Nắm bắt cơ hội để phát triển du lịch Nam Định theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại

Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra 6 định hướng cụ thể: phát triển thị trường du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức không gian du lịch; đầu tư phát triển du lịch; tổ chức, phát triển hệ thống doanh nghiệp du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch. Những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, quản lý nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong trục hành lang phát triển kinh tế ven biển dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ. Việc nắm bắt kịp thời các cơ hội từ việc triển khai thực hiện quy hoạch mới được công bố sẽ là con đường giúp kinh tế du lịch của tỉnh thực sự phát huy hết tiềm năng để cất cánh.

Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy).

Du khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy).

Đa dạng sản phẩm du lịch Nam Định

Nằm ở phía Nam vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tỉnh Nam Định có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng, gồm: tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn. Với 72km bờ biển và hệ thống các con sông lớn như: sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, tỉnh đã hình thành những tiểu vùng cảnh quan sinh thái đẹp, các khu du lịch biển hay hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học tương đối cao. Không chỉ là nơi phát tích của Vương triều Trần, Nam Định còn là nơi ghi dấu sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam; là vùng đất bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước với ẩm thực đặc trưng, các làng nghề, lễ hội truyền thống, di tích, danh thắng. Giai đoạn 2011-2020, tỉnh đã từng bước định hình phát triển 4 loại hình du lịch chủ yếu, gồm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch đồng quê. Trong đó, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái là 2 hướng ưu tiên phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch cả nước. Du lịch văn hóa gắn với hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng như: quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh (thành phố Nam Định), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Đại Bi (Nam Trực), Chùa Keo Hành Thiện, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường)… cùng hệ thống nhà thờ Công giáo: Bùi Chu, Hưng Nghĩa, Phú Nhai, Quần Liêu, Kiên Lao, Thánh Danh, phế tích “nhà thờ đổ” Hải Lý… Các hoạt động du lịch văn hóa thu hút đông du khách trong và ngoài nước vào mỗi dịp lễ hội hàng năm. Do đó, nhằm phục vụ lượng du khách lớn, các khu vực di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang thực hiện các biện pháp trùng tu, tôn tạo, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu về sức chứa cùng các dịch vụ du lịch đi kèm.

Du lịch sinh thái ở Nam Định chủ yếu tại khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Xuân Thủy, đang được phát triển tại xã Giao Xuân (Giao Thủy) và các xã vùng đệm. Đây là điểm RAMSAR quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nơi có 1.178 loài thực vật, 46 loài thú, 323 loài chim và 54 loài bò sát, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị nghiên cứu khoa học. Đối với du lịch biển, đã hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng như: Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy), Rạng Đông (Nghĩa Hưng) cùng các mô hình du lịch trải nghiệm tại làng nghề làm muối, làm mắm, đan lưới, khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản. Du lịch đồng quê là loại hình du lịch mới đang được phát triển tại Nam Định trong những năm gần đây với các chương trình du khảo làng quê đặc trưng tiêu biểu vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có các làng nghề truyền thống: trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, làm hoa giấy, múa rối nước Hồng Quang (Nam Trực); ươm tơ, dệt vải Cổ Chất, Cự Trữ (Trực Ninh)… hay những nơi tiếp cận, giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây, gắn với văn hóa mở đất của cộng đồng cư dân các huyện miền biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Thông qua các hoạt động du khảo đồng quê, du khách có cơ hội tham quan cảnh quan nông thôn mới, Bảo tàng Đồng Quê, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) cùng các công trình nhà thờ Công giáo đẹp, kiến trúc đa dạng, cổ điển và được thưởng thức các đặc sản nông nghiệp như: gạo tám, gạo nếp, bánh nhãn Hải Hậu, bánh chưng bà Thìn, nem nắm Giao Thủy, rượu Bỉnh Di… Ngoài ra, các không gian văn hóa làng quê như: làng cổ Cửu Khúc, cầu Ngói - Chùa Lương, làng kèn đồng Phạm Pháo, mô hình du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu cũng rất hấp dẫn du khách. Khách du lịch đến với Nam Định gần như quanh năm vào các mùa lễ hội đầu xuân, cuối thu, vào dịp hè tại các khu nghỉ mát, tắm biển và mùa đông khi đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu Vườn quốc gia Xuân Thủy, nhưng lượng du khách tập trung đông nhất vẫn là các dịp lễ hội Phủ Dầy, lễ hội khai ấn Đền Trần, hội Chợ Viềng đầu năm.

