Ai sẽ hưởng lợi từ mô hình đại học khởi nghiệp?

Mô hình đại học khởi nghiệp không chỉ tạo ra những doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo mà còn mang lại lợi ích cho nhiều bên, từ địa phương, quốc gia đến trường đại học, giảng viên, sinh viên và các nhà đầu tư.

Động lực thúc đẩy kinh tế địa phương và quốc gia

Với chức năng ươm tạo mô hình kinh doanh mới với công nghệ tiên tiến, những sáng kiến từ đại học khởi nghiệp thường gắn liền với giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, từ đô thị hóa, giao thông, năng lượng cho đến môi trường, biến đổi khí hậu.

Một trong những lợi ích lớn nhất của đại học khởi nghiệp là sự kết nối chặt chẽ với xu thế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Khởi nghiệp trong trường đại học có thể giúp địa phương ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao chất lượng sống của người dân. Xu hướng chuyển đổi số và nền kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là động lực quan trọng giúp các trường đại học khởi nghiệp trở thành trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Không chỉ dừng lại ở mức độ địa phương, đại học khởi nghiệp còn mang lại tác động trên quy mô quốc gia. Một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động không chỉ tạo ra việc làm mà còn góp phần gia tăng đáng kể nguồn thu ngân sách. Tại TP.HCM là minh chứng rõ ràng: Với khoảng hơn 2.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tổng số 300.000 DN đang hoạt động, Thành phố đóng góp khoảng 23% ngân sách cả nước. Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển của DN khởi nghiệp và mức độ tăng trưởng kinh tế của một địa phương hay quốc gia.

Lợi ích của những trường đại học khởi nghiệp

Việc chuyển đổi sang mô hình đại học khởi nghiệp mang lại lợi ích to lớn cho chính các trường tiên phong trong xu hướng này. Trước đây, nguồn thu chủ yếu đến từ học phí khiến các trường đại học phụ thuộc nhiều vào quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, với mô hình đại học khởi nghiệp, nguồn tài chính của nhà trường sẽ được mở rộng đáng kể thông qua thương mại hóa công nghệ, chuyển giao tri thức và sự đóng góp từ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một trong những nguồn thu quan trọng là từ việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, mô hình kinh doanh sáng tạo được nghiên cứu và phát triển ngay trong trường đại học. Những sản phẩm này không chỉ tạo ra giá trị thực tiễn mà còn mở ra cơ hội hợp tác với DN, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, khi DN khởi nghiệp được hình thành từ trường đại học bước vào giai đoạn phát triển, nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh sẽ đóng góp đáng kể cho nhà trường.

Bên cạnh lợi ích tài chính, mô hình này còn giúp nâng cao thương hiệu và danh tiếng. Một trường đại học không chỉ dừng lại ở đào tạo và nghiên cứu mà còn là trung tâm sáng tạo, ươm tạo DN và đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo dựng được uy tín vững chắc. Trường càng có nhiều chương trình khởi nghiệp thành công càng có nhiều công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn thì vị thế trong hệ thống giáo dục cũng như trong cộng đồng DN càng được nâng cao.

Mô hình đại học khởi nghiệp không chỉ thay đổi phương thức vận hành của nhà trường mà còn tác động mạnh mẽ đến tư duy và cách làm việc của giảng viên. Nếu trước đây, giảng viên chủ yếu tập trung vào giảng dạy thì với mô hình mới, họ sẽ dành khoảng nửa thời gian giảng dạy, còn lại sẽ tham gia nghiên cứu, phát triển mô hình kinh doanh và công nghệ mới cùng sinh viên.

Không chỉ dừng lại ở nghiên cứu lý thuyết, giảng viên còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành và điều hành DN khởi nghiệp ngay từ trong trường. Điều này không chỉ nâng cao năng lực thực tiễn mà còn giúp họ cải thiện thu nhập đáng kể. Khi khởi nghiệp thành công, giảng viên có thể nhận được nguồn tài chính từ việc chuyển giao công nghệ, tham gia vào cổ phần DN hoặc nhận thù lao từ hợp tác nghiên cứu. Đây là cơ hội giúp giảng viên có thể “sống được bằng nghề” một cách bền vững.

Sinh viên theo học tại các trường đại học khởi nghiệp cũng được hưởng nhiều lợi ích thiết thực. Một trong những điểm đáng chú ý là giảm đáng kể gánh nặng chi phí học tập. Từ năm thứ hai, sinh viên đã có thể tham gia trực tiếp vào chương trình khởi nghiệp, các mô hình kinh doanh và công nghệ mới trong trường. Không chỉ học lý thuyết, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tiễn, làm việc nhóm, rèn luyện kỹ năng quản lý, phân tích thị trường và phát triển sản phẩm.

Đặc biệt, những nghiên cứu, phát minh được thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, sinh viên không chỉ tích lũy kinh nghiệm quý báu mà còn có thu nhập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Quan trọng hơn, khi tốt nghiệp, họ không chỉ là những người có kiến thức chuyên môn mà còn có kinh nghiệm thực tế để tự tin bước vào thị trường lao động hoặc tự thành lập DN.

Tiềm năng đối với các quỹ đầu tư và doanh nghiệp

Việc đầu tư ngay từ giai đoạn đầu vào nghiên cứu, phát triển mô hình kinh doanh và công nghệ mới trong trường đại học giúp quỹ đầu tư và DN có cơ hội tiếp cận những ý tưởng đột phá, độc quyền, đồng thời kiểm soát được quá trình phát triển sản phẩm. Thay vì phải chờ đợi công ty khởi nghiệp bên ngoài hình thành rồi mới đầu tư, việc đặt hàng nghiên cứu và hợp tác phát triển công nghệ ngay từ trong trường đại học giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa chi phí và tăng khả năng sở hữu những sản phẩm mang tính tiên phong.

Một khi mô hình kinh doanh mới hoặc công nghệ mới được hoàn thiện và chứng minh hiệu quả, các quỹ đầu tư và DN có thể trực tiếp nhận chuyển giao hoặc tham gia sâu hơn vào giai đoạn thương mại hóa, sản xuất hàng loạt. Điều này không chỉ giúp họ nhanh chóng khai thác thị trường mà còn mang lại lợi nhuận bền vững. Tùy theo thỏa thuận, các bên - từ nhà đầu tư, DN, trường đại học cho đến nhóm nghiên cứu đều có cơ hội cùng hưởng lợi khi đề án thành công.

Bên cạnh lợi ích tài chính, việc đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học còn giúp DN xây dựng hình ảnh đổi mới, đón đầu xu hướng công nghệ và tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao từ sinh viên tốt nghiệp. DN có thể tìm kiếm tài năng trẻ, sát cánh cùng họ trong các chương trình dài hạn, tạo ra lực lượng nhân sự không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thấu hiểu triết lý và chiến lược kinh doanh.

(*) Chủ tịch Công ty CP Đại học khởi nghiệp, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Khánh Hưng ghi

Đặng Đức Thành (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ai-se-huong-loi-tu-mo-hinh-dai-hoc-khoi-nghiep-317112.html