Ai lên xứ Lạng cùng anh?
Dễ đến hơn 30 năm rồi tôi chưa về lại xứ Lạng. Tuy Lạng Sơn rất gần với Hà Nội, chỉ hơn 150 cây số về phía Đông Bắc là đã đến xứ sở huyền thoại rồi.
Ai lên xứ Lạng cùng anh?
Dễ đến hơn 30 năm rồi tôi chưa về lại xứ Lạng. Tuy Lạng Sơn rất gần với Hà Nội, chỉ hơn 150 cây số về phía Đông Bắc là đã đến xứ sở huyền thoại rồi. Nhưng công việc, cuộc sống cứ lôi cuốn con người chúng ta vào một vòng xoáy và khó có ai có thể bỏ ra dù chỉ một ngày để về lại chốn xưa, nơi mà hơn 30 năm trước khi còn nhỏ chúng tôi đã được đặt chân đến. Cuộc sống hiện đại cũng có những tiện ích mà không ai có thể chối cãi được, nhưng cũng có những điều mà chỉ có cuộc sống đơn giản nhẹ nhàng không vướng bận mới có thể đáp ứng. Một ngày cuối tháng 10 dương lịch, sau khi chấm thi luận án tiến sĩ cho một thầy thuốc có hơn 20 năm tuổi nghề tại Đại học Y khoa Hà Nội chúng tôi đã lên đường về xứ Lạng.
Những con đường trong mơ
Con đường thật đẹp xuyên qua những xóm làng đồng bằng Bắc Bộ, chênh vênh nơi sườn núi của miền quê bán sơn địa để đến xứ Lạng. Một bên là núi đá vôi cao ngất trời, một bên là những quả núi nhỏ nằm lô xô như bát úp.Trời nắng nhẹ, hoa nở vàng trên những con đường nhỏ.
Mùi hoa thơm nhẹ quyện với nắng vàng của những ngày cuối thu làm cho mọi người trên chuyến xe như ngất ngây cùng trời đất. Đẹp quá nắng vàng và thơm quá mùi hoa cuối thu. Trời đất như hòa quyện với nhau trên những con đường đẹp như dải lụa đào vươn tới chân trời xa tắp.
Động Tam Thanh cùng nàng Tô Thị chờ chồng
Buổi chiều cuối thu, khi những tia nắng vàng trong ngày sắp sửa tắt động Tam Thanh đẹp đến lạ lùng. Một không khí nghiêm trang đến trầm mặc.Trong những du khách tới đây có rất nhiều người mộ đạo. Họ thành kính khấn vái cầu an và hạnh phúc cho bản thân mình, gia đình và xã hội. Những nén hương trầm được thắp lên, những làn khói trắng nhẹ nhàng bay lên trời qua các lối vào hang, trời và đất như hòa vào làm một, bao dung ôm lấy những thân phận con người bé nhỏ trong một buổi chiều có gió và lá vàng rơi rụng.
Trời đã se lạnh, không có gió heo may, chưa bồn chồn khi đông về. Trời cuối thu thật cao sang và lặng lẽ, như vẻ đẹp của một người con gái đã chín muồi, như vị ngon của quả hồng chín tới.
Ở đó một góc trời xứ Lạng, bóng nàng Tô Thị đang chờ chồng vươn cao trong nắng chiều. Trời mùa thu trong xanh đến kỳ lạ, bóng nàng Tô Thị đổ dài trong nắng chiều đem lại cho lữ khách thập phương một cảm giác buồn man mác cho một kiếp người.
Vịt quay xứ Lạng và lá mác mật
Vịt quay được bày bán khắp nơi và với những con vịt cùng lá mác mật - một loại cây chỉ có ở vùng núi cao vùng Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng. Hầu như trong món ăn quay hay nướng nào cũng có lá và quả mác mật. Quả mác mật còn được ngâm với măng chua để các thực khách nhâm nhi với chén rượu nồng mỗi buổi chiều thu về.
Món cuối cùng được dọn ra trong bữa ăn khi trời đã tối sập là món khâu nhục, tức thịt lợn hấp với khoai môn.Người ta chọn thịt ba chỉ thái miếng lớn mang luộc và chiên lên, sau đó hấp cách thủy với khoai môn.Béo mà ngon, không một chút ngấy nào cả.Ở đây, ẩm thực đã được nâng lên hàng nghệ thuật.
Ly rượu Mẫu Sơn trong vắt thơm ngạt ngào mùi lúa mới đã để lại trong lòng người những tình cảm sâu sắc 1òng mến yêu cuộc sống và yêu quê hương đến rồ dại. Lại một chút lạnh man mác của buổi chiều tối cuối mùa thu. Du khách hình như không ai muốn quay trở về Hà Nội, họ cũng như tôi hình như đã quá yêu xứ Lạng mất rồi.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-len-xu-lang-cung-anh-n168188.html