AI phát triển, các sản phẩm âm nhạc dễ dàng bị sao chép
Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - cho rằng , trong thời đại số và AI phát triển, các sản phẩm âm nhạc đều có thể dễ dàng bị sao chép.
Sáng 25/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Cục Sở hữu Trí tuệ tổ chức sự kiện “Hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2025”.
Năm nay, Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2025 có chủ đề "Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ". Đây là cơ hội để tôn vinh sự đóng góp của các chủ thể sáng tạo, nhà sáng chế và doanh nhân, những người đã mở rộng giới hạn sáng tạo và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới.

Ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ.
Tại buổi lễ ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - cho biết: "Trong thời đại số và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các sản phẩm âm nhạc, từ bản nhạc viết tay đến bản phối hiện đại trên nền tảng số, đều có thể dễ dàng bị sao chép, khai thác trái phép và bởi vậy rất cần có hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả, phù hợp để ngăn chặn.
"Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, Bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; thúc đẩy giáo dục và phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ", ông Long khẳng định.
Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Lưu Hoàng Long đưa dẫn chứng, theo WIPO và Brand Finance, các tập đoàn hàng đầu như Apple, Microsoft, Nvidia ngày càng phát triển với giá trị hàng nghìn tỷ USD đều dựa trên tài sản trí tuệ, từ sáng chế, nhãn hiệu, đến bí mật kinh doanh và phần mềm… khi được đảm bảo bằng công cụ sở hữu trí tuệ sẽ là nguồn tạo ra giá trị gia tăng vô tận.
Đây là bằng chứng rõ ràng rằng, trong kỷ nguyên số, tài sản vô hình, đặc biệt là sở hữu trí tuệ, chính là chìa khóa cho sự phát triển bứt phá nhờ khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội.
Trong nền công nghiệp âm nhạc hiện đại, sở hữu trí tuệ giữ vai trò nền tảng pháp lý - bảo vệ giá trị sáng tạo và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Hơn cả một công cụ quản lý, sở hữu trí tuệ còn là chỗ dựa tinh thần cho nhạc sĩ. Khi một ca khúc được bảo hộ, tên người sáng tác được ghi nhận giúp khẳng định bản sắc nghệ thuật cá nhân.
Nhạc sĩ có quyền kiểm soát đối với tác phẩm của mình, bao gồm cả cách được lan truyền đến công chúng ra sao. Đây là động lực sáng tạo cho các nghệ sĩ khi biết rằng sản phẩm của mình có giá trị về mặt tài chính, pháp lý.
Ông Nguyễn Quốc Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội - cũng khẳng định: "Sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý, mà còn là động lực thúc đẩy sáng tạo và cống hiến. Bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ giúp nghệ sĩ, nhà sáng chế, nhà khởi nghiệp yên tâm đóng góp, sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học, công nghệ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro vi phạm bản quyền, sao chép trái phép".

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện Tiktok tại Việt Nam - cũng chia sẻ: "Chúng ta cần phát triển công việc liên quan đến văn hóa, trong đó có công việc sáng tạo, bằng cách bảo vệ bản quyền và gia tăng niềm tin, nhạc sĩ sáng tác mới tham gia thị trường, có nhiều sản phẩm âm nhạc hơn".
Có sự đồng hành của Nhà nước, nhà đầu tư và nền tảng để làm sao thúc đẩy tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho những người biểu diễn các sản phẩm nghệ thuật. Nếu làm được điều đó sẽ xây dựng được nền công nghiệp sáng tạo phát triển.
Khi bản quyền sở hữu trí tuệ đủ mạnh như "miếng bánh lớn" phát triển ở mọi mặt, sẽ không còn cảnh khi nhạc sĩ tăng lên thì các ca sĩ và tổ chức biểu diễn giảm xuống như “miếng chắn hẹp” bên này kéo thì bên còn lại bị hở. Khi tất cả các bên cùng ngồi lại, sẽ là động lực mạnh mẽ giúp cho ngành bản quyền âm nhạc lớn lên, ông Nguyễn Lâm Thanh nhận định.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ai-phat-trien-cac-san-pham-am-nhac-de-dang-bi-sao-chep-ar939804.html