"Không thành công cũng thành nhân" là khẩu hiệu hành động của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học trong cuộc đấu tranh chống Pháp, giành lại độc lập cho dân tộc vào giai đoạn nửa đầu của thế kỷ 20.
Nguyễn Thái Học là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Bái vào giai đoạn cuối năm 1929, đầu năm 1930. Đây là một trong những phong trào đấu tranh chống Pháp nổi tiếng ở nước ta giai đoạn trước năm 1930.
Khởi nghĩa Yên Bái do giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam lãnh đạo. Do quá trình chuẩn bị không chu đáo, bị bại lộ, khởi nghĩa nhanh chóng thất bại. Dù biết chủ trương bị bại lộ, Nguyễn Thái Học vẫn quyết định khởi nghĩa với câu nói “Không thành công cũng thành nhân”.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp đàn áp. Ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp bắt và bị kết án tử hình. Đến ngày 17/6/1930, ông và 12 đồng chí của mình bị thực dân Pháp xử tử tại Yên Bái.
Dù khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học và những đồng chí của ông đã trở thành anh hùng chống Pháp tiêu biểu của dân tộc ta. Ngày nay, tên của ông được dùng để đặt cho nhiều tuyến đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Huế…
Nguyễn Thái Học sinh năm 1904 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường (nay là xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Xuất thân trong gia đình nông dân nho học, thuở nhỏ, ông được bố mẹ cho theo học chữ Hán rồi lên Vĩnh Yên học chữ Pháp, sau đó học trường cao đẳng thương mại ở Hà Nội. Trước nỗi nhục của người dân mất nước, ông quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp.
Từ địa bàn chính là Yên Bái, cuộc khởi nghĩa lan rộng ra nhiều địa phương ở miền Bắc như Phú Thọ, Hải Phòng, thủ đô Hà Nội, Hà Tây...
Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing