Chiến thắng của ông Trump ảnh hưởng thế nào đến xung đột Israel - Hamas?
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã thề sẽ chấm dứt các cuộc xung đột ở Trung Đông trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình.
Theo cuộc thăm dò sau bầu cử do kênh truyền hình thương mại Channel 12 công bố, 67% người Israel cho biết họ "hài lòng với chiến thắng của ông Trump".
Điều này cũng thể hiện rõ trên đường phố Israel. "Chúng tôi hy vọng Donald Trump sẽ làm những điều tuyệt vời cho đất nước chúng tôi, cũng như cho nước Mỹ như rất nhiều lời hứa của ông ấy", Benaya Koller, một người qua đường trẻ tuổi ở Jerusalem, nói.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là "một trong những người đầu tiên gọi điện" cho Tổng thống đắc cử, theo văn phòng của ông cho biết trong một tuyên bố. "Cuộc trò chuyện của họ rất nồng ấm và thân thiện" và cả hai "đồng ý hợp tác vì an ninh của Israel".
Chính sách với Israel trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã thực hiện một số chính sách gây tranh cãi để ủng hộ Israel. Năm 2017, ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến đó, đảo ngược chính sách nhiều thập kỷ trước của Mỹ và dư luận quốc tế về vấn đề này. Ông cũng công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, nơi Israel chiếm được từ Syria trong cuộc chiến năm 1967 và sáp nhập vào năm 1981.
Ông Trump cũng được coi là kiến trúc sư của Hiệp định Abraham, một loạt các thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số quốc gia Ả Rập nhưng bỏ qua giải pháp cho cuộc xung đột Palestine - Israel. Một số nhà phân tích tin rằng ông Trump có thể thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê Út trong nhiệm kỳ thứ hai.
Ông cũng có thể cố gắng khôi phục Thỏa thuận thế kỷ - một kế hoạch mà Israel sáp nhập tất cả các khu định cư của mình ở Bờ Tây trong khi trao cho Palestine một số quyền tự chủ ở các vùng đất còn lại.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai ông Netanyahu và Trump đã nguội lạnh sau cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023, ông Trump chỉ trích ông Netanyahu là thiếu sự chuẩn bị, khẳng định rằng cuộc tấn công không xảy ra nếu ông vẫn còn là tổng thống.
Vẫn theo sát tình hình ở Trung Đông
Tình hình ở Trung Đông chắc chắn sẽ đòi hỏi sự chú ý của chính quyền Mỹ tiếp theo. Ông Trump chưa đưa ra kế hoạch chính sách lớn cho khu vực, ngoại trừ tuyên bố rằng ông sẽ chấm dứt xung đột ở Gaza và Lebanon, nhưng không nêu rõ sự khác biệt so với chính quyền ông Biden.
"Ông Trump đã nói rõ với ông Netanyahu rằng ông muốn việc này hoàn tất vào ngày 20/1 khi ông vào Nhà Trắng", ông Alon Pinkas, cựu nhà ngoại giao Israel tại New York, cho biết. Vào tháng 4, ông Trump nói rằng Israel đang thua "cuộc chiến quan hệ công chúng ở Gaza" và thúc giục nước này "hoàn tất nhanh chóng".
Những người chỉ trích cáo buộc Thủ tướng Netanyahu đang câu giờ để chờ một tổng thống Mỹ mới, bất chấp sự ủng hộ toàn diện về mặt quân sự và chính trị của chính quyền ông Biden đối với chính quyền Israel trong suốt cuộc chiến. Cựu nhà ngoại giao Pinkas nói rằng ông Netanyahu hài lòng với ông Trump vì "Trump sẽ không gây sức ép với ông ấy về vấn đề Palestine chút nào".
Trong chính quyền Tổng thống Trump đầu tiên, Mỹ đã bác bỏ lập trường chung của quốc tế rằng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp.
"Tâm trạng phấn khích" của những người định cư Israel
Tờ Yedioth Ahronoth của Israel đưa tin hôm 7/11 về "tâm trạng phấn khích" trong giới định cư Israel về việc ông Trump tái đắc cử. Tờ báo lưu ý rằng các nhà lãnh đạo định cư đã có kế hoạch sau lễ nhậm chức và đã làm việc với những người Cộng hòa chủ chốt trong vài năm qua để chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump.
Theo bài báo, kế hoạch của họ bao gồm việc khởi động "sáng kiến áp dụng chủ quyền của Israel tại Judea và Samaria và 'chiếm giữ lãnh thổ' để thành lập các tiền đồn định cư mới ở phía bắc Dải Gaza".
Việc sáp nhập thêm lãnh thổ sẽ chấm dứt ý tưởng về giải pháp hai nhà nước, cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền. Trong khi ông Netanyahu phủ nhận mọi kế hoạch tái lập các khu định cư của Israel ở Gaza, các tuyên bố của các quan chức và bộ trưởng Israel lại cho thấy điều ngược lại.
Ngoài ra còn có lo ngại rằng người Palestine sẽ không thể trở về miền bắc Gaza, nơi Israel đã khởi động lại các cuộc tấn công trên bộ vì cho rằng Hamas đang ở đây. Người dân khu vực này cho biết họ đang bị mắc kẹt trong cuộc giao tranh giữa tình hình vô cùng khốc liệt.
Ước tính 90% dân số Gaza đã phải di dời trong cuộc chiến kéo dài 14 tháng. Một trong số họ là Shadi Assad, 22 tuổi, đến từ trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Gaza. Anh ấy không mấy hy vọng rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ mang lại điều gì đó tích cực và chỉ muốn về nhà.
"Chúng tôi đang sống trong tình trạng khổ cực chưa từng có, và không ai quan tâm", anh nói. "Chúng tôi chỉ muốn chiến tranh chấm dứt, bất kể có hay không có thỏa thuận, có hay không có ông Trump".