AI và mối nguy từ ma trận tin giả-Bài 2: Trong ma trận tin giả
Khi các thế lực thù địch ứng dụng AI để sản xuất và lan truyền tin giả, việc người dùng mạng xã hội bị lừa không chỉ ở khía cạnh kỹ thuật, cái giả được làm như thật mà nguy hiểm hơn là những thuật toán thao túng tâm lý, 'lộng giả thành chân'. Trong ma trận tin giả, người dân cần hình thành thói quen nắm bắt thông tin trên các tờ báo chính thống, làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để tham gia tích cực vào công tác đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Sự nguy hại từ ma trận tin giả
Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian mạng xuất hiện rất nhiều sản phẩm truyền thông được sản xuất bằng AI.
Cộng đồng mạng bày tỏ thích thú trước những sản phẩm có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt, mang tính giáo dục cao, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, được tạo ra bởi các nhóm bạn trẻ có tinh thần yêu nước, giỏi công nghệ. Bên cạnh những thước phim tái hiện lịch sử hào hùng, thể hiện niềm tôn kính, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ; ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước... là những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật giải trí, được giới trẻ yêu thích.
Không có số liệu thống kê các sản phẩm AI về những chủ đề này, nhưng sự xuất hiện liên tục với tần suất lớn trên các nền tảng số cho thấy lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam vô cùng to lớn và đáng trân trọng. Nguồn năng lượng tích cực này cũng gợi mở cho các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng văn hóa nhiều ý tưởng, phương thức nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng với phương châm lấy “xây” để “chống”.

Ảnh minh họa: cand.com.vn
Ở chiều ngược lại, vấn nạn tin giả, thông tin chứa nội dung, thông điệp xấu độc, phản động cũng được các thế lực thù địch tận dụng những phần mềm AI tung ra, xuất hiện nhan nhản trên các nền tảng số. Chúng sử dụng các thuật toán AI để lan truyền thông tin chống phá Đảng, chống phá đất nước theo xu hướng truy cập, tìm kiếm thông tin của cư dân mạng.
Chính vì vậy, khi một sự kiện diễn ra thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội (ví dụ hoạt động diễu binh, diễu hành; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực, v.v..), các thuật toán AI sẽ tự động cung cấp cho người dùng những sản phẩm xấu độc do các thế lực thù địch sản xuất bằng ứng dụng AI có nội dung liên quan. Nhiều người dùng mạng xã hội đã thốt lên: Cứ vào mạng là thông tin phản động nó đập vào mắt.
Với những người có am hiểu nhất định về công nghệ, có bản lĩnh tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ, kiến thức về lý luận chính trị... thì việc nhận diện không phải là vấn đề quá khó khăn. Nhưng với đại đa số công dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động trong các khu công nghiệp, những thành phần ít có điều kiện tiếp xúc với công nghệ... thì để phân biệt thật-giả, tốt-xấu... là cả một thách thức.
Người viết bài này trong chuyến về quê mới đây đã chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười. Bà con cô bác, trong đó có nhiều cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, bên bàn trà, chén rượu... rôm rả bàn chuyện thời sự, thế sự. Họ quả quyết rằng có một đại biểu Quốc hội ở Tây Nguyên, sau khi có ý kiến đề xuất tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, giáng cấp bậc quân hàm.
Tìm hiểu mới vỡ lẽ, đó là tin giả từ một sản phẩm truyền thông do các thế lực thù địch tạo nên bằng ứng dụng AI, lan truyền trên mạng xã hội. Vì tin giả được làm như thật nên đã đánh lừa được các giác quan của người dân. Lý giải vấn đề này, một chuyên gia AI ở Bộ tư lệnh 86 cho biết: Do ý kiến của đại biểu Quốc hội nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận xã hội nên các thuật toán AI đã tự động cung cấp thông tin liên quan, trong đó có nhiều thông tin độc hại, phản động do các thế lực thù địch tạo ra để thực hiện mưu đồ chống phá đất nước.
Sử dụng thông tin chính thống để đấu tranh, phản bác
Việc các thế lực thù địch sử dụng thuật toán AI thao túng tâm lý người dùng đã và đang tạo nên những cái bẫy nguy hiểm trên không gian mạng, khiến công tác nhận diện, đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong vấn nạn lừa đảo trực tuyến, nhiều nạn nhân bị lừa sạch tiền trong tài khoản ngân hàng chia sẻ, ban đầu khi tiếp nhận thông tin thì hoàn toàn tỉnh táo, nhưng sau đó bị cuốn vào cơn mê sảng giống như bị thôi miên. Thế là cứ làm theo lời đối tượng lừa đảo, đến khi tỉnh lại thì đã muộn. Nạn nhân không chỉ là người thiếu kiến thức, kỹ năng công nghệ mà ngay cả một số cán bộ quản lý, có học vị cao cũng dính bẫy.
Vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương (thời điểm bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị lừa đảo trực tuyến mất khoảng 170 tỷ đồng là một dẫn chứng đau lòng điển hình.
Khi cơn mê sảng do bị AI thao túng tâm lý trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, văn hóa diễn ra một cách từ từ, âm ỉ trong đời sống tinh thần của người dân, hậu quả của nó không đong đếm bằng tiền mà liên quan đến sự an nguy của chế độ.
Xin nhắc lại một vụ việc điển hình để chúng ta thấy rõ hơn mối nguy từ ma trận tin giả từ ứng dụng AI. Đầu năm 2023, thông tin về một nữ sinh bị “hiếp dâm” trong thời gian học giáo dục quốc phòng, an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 đã gây rúng động dư luận. Tất cả bắt nguồn từ một video clip có hình ảnh, âm thanh “sống động như thật” do đối tượng Nguyễn Lê Tấn Tài (sinh năm 2004, ngụ tại tỉnh Đồng Nai) thực hiện. Mặc dù cơ quan chức năng đã có văn bản phản bác và đối tượng tung tin giả đã xóa bài đăng, lên tiếng đính chính, xin lỗi ngay sau đó nhưng những động thái này không đủ sức ngăn chặn hội chứng đám đông trên không gian mạng.
Chỉ đến khi Bộ tư lệnh Quân khu 7 tổ chức họp báo, cung cấp đầy đủ thông tin phản bác thì mới dập tắt được “cơn lên đồng tập thể” trên không gian mạng. Đối tượng tung tin giả sau đó đã bị truy tố, xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.
Nắm bắt tâm lý, nhu cầu của xã hội thông qua xu hướng quan tâm, tìm kiếm thông tin trên không gian mạng, các thế lực thù địch và đối tượng phản động thường xuyên tận dụng, khai thác tiện ích từ các ứng dụng AI để thực hiện những chiến dịch truyền thông chống phá đất nước.
Theo Đại tá, TS Trần Ngọc Anh, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm 286, Bộ tư lệnh 86: Nếu như trước đây, việc soạn các bài viết, bài nói, video clip, bản tin... theo phương pháp thủ công cần nhiều thời gian, nhân lực thì nay, công nghệ AI đã làm thay tất cả. Các thế lực thù địch sản xuất tin giả để dẫn dắt dư luận. Chúng sử dụng các phần mềm AI sưu tầm, tổng hợp thông tin, hình ảnh từ báo chí chính thống và mạng xã hội trong nước, bám vào dòng thời sự chủ lưu để tạo dựng thông tin sai lệch, xuyên tạc, dẫn dắt dư luận, sử dụng các thuật toán AI đưa sản phẩm, thông tin xấu độc len lỏi, xâm nhập mọi ngóc ngách của những tài khoản cá nhân trên các nền tảng số.
Chính vì vậy, khi trong nước có sự kiện gì thì ngay lập tức không gian mạng sẽ xuất hiện thông tin xuyên tạc, chống phá với tần suất dày đặc, hằng phút, hằng giờ “đập” vào mắt người dùng mạng xã hội. Với chiêu bài “lộng giả thành chân”, các hệ thống chatbot sử dụng AI có thể tự động tham gia bình luận, chia sẻ thông tin xấu độc, gây nhiễu loạn thông tin, thao túng tâm lý xã hội, hệ lụy khôn lường.
Nguy hại hơn, sau khi tung ma trận tin giả, một số đối tượng phản động đã ngông cuồng lên tiếng thách thức lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những ngày gần đây, khi chúng ta triển khai lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp năm 2013, không gian mạng xuất hiện cái gọi là “lá thư thách thức Tổng Bí thư Tô Lâm” của đối tượng phản động Nguyễn Văn Đài (tự xưng là luật sư Nguyễn Văn Đài). Với giọng điệu ngông cuồng, hỗn láo, thái độ trịch thượng, vô văn hóa, Nguyễn Văn Đài lên tiếng thách thức đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp. Khi thông tin phản động này được các thế lực thù địch ứng dụng thuật toán AI xâm nhập vào các tài khoản mạng xã hội, đã được một số đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị cổ xúy, tung hô.
Trong bối cảnh trình độ, kỹ năng, nhận thức về công nghệ AI của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, người dân mới ở ngưỡng “bình dân học vụ số”, việc nhận diện tin giả đã khó, triển khai các giải pháp đấu tranh, loại bỏ nó trong đời sống xã hội còn khó khăn hơn. Ma trận tin giả từ ứng dụng AI đều là ảo, nhưng hậu quả của nó là thật, có những cái thật phũ phàng, thật “chết người” mà chúng ta đang hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt trong thế giới ảo.
Với tinh thần lấy “xây” để “chống”, cán bộ, đảng viên và công dân yêu nước cần nắm bắt, nghiên cứu, đối chiếu thông tin từ các tờ báo chính thống, tránh rơi vào bẫy tin giả. Đó cũng là cơ sở để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, sử dụng thông tin, tư liệu chính thống để tham gia đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, thù địch trên không gian mạng...
(còn nữa)
LỮ NGÀN
