Công nghệ về bản: Xóm núi đổi thay từ một chiếc điện thoại thông minh
Bản Tân Đi 1, nơi từng 'trắng sóng' và biệt lập với thế giới bên ngoài, giờ đây đã vang lên tiếng chuông điện thoại, tín hiệu Wifi, và cả những cú chạm màn hình để gửi đơn lên cổng dịch vụ công. Sự đổi thay bắt đầu từ một chiếc điện thoại thông minh.

Thành viên tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trên điện thoại.
Lướt mạng không còn là việc của người thành phố
Hơn 9h sáng, chị Hồ Thị Dết, người dân tộc Pa Cô (bản Tân Đi 1, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã trên đường đi làm nương về. Ngồi nghỉ giữa đường, chị vừa bấm máy gọi video cho chồng đang đi làm thuê ở Bình Dương, vừa cười rạng rỡ. Màn hình điện thoại sáng lên hình ảnh người đàn ông thân hình vạm vỡ, tay cầm chiếc xẻng dưới trời nắng: "Dết hả? Ngồi đâu mà tín hiệu khỏe thế", người vợ đáp: "Mạng ở bản mình mạnh rồi".
Chỉ vài năm trước, người phụ nữ này còn không biết cắm sạc điện thoại. Nhưng từ khi được tập huấn kỹ năng sử dụng smartphone trong khuôn khổ Dự án 6 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, cuộc sống của chị bắt đầu khác đi.
"Trước đây có cuộc gọi nhỡ, tôi cũng không biết bấm vào đâu để gọi lại. Giờ thì đã biết vào Zalo, gọi video, đăng bài lên Facebook bán măng rừng, biết lên mạng tìm giá phân bón…", chị Dết kể.
Cùng với chị Dết, hàng trăm phụ nữ tại xã A Vao đã được tổ công nghệ cộng đồng hướng dẫn sử dụng thiết bị số, học cách tra cứu thông tin thiết yếu về y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ sinh kế.
Bà Hồ Thị Ca Chịu, cán bộ văn hóa xã hội xã A Vao, cho biết, trước khi có Dự án 6, tỷ lệ phụ nữ biết dùng smartphone để truy cập thông tin ở địa phương chưa đến 10%.

Bà Hồ Thị Ca Chiu, cán bộ văn hóa xã hội xã A Vao
"Có nhiều chị em nói dùng điện thoại chỉ để nghe gọi, còn lướt mạng là việc của người thành phố. Nhưng giờ khác rồi, có người còn biết gửi email để nhờ cán bộ xã làm hồ sơ trực tuyến", bà Chịu cho hay.
Một dấu ấn quan trọng của Dự án 6 là mô hình tổ công nghệ cộng đồng – nơi những người có hiểu biết cơ bản về thiết bị số, phần mềm, internet… sẽ giúp bà con trong bản tiếp cận công nghệ.
Hiện nay xã A Vao có 7 tổ công nghệ cộng đồng, bao gồm 6 tổ tại các thôn, và 1 tổ tại UBND xã A Vao do Chủ tịch UBND xã A Vao làm tổ trưởng, các thành viên bao gồm: Bí thư Đoàn xã (tổ phó), cán bộ văn hóa xã hội, Chủ tịch Hội LHPN xã, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Các tổ công nghệ cộng đồng ở thôn cũng có thành phần tương tự như vậy.
Nhiệm vụ của tổ công nghệ cộng đồng không chỉ là hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng, làm giấy tờ online mà còn hướng dẫn bà con cách tra cứu chính sách bảo hiểm, nộp hồ sơ xin hỗ trợ nhà ở theo diện hộ nghèo. Trước kia, ai cần gì cũng lên xã hỏi. Giờ chỉ cần một chiếc điện thoại, hoặc nhờ thành viên của tổ công nghệ thôn, bản giúp.
Tổ công nghệ cộng đồng là "người bạn số" của dân bản
Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông, cho biết, trong năm 2024, toàn huyện đã triển khai nhiều lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản cho người dân tại các xã hưởng lợi từ Dự án 6. Trong đó, người dân tham gia là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao.
"Việc người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận thông tin nhanh chóng qua điện thoại thông minh là bước tiến lớn trong công cuộc giảm nghèo về thông tin. Chúng tôi xác định, chuyển đổi số không thể chờ người dân tự thích ứng mà phải có lực lượng trung gian hỗ trợ, như tổ công nghệ cộng đồng...
Có những hộ dân lần đầu tiếp cận điện thoại thông minh còn lạ lẫm với thao tác cơ bản như bật máy, kết nối Wifi, gõ chữ. Lúc đó, vai trò của tổ công nghệ cộng đồng trở nên cực kỳ quan trọng, họ là "người bạn số" của dân bản, là cầu nối để các chính sách chuyển đổi số không dừng lại trên giấy", ông Liệu cho hay.

Toàn xã A Vao hiện đã được phủ sóng điện thoại
Cách đây vài năm, bản Tân Đi 1 gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Mỗi khi cần gọi điện, người dân phải leo lên những mỏm đá cao, chênh vênh giữa rừng để "bắt sóng". Trong bản, mạng di động là thứ xa xỉ, internet gần như là điều không tưởng. Thư từ, tin tức, hay một cuộc gọi gấp… đều phải nhờ người mang ra trung tâm xã, mất nửa ngày đi bộ đường rừng.
Từ chỗ xa lạ với công nghệ, những góc núi ở Đakrông đang dần đổi thay. Bằng chiếc điện thoại nhỏ trong tay, bằng sóng internet vắt qua núi rừng, bằng lòng kiên trì từ những người làm dự án và cả người dân bản địa.
Không biển hiệu, không văn phòng cố định, những tổ công nghệ cộng đồng ở huyện ĐaKrông đang đóng vai trò như những trạm thông tin di động, gắn chặt với đời sống thường ngày. Khi thông tin đến gần, niềm tin cũng thay đổi.
Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện ĐaKrông, toàn huyện Đakrông đã thành lập được 13 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 71 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn gồm 532 thành viên tham gia với nòng cốt là đoàn thanh niên.