Ai sẽ là Thẩm phán Tòa án tối cao tiếp theo của Mỹ?
Sau khi Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg đột ngột qua đời do căn bệnh ung thư tụy, chiếc ghế thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang Mỹ hiện đang bị bỏ trống. Câu chuyện này trở thành đề tài được quan tâm nhất tại Mỹ hiện nay, bên cạnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Nuối tiếc người ra đi
Ngày 18/9 được nhiều người Mỹ coi là một trong những ngày buồn nhất của năm 2020, khi các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin Thẩm phán Tòa án tối cao Ruth Bader Ginsburg, qua đời ở tuổi 87 sau thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư tụy.
Là nữ thẩm phán được ví như biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng của xứ cờ hoa, người phụ nữ mạnh mẽ, cứng rắn Ruth Bader Ginsburg được người dân Mỹ ngưỡng mộ và yêu mến trong suốt những năm qua nhờ những cống hiến không mệt mỏi của bà.
Một ngày sau khi bà qua đời, khuôn viên của Tòa án Tối cao tại thủ đô Washington D.C. đã biến thành một đài tưởng niệm, với hàng loạt những bó hoa và lá thư, thông điệp ca ngợi Thẩm phán Ginsburg, thu hút hàng nghìn người tới để bày tỏ lòng thành kính. Truyền thông Mỹ cũng có nhiều bài viết, phóng sự tư liệu về cuộc đời và di sản của bà. Thậm chí, các trận đấu thể thao tại Mỹ cũng giành ra một phút để tưởng niệm vị thẩm phán đáng kính này.
Sự ra đi của bà Ginsburg để lại một lỗ hổng khá lớn trong hệ thống tư pháp Mỹ, nhưng cũng mở ra cho Tổng thống Mỹ Donald Trump những phép tính chính trị mới, mang tính lâu dài và ảnh hưởng sâu rộng tới tương lai xã hội quốc gia này.
Trong thế kỷ qua, Tòa án Tối cao Mỹ đã đóng vai trò căn bản trong việc định hình lại xã hội Mỹ. Năm 1954, tòa án ra phán quyết rằng việc phân biệt đối xử trong các trường học là vi hiến. Năm 1973, án lệ “Roe - Wade” hợp pháp hóa việc phá thai. Năm 2010, tòa án đã loại bỏ hầu hết hạn chế đối với việc chi tiêu chính trị của các tập đoàn. Năm 2015, hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa.
Tòa án Tối cao trong chính trị Mỹ
Tòa án Tối cao Mỹ là tòa án liên bang cao nhất tại Mỹ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Mỹ, có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang và quyền tài phán chung thẩm, đồng thời là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong Chính phủ Mỹ. Về cơ bản, Tòa án tối cao Mỹ là nơi đưa ra các quyết định quan trọng ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong đời sống của người Mỹ gồm vấn đề phá thai, chăm sóc sức khỏe, quyền sở hữu súng...
Tòa án tối cao là tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp. Các nhà khai quốc khi xây dựng Hiến pháp Mỹ 1787, kỳ vọng thiết lập được ba cơ quan nhà nước trung ương gồm lập pháp (Quốc hội) - hành pháp (Tổng thống) - tư pháp (Tòa án tối cao) hoàn toàn độc lập, có vai trò ngang nhau, hoạt động theo cơ chế phân quyền cứng rắn, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau.
Với thẩm phán và luật sư tại Mỹ, không có công việc pháp lý nào đem lại uy danh hơn vị trí thẩm phán tòa tối cao liên bang. Tòa tối cao hiện có chín ghế thẩm phán gồm một chánh án tối cao, người đứng đầu của hệ thống tòa án liên bang, đại diện cho nhánh tư pháp của chính phủ liên bang, và tám thẩm phán, đều có chức vụ phó chánh án.
Khi một vị trí thẩm phán bị bỏ trống, tổng thống sẽ đề cử ứng viên vào vị trí này. Ứng viên đó sẽ trở thành tân Thẩm phán Tòa án Tối cao nếu đạt được đa số phiếu bầu tại Thượng viện, nhưng sau đó sẽ trải qua các phiên điều trần và đánh giá trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện.
Thẩm phán tòa tối cao có nhiệm kỳ suốt đời, họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu nên được tự do ra quyết định mà không sợ bị mất chức. Năm 2018, mức lương bình quân năm của thẩm phán tòa tối cao là 255.300 USD, trong khi thu nhập của chánh án tòa tối cao là 267.000 USD. Khi nghỉ hưu, thẩm phán tòa tối cao được hưởng trợ cấp hưu trí trọn đời bằng mức lương cao nhất khi còn tại vị nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Liệu ông Trump có tiếp tục thành công?
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đề cử thành công hai thẩm phán vào Tòa án Tối cao Mỹ. Thế nhưng họ đều là những người bảo thủ thay thế những người bảo thủ. Lần này thì khác, bà Ginsburg là một Thẩm phán theo chủ nghĩa tự do, thân đảng Dân chủ.
