mừng lại vừa buồn rồi cũng cho Tôm biết Thômat là một người tàn nhẫn đã giết hại bố của Tôm, sau khi lấy mẹ Tôm vẫn ra ngoài sống phóng đãng với một người phụ nữ khác. Cuối cùng Tôni còn nói với Tôm: “Cậu không thể tha thứ cho Thômat được, ông ta là kẻ thù lớn nhất trong gia đình ta”.

Khi Tôm về đến nhà thì trời đã tối, Thômat cũng mới về. Tôm không hỏi han gì ông ta và nhìn ông ta với ánh mắt hận thù. Thômat rất tức giận mắng Tôm: “Đồ khốn nạn, mày biết không, mày phải gọi tao là bố đấy”.

“Không, ông không xứng đáng làm bố tôi!”. Tôm nén cơn giận trong lòng tiến lên: “Xin hỏi ông ai là người âm mưu giết bố tôi?”.

Thômat hơi sững người rồi như chợt hiểu ra điều gì, ông ta giận dữ gầm lên: “Đồ nhãi ranh, mày nghi ngờ tao giết bố mày à? Ai nuôi dưỡng dạy dỗ mày, đồ vắt mũi chưa sạch, mày tưởng rằng bố mày anh hùng lắm à ...”.

“Thômat, ông không được nói thế!”. Lúc này mẹ Tôm hoảng hốt chạy đến ôm lấy chồng và khuyên Tôm: “Con không nên đối xử với bố dượng con như thế, ông ấy có bệnh tim, con về phòng của con đi!”.

Miễn cưỡng nghe lời khuyên của mẹ Tôm trở về phòng mình với nét mặt giận dữ. Tôm không hiểu vì sao Thômat đã giết hại bố Tôm, chiếm đoạt tài sản của nhà Tôm mà mẹ vẫn cam tâm một lòng sống chung với lão. Tôm quyết định đến ngày mai, mặc dù cho mẹ có ngăn cản thế nào, Tôm phải bắt Thômat mở mồm.

Khi đêm đã khuya, Tôm đang chuẩn bị lên giường thì bỗng nghe thấy tiếng mẹ kêu lên rất to ở nhà dưới. Tôm vội lao xuống nhà dưới đạp cửa phòng mẹ thấy Thômat đang dùng hai tay bóp cổ mẹ mình giọng giận dữ: “Con bà coi tôi như kẻ thù, còn bà thì đang muốn rũ bỏ tôi. Không dễ thế đâu, tôi không phải là con chó canh cửa của nhà các người. Bà biết không, năm đó nếu tôi không giấu bà thì cái thằng chồng đáng chết của bà ...”.

Thấy mẹ bị Thômat hành hạ, Tôm thuận tay vớ lấy cái ghế giáng mạnh vào đầu Thômat. Thômat kêu lên một tiếng rồi lảo đảo ngã vật xuống nền nhà. Khi mẹ Tôm định thần trở lại nhìn thấy Thômat nằm dưới nền nhà, hoảng hốt kêu lên: “Tôm, con đã giết bố dượng con rồi”. Tôm nghiến răng gật gật đầu: “Ông ta đã giết bố con, tội của ông ta đáng phải chết”.

“Không, ông ấy không giết bố con!”. Bà Anlen khóc lên thảm thiết: “Thế ai đã nói với con là Thômát giết bố con?”.

“Mẹ, mẹ còn nhớ hai người Nam Mỹ giúp việc ở nhà ta trước đây không”.

“Là Tôni và Sôri” Bà Anlen sợ hãi mở to mắt ôm lấy Tôm: “Có phải là hai người ấy đã tìm con và nói cho con biết không”.

Tôm gật đầu lấy ra chiếc tẩu thuốc bằng ngà voi mà bố Tôm dùng trước đây, bà Anlen nhìn thấy nó, suýt nữa thì ngất xỉu: “Tôm, con bị người ta lừa rồi! Hai người giúp việc Nam Mỹ mới là kẻ báo thù bố con đấy”.