Tập trung đầu tư phát triển, tạo dựng không gian du lịch đồng bộ, kết nối

Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh đã chỉ đạo huy động, khai thác hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, tập trung ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các dự án ưu tiên trong quy hoạch phát triển. Từ năm 2016 đến nay đã thực hiện 4 dự án: xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái, nghỉ mát Quất Lâm (Giao Thủy); xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực Phủ Dầy, Chợ Viềng (Vụ Bản); nâng cấp, mở rộng đường khu du lịch Thịnh Long (Hải Hậu) - đoạn từ tỉnh lộ 488 đến đường tuyến 1; cải tạo, nâng cấp đường du lịch Thịnh Long (Hải Hậu) - đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến đường trục chính khu du lịch. Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hạ tầng du lịch trong đó phải kể đến việc nâng cấp các tuyến đường giúp du khách tiếp cận với các địa điểm tham quan du lịch dễ dàng hơn. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế tích cực đầu tư xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, không gian du lịch Nam Định được quy hoạch phân thành 3 vùng chính gắn với không gian kinh tế - xã hội của tỉnh gồm: vùng du lịch tây - bắc (thành phố Nam Định và vùng phụ cận), vùng du lịch chuyển tiếp (Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường) và vùng du lịch đông - nam (Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu). Trong đó, vùng du lịch đông - nam tập trung phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái; vùng du lịch chuyển tiếp phát triển du lịch cộng đồng. Vùng du lịch tây - bắc - cửa ngõ của tỉnh kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực vùng đồng bằng sông Hồng. Chức năng chính của vùng du lịch này là du lịch văn hóa gắn với các điểm du lịch: Đền Trần, Chùa Phổ Minh, Đền Bảo Lộc, Hồ Vị Xuyên, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Dệt may (thành phố Nam Định); Phủ Dầy, khu du lịch sinh thái Núi Ngăm (Vụ Bản) và một số làng nghề sơn mài, đúc đồng, chạm khắc gỗ truyền thống Cát Đằng, Vạn Điểm, Tống Xá, La Xuyên, Ninh Xá (Ý Yên). Cả ba vùng du lịch chính của tỉnh được kết nối với nhau bằng các tuyến giao thông quan trọng: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, tuyến đường bộ ven biển, sông Ninh Cơ, sông Hồng…; trong đó, địa bàn thành phố Nam Định là đầu mối, hạt nhân điều phối các hoạt động du lịch liên kết theo hướng phát triển không gian du lịch vùng của tỉnh.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc (1 trong 7 vùng thuộc danh sách các vùng du lịch Việt Nam) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hướng khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng gồm: tham quan cảnh quan, hang động, các giá trị sinh thái, tham quan di tích, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh. Tỉnh Nam Định đã phát triển du lịch theo lộ trình phát triển chung của vùng, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; trọng tâm là 2 điểm du lịch chính: Đền Trần và Phủ Dầy. Đồng thời, hình thành một số tuyến du lịch quốc gia: Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình; Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và một số tuyến du lịch chuyên đề: tuyến du lịch lễ hội tâm linh: Chùa Hương (Hà Nội) - Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) - Đền Trần, Chùa Keo (Thái Bình) - Chùa Yên Tử (Quảng Ninh); tuyến du lịch tham quan, tìm hiểu di tích theo các triều đại lịch sử Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Cùng với đó là các tuyến du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề, làng Việt cổ; tuyến du lịch, du khảo đồng quê; tuyến du lịch tham quan phố cổ (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định); tuyến du lịch khám phá biển, đảo ở các tỉnh ven biển; tuyến du lịch khám phá vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển: Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) - Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) - Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc địa bàn 5 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng (Nam Định), Kim Sơn (Ninh Bình), Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình)…

“Khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, xây dựng các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, bảo tồn thiên nhiên… đa dạng, hiện đại, có kiểm soát chặt chẽ” là một trong những mục tiêu thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm phát triển du lịch Nam Định phù hợp với Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được công bố. Định hướng phát triển du lịch Nam Định thời gian tới là: Phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm; trên cơ sở kế thừa, phát huy và hoàn chỉnh 5 loại hình du lịch (du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề); tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đồng bộ; xây dựng và khẳng định một số thương hiệu du lịch đặc thù của Nam Định; hoàn chỉnh hạ tầng dịch vụ du lịch; vận hành hiệu quả các khu, cụm du lịch trong mối liên kết du lịch thành các tour, tuyến; đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch nội địa và quốc tế, phấn đấu đưa Nam Định trở thành điểm đến trong Chiến lược “điểm đến hấp dẫn” của du lịch Việt Nam.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/nam-bat-cohoi-de-phat-trien-du-lich-nam-dinh-theo-huong-chuyen-nghiep-dong-bo-hien-dai-fb91199/