Vài giờ sau khi bà Ginsburg được xác nhận đã mất, ông Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện cho biết ông sẽ đảm bảo một ứng cử viên do ông Trump đề cử sẽ được bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ trong năm nay.
Hành động của ông McConnell vấp phải nhiều phản đối vì trước đó Thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào ngày 13/2/2016 - chín tháng trước cuộc bầu cử diễn ra, ông đã lợi dụng ưu thế của đảng Cộng hòa để ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu đối với ứng viên của cựu Tổng thống Barack Obama. Theo ông, việc lựa chọn nên để tổng thống tiếp theo thực hiện, khiến chiếc ghế Thẩm phán bị bỏ trống trong gần chín tháng và cuối cùng được thay thế bằng ông Gorsuch, ứng viên của Tổng thống Trump.
Bản thân ông Trump ngày 19/8 vừa qua cũng khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng việc lựa chọn Thẩm phán Tòa án Tối cao là “nghĩa vụ không được chậm trễ”, ám chỉ khả năng bổ nhiệm thẩm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Hiện tại, đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện, vậy nên có thể nói, ứng viên của ông Trump sẽ dễ dàng thâu tóm được chiếc ghế thẩm phán mà không gặp nhiều khó khăn.
Ngày 26/9, Tổng thống Trump đã chính thức công bố ứng viên Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, đó là nữ thẩm phán Amy Coney Barrett, 48 tuổi. Bà Barrett sinh năm 1972 tại thành phố New Orleans, bang Louisiana và có cha từng làm luật sư cho công ty dầu Shell của Mỹ. Bà kết hôn với một cựu công tố viên liên bang và họ có bảy người con. Người phụ nữ này cũng là giáo sư luật tại Trường luật Notre Dame, dạy về luật hiến pháp, tố tụng dân sự...
Bà Barrett lần đầu tiên được khoác chiếc áo thẩm phán vào năm 2017 và là thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 của Mỹ. Tờ Los Angeles Times đánh giá đối với nhiều thành viên đảng Cộng hòa, bà Barrett, với tuổi khá trẻ và có quan điểm bảo thủ, dường như là một ứng viên gần như hoàn hảo. Nhiều tờ báo Mỹ đã đưa ra bình luận rằng, bà Barrett rất có thể sẽ xóa bỏ những thành quả mà bà Ginsburg đã đạt được, nhất là việc phản đối các quyền nạo phá thai.
Đương nhiên, đảng Dân chủ không đồng tình với quyết định này, đồng thời chỉ trích ông McConnell là “kẻ hai mặt” khi cố ý đẩy nhanh tiến trình lựa chọn thẩm phán mới thân đảng Cộng hòa. Ngày 20/9, ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã mô tả nước đi gấp rút của ông Trump là “lạm dụng quyền lực và hiến pháp”, cố “nhồi” lựa chọn của mình ở Tòa án tối cao giữa bối cảnh vận động tranh cử căng thẳng và kêu gọi cử tri có hành động đúng đắn.
Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ như ý muốn của ông Trump, bà Barrett cũng sẽ trở thành Thẩm phán thứ 115 và là người phụ nữ thứ năm phục vụ tại tòa án tối cao trong lịch sử Mỹ. Khi đó, cơ quan này sẽ thuộc về phe bảo thủ với 6/9 thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm. Vì thẩm phán tòa tối cao có thẩm quyền trọn đời, cán cân quyền lực mới có thể thay đổi cuộc sống của người Mỹ theo những cách chưa từng có, theo Guardian.
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg xuất thân từ tầng lớp lao động ở quận Brooklyn, thành phố New York, được Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Bill Clinton bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao năm 1993. Bà đã đưa ra những phiếu bầu quan trọng trong các phán quyết mang tính bước ngoặt đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ, mở rộng quyền của người đồng tính và bảo vệ quyền phá thai. Thẩm phán Ginsburg là thành viên lớn tuổi nhất của tòa án và có thời gian giữ chức lâu thứ hai trong số các thẩm phán hiện tại. Bà là người phụ nữ thứ hai trở thành thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, sau Sandra Day O’Connor, người được bổ nhiệm 12 năm trước đó. Năm 1999, Hiệp hội Luật sư Mỹ đã trao cho bà giải thưởng Thurgood Marshall vì những cống hiến cho công cuộc vận động bình đẳng giới, quyền công dân và công bằng xã hội. Thậm chí với những đóng góp của mình, cuộc đời và sự nghiệp của bà còn được các nhà làm phim Hollywood dựng thành phim điện ảnh với vai nữ thẩm phán do diễn viên nổi tiếng Natalie Portman thủ vai.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ai-se-la-tham-phan-toa-an-toi-cao-tiep-theo-cua-my-125193.html