Sau đó bà Anlen đau khổ kể lại 20 năm trước bố Tôm thường đi lại Nam Mỹ buôn bán kim cương nhưng lại lén lút buôn bán cả vũ khí. Sôri là con gái một tù trưởng, Tôni là chồng chưa cưới của Sôri. Thời đó, một bộ lạc khác được bố Tôm giúp đỡ vũ khí đã đánh bại được bộ lạc của Sôri và giết chết bố Sôri. Vì mối thù đó, Sôri đã cùng Tôni sang nước Anh rồi trở thành người giúp việc trong nhà ta”.

Tôm ngây người nhìn mẹ khóc không thành tiếng hỏi mẹ: “Như thế là hai người giúp việc Nam Mỹ đã giết hại bố?”.

“Không! Người giết bố con lại chính là con đấy!”.

“Cái gì? Mẹ nói là chính con đã giết bố con?”. Tôm hỏi với giọng sợ hãi.

“Con có nhìn thấy cái cung tên nhỏ treo trên tường ở trong phòng của con không? Ngày đó, con rất thích chơi các đồ chơi là vũ khí, Tôni đã lợi dụng điểm này làm cho con một cái cung nhỏ sau đó dạy con bắn gà, bắn chim. Khi con đã bắn cung thuần thục chính xác, nó đã bôi vào đầu mũi tên một loại thuốc độc cực mạnh của thổ dân Nam Mỹ. Hôm đó khi bố con từ Nam Mỹ trở về vừa xuống xe, trong trạng thái quá vui sướng, con vừa chạy đến với bố vừa bắn một mũi tên về phía bố".

Tôm mang máng nhớ lại: “Đúng rồi, con đã bắn mũi tên trúng vào cánh tay bố, khi nhổ mũi tên ra bố vẫn mắng yêu con: “Tôm, cẩn thận không bố lại cho con mấy cái phát vào mông đấy!”.

“Đấy là mũi tên định mệnh! Ngay buổi tối hôm đó bố con chết vì chất độc phát tác và chỉ có mẹ và Thômat có bên cạnh. Thômat là bác sĩ riêng của bố con đã nhiều năm, ông ấy cho mẹ biết bố con đã trúng chất độc cực mạnh của Nam Mỹ và bảo mẹ tìm gấp Tônivà Sôri để hỏi căn nguyên nhưng ai ngờ hai người này đã cao chạy xa bay”.

“Mẹ, tại sao mẹ không đi báo Cảnh sát để họ truy bắt Tôni và Sôri? Tại sao bao nhiêu năm qua mẹ vẫn giấu con chuyện này?”.

“Việc bố con làm ăn buôn bán ở Nam Mỹ không tốt đẹp gì, nếu động đến Cảnh sát, người ta làm to ra thì bố con thân bại danh liệt”. Bà Anlen vẻ đau buồn lau nước mắt rồi ôm chặt Tôm vào lòng: “Việc bố con chết bởi tay con không thể cho con biết quá sớm được, nếu không con sẽ sống trong sự đau khổ và tinh thần bị hành hạ. Vì tương lai và sự bình yên của con, mẹ chỉ còn cách tốt nhất là đưa con ra nước ngoài để con có một môi trường sống mới. Mẹ khuyên con học pháp luật sau này làm luật sư cũng là hy vọng con không nên đi theo con đường của bố con. Pháp luật sẽ làm cho con có lý trí và trong hoàn cảnh nào con sẽ dùng pháp luật để ràng buộc mình”.

“Con cũng đã hiểu mẹ phải chung sống với Thômat là vì danh dự của bố, là để mãi mãi bảo đảm sự bí mật cho bố con” - “ Đúng con ạ, tất cả các việc trong nhà ta đều do mẹ nắm và khống chế, Thômat đáng thương không được hưởng gì cả”.

Bà Anlen nhìn Thômat nằm trên sàn nhà, hai mắt vẫn mở trừng trừng, bà lẩm bẩm vẻ thương hại: “Bao nhiêu năm qua đi mà Tôni và Sôri vẫn không buông tha cho ông ấy bởi vì ông ấy theo bố con ngày trước cũng tham gia vào các vụ buôn bán vũ khí bẩn thỉu”.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Alfred Hitchcock (Mỹ)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/ai-la-nguoi-bao-thu--i758390/