Ai lắng nghe người lao động?
Theo nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động, cần tính toán xây dựng chế độ nghỉ hưu và lương hưu linh hoạt đa tầng theo bậc thang trên nguyên tắc cân đối giữa đóng và hưởng.
Trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu
Góp ý đề xuất này, nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động cho rằng là không khả thi. Bạn đọc Nguyễn Bá Thành đặt câu hỏi: "Tại sao chỉ quan tâm đến người 45 và 47 tuổi mới tham gia BHXH còn những người tham gia từ năm 25 tuổi thì sao? Bình thường 18 tuổi học xong phổ thông và 4 đến 5 năm đại học, lăn lộn 2 năm để có kinh nghiệm thì 25 tuổi đã tham gia BHXH...còn những người tham gia muộn rất ít. Cái cần quan tâm đến là số đông người lao động đang kiệt sức và bị nghỉ việc do sức khỏe kém hoặc công việc quá sức, không thể tiếp tục làm việc được nữa họ mới nghỉ. Còn những người muốn làm việc tiếp tục thì khuyến khích họ tiếp tục cống hiến". Cùng góc nhìn, bạn đọc Phạm Văn Hưng chất vấn: "Bộ LĐ-TB0 XH hãy thử thống kê ở khu vực ngoài quốc doanh có bao nhiêu lao động và tỷ lệ lao động trên 45 bao nhiêu sẽ ra con số thực. Chỉ có phương pháp thống kê mới có cái nhìn tổng quan. Một chính sách tốt là một chính sách phù hợp với đại đa số người dân".
Bạn đọc Nhật Nhi dẫn chứng: "Tôi và những ngưòi bạn làm văn phòng năm nay đã 55 tuổi tốc độ làm việc chỉ bằng 1/10 của các bạn trẻ mới ra trường thời kỳ công nghệ số, mà trình độ của chúng tôi thì có hạn làm sao theo kịp tốc độ phát triển của đất nước vậy mà tôi phải tăng thêm 2 năm nữa mới được nghỉ hưu. Trong khi các em mới ra trường có trình độ, có năng lực có sức khỏe thì không có việc làm, còn chúng tôi cần về hưu ở tuổi 55 thì lại phải tăng thêm vài năm nữa góp phần làm cho đất nước chậm phát triển. Muốn đất nước phát triển nhanh, phát triển mạnh mẽ thì hãy cho chúng tôi nghỉ để cho các bạn trẻ có chỗ làm việc, đó mới là thượng sách, còn tăng tuổi nghỉ hưu để bù lỗ cho quỹ hưu trí thì đó là hạ sách". Tương tự, một bạn đọc tên Kha bày tỏ: "Thời gian làm việc cũng như số ngày làm việc ở Việt Nam khá nhiều người lao động không có thời gian nghỉ ngơi cũng như kiểm tra sức khỏe cho bản thân. Để thu hút đầu tư cạnh tranh chúng ta đang đánh đổi quá nhiều. Một số lượng không nhỏ công nhân từ 40-60 họ đang bắt đầu giảm sức khỏe vì môi trường làm việc cũng như điều kiện làm việc".
Bạn đọc Bùi Văn Trường nêu thực tế: "Từng là người quản lý công nhân 15 năm nên tôi rất thấu hiểu công nhân cũng như chính sách của công ty, vì vậy tuổi nghỉ hưu theo tôi nữ 50- nam 55 là phù hợp nhất cho cả BHXH lẫn công nhân lao động. Bởi không một công ty nào muốn người trên 50 tuổi làm việc cả và doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để sa thải họ vì năng suất kém". Bạn đọc Lương Hồng Tâm chua chát nói: "10 năm trở về trước, những người bị tai biến, đột quỵ rơi vào tầm tuổi 60 trở lên... Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thù những thanh niên 30, 35 tuổi cũng bị... và ngày càng bị nhiều... Lý do:áp lực công việc, cuộc sống, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sống...Do đó nói tuổi thọ tăng, sức khỏe tăng là phiến diện...! Tuy nhiên việc giảm tuổi nghỉ hưu khó thực hiện vì QH mới thông qua việc tăng tuổi hưu (nam 62, nữ 60). Nên chăng BHXH nên linh hoạt cho người lao động khi đã tham gia trên 25 năm (với nữ), 30 năm (với nam) có quyền được chọn nghỉ hưu, và bị trừ % khi chưa đạt năm đóng BHXH tối đa (nữ 30, nam 35), chứ không trừ khi bị thiếu tuổi".
Bãn đọc Đỗ Văn Bích góp ý: "Cơ quan soạn thảo luật cần lắng nghe ý kiến xuất phát từ thực tiễn của người lao động một cách nghiêm túc và có trách nhiệm; Phân tích kỹ đặc thù, tính chất của các nhóm đối tượng lao động khác nhau đặc biệt là nhóm lao động hưởng lương Nhà nước với nhóm lao động do giới chủ trả lương và quyết định đến việc làm của họ. Trên cơ sở đó tính toán xây dựng chế độ nghỉ hưu và lương hưu linh hoạt đa tầng theo bậc thang trên nguyên tắc cân đối giữa đóng và hưởng. Vấn đề đang đặt ra là người lao động muốn được nghỉ hưu sớm khi bản thân thấy sức khỏe không còn đủ hoặc không có cơ hội để xin việc làm khác nếu bị mất việc khi tuổi đã cao. Chính giai đoạn này là lúc họ thực sự cần an sinh xã hội chứ không phải họ đòi hỏi được hưởng nhiều hơn mức họ đã đóng. Rõ ràng, nhóm lao động trong các do giới chủ trả lương và quyết định công việc của họ đang chiếm đa số trong hệ thống BHXH hiện nay do vậy Chính sách tính lương hưu, nghỉ hưu,...phải dựa trên thực tế và nhu cầu chính đáng của nhóm lao động này".
Bạn đọc tên Trường góp ý: "Theo tôi cứ đóng đủ số năm BHXH nam 35 năm; nữ 32 năm hoặc nam từ 60-62 tuổi; nữ từ 55-58 tuổi tham gia BHXH đủ từ 18 năm trở lên đối với Nữ; 20 năm đối với nam".