AI và UAV có thể thay thế binh lính và máy bay chiến đấu?

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị bay không người lái (UAV) đang tái định hình cách các lực lượng quân sự hành động.

Nhưng thay vì thay thế hoàn toàn con người hoặc máy bay chiến đấu truyền thống, những công nghệ này đang tạo ra một hướng đi mới: sự tích hợp thông minh giữa cũ và mới, giữa con người và máy móc.

Theo Wall Street Journal, minh họa rõ nhất cho mô hình này là chiến dịch tấn công vào các cơ sở hạt nhân Iran của Israel. Hơn 200 chiến đấu cơ có người lái đồng loạt thả 300 quả bom chính xác xuống hàng trăm mục tiêu. Cùng lúc, UAV cỡ nhỏ được phóng từ một căn cứ bí mật bên trong lãnh thổ đối phương đã phá hủy các bệ phóng tên lửa.

Israel cũng triển khai hệ thống vũ khí thông minh từ xe cơ động, phối hợp cùng tình báo mạng và các đòn tấn công điện tử. Đây là một ví dụ điển hình về chiến tranh đa tầng, nơi AI, UAV và con người vận hành như một cơ thể thống nhất.

AI và UAV không nhằm thay thế con người, mà đóng vai trò bổ trợ, giúp chiến tranh hiện đại trở nên nhanh, gọn và thông minh hơn nhờ sự phối hợp giữa công nghệ và con người - Ảnh: Grok AI

AI và UAV không nhằm thay thế con người, mà đóng vai trò bổ trợ, giúp chiến tranh hiện đại trở nên nhanh, gọn và thông minh hơn nhờ sự phối hợp giữa công nghệ và con người - Ảnh: Grok AI

Bài học rõ ràng là các hoạt động quân sự thành công không còn chỉ phụ thuộc vào hỏa lực áp đảo hay sự mới lạ về công nghệ. Chúng hiện đòi hỏi sự tổng hợp - không quân và mặt đất, truyền thống và thế hệ mới, con người và máy móc.

Một chiến dịch hiệu quả trong thế kỷ 21 không chỉ dựa trên hỏa lực hay sự mới lạ về công nghệ, mà dựa vào khả năng tổng hợp các yếu tố lại thành một hệ thống chiến đấu thống nhất. Israel thậm chí đã phải rút ngắn chu kỳ lập kế hoạch từ 5 năm xuống 5 tháng để bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ và thay đổi chiến lược của đối thủ.

UAV giá rẻ có thể là đầu mũi tấn công, nhưng chúng không thể hoạt động hiệu quả nếu không có hạ tầng hỗ trợ phía sau. Chiến thuật hiện đại đòi hỏi sự phối hợp giữa tàng hình và tấn công dồn dập, giữa thuật toán AI và trực giác con người, giữa hệ thống tự động và những chỉ huy ra quyết định trong thời gian thực. Đây chính là học thuyết quân sự mới, nơi công nghệ được tích hợp vào chiến lược ngay từ đầu, chứ không chỉ là công cụ thêm vào.

Tuy vậy, Mỹ và những quốc gia sở hữu những nền tảng vũ khí mạnh mẽ nhất thế giới, lại đang gặp thách thức trong chính sự kết nối giữa cũ và mới. Xe tăng, tàu chiến, máy bay vẫn hiệu quả, nhưng thường hoạt động rời rạc và chưa kết nối sâu với kiến trúc mạng, AI và dữ liệu thời gian thực. Đổi mới công nghệ thường bị gắn thêm vào hệ thống lỗi thời, thay vì được tích hợp từ cấu trúc chiến lược. Điều này dẫn tới một lỗ hổng nguy hiểm: AI giúp nhắm bắn chính xác, nhưng chưa giúp định hình chiến dịch.

Trung Quốc trước đó, đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh có khả năng bay vòng quanh địa cầu, một tổ hợp tích hợp giữa dẫn đường từ không gian, động lực học siêu thanh và tấn công chính xác, vào năm 2025. Quan trọng hơn, Bắc Kinh không chỉ phát triển vũ khí, mà còn tái cấu trúc toàn bộ quân đội để vận hành đồng bộ với chiến lược công nghệ mới.

Ngược lại, Mỹ thường coi công nghệ như “phụ kiện bổ sung”, chứ không phải “bộ khung chiến đấu mới”. Điều này để lại những khoảng trống quan trọng so với các đối thủ. Để thu hẹp khoảng cách này, Mỹ cần nắm bắt sức mạnh doanh nghiệp của khu vực tư nhân.

Các startup và quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt ở thung lũng Silicon hay Tel Aviv, đang dẫn đầu các đột phá về công nghệ quốc phòng. Tuy nhiên, để biến đột phá thành ưu thế chiến lược, các quân đội cần thay đổi tư duy mua sắm, thúc đẩy thử nghiệm nhanh và xem việc tích hợp startup như một phần tất yếu của quá trình hiện đại hóa.

AI và UAV không còn là tương lai, chúng đã là hiện tại. Chúng cần được đưa vào quy trình huấn luyện, cấu trúc chỉ huy và cả tư duy chiến đấu. Một quân đội hiện đại là quân đội nơi mọi chỉ huy đều hiểu và ra quyết định dựa trên dữ liệu, máy học và tự động hóa, không chỉ dựa vào bản năng.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ai-va-uav-co-the-thay-the-binh-linh-va-may-bay-chien-dau-234563.html