Alibaba sẽ đi về đâu sau khi Jack Ma 'nghỉ hưu'?

Sau cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử, Tập đoàn Alibaba sẽ hướng đến 3 mục tiêu: tiếp tục hoạt động cho đến thế kỷ 22 (kế hoạch 102 năm); cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc và trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Dù Jack Ma vẫn giữ một vị trí trong Hội đồng quản trị của Alibaba nhưng ông dự kiến sẽ rời khỏi công ty sau khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 7/2020. (Nguồn: Getty Images)

Hai thập kỷ sau khi khởi nghiệp trong một căn hộ nhỏ với 17 đồng nghiệp và một số sinh viên, cựu giáo viên tiếng Anh, Jack Ma Yun đã quyết định từ chức Chủ tịch tập đoàn đúng vào ngày 10/9/2019, sau khi xây dựng một đế chế công nghệ trị giá 460 tỷ USD và góp phần định hình lại xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc.

Tuyên bố của Jack Ma được đưa ra trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập của Alibaba tại một sân vận động ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc). Phát biểu trước khoảng 60.000 người tham dự, người đứng đầu đế chế Alibaba cho biết, ông đã chuẩn bị cho thời điểm này từ cách đây một thập kỷ, bao gồm cả việc tìm kiếm người kế nhiệm.

Cánh tay phải của Jack Ma

Chiếc ghế quyền lực được chuyển giao cho CEO của Alibaba là Daniel Zhang Yong. Dù Jack Ma vẫn giữ một vị trí trong Hội đồng quản trị của Alibaba nhưng ông dự kiến sẽ rời khỏi công ty sau khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 7/2020. Doanh nhân Jack Ma - người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản lên tới 34,6 tỷ USD (theo Forbes), cho biết sắp tới ông dự định sẽ quay lại với giáo dục và tập trung cho công tác từ thiện.

Tuyên bố về sự ra đi của mình, ông chủ của Alibaba khẳng định: “Không phải Jack Ma đã nghỉ hưu, mà là sự khởi đầu của quá trình kế thừa có hệ thống”.

Người tiếp quản vị trí của Jack Ma - Daniel Zang Yong bắt đầu nắm giữ vị trí giám đốc điều hành Alibaba từ năm 2015. Ông là kiến trúc sư trưởng của nhiều sáng tạo nổi bật tạo nên thương hiệu Alibaba, bao gồm cả Lễ hội mua sắm lớn nhất thế giới - Ngày độc thân (11/11).

Trước khi đầu quân cho Alibaba, Zhang từng là Giám đốc Tài chính (CFO) của Công ty trò chơi Shanda Interactive Intertainment, Quản lý cao cấp tại chi nhánh, Cố vấn kinh doanh và kiểm toán của PwC. Zhang cũng đã từng giữ các chức vụ quản lý cấp cao tại nhiều phòng ban của Alibaba trong giai đoạn 2007-2015 trước khi nhận chức vụ CEO của Alibaba.

CEO Daniel Zhang Yong - người kế nhiệm Jack Ma tiếp quản đế chế Alibaba. (Nguồn: Alizila)

Trong lá thư gửi các cổ đông, Jack Ma viết rằng kể từ khi Zhang được bổ nhiệm làm CEO, Alibaba đã chứng kiến tăng trưởng bền vững trong 13 quý liên tiếp. Jack Ma khen ngợi người sắp kế nhiệm mình là có “năng lực phân tích vô song”, đón nhận trách nhiệm với niềm đam mê và có can đảm đổi mới, thử nghiệm mô hình kinh doanh sáng tạo. Thời điểm Daniel Zhang Yong được bổ nhiệm chức vụ CEO của Alibaba năm 2015, các nhà đầu tư của Alibaba cùng giới phân tích đã hết sức tán thành.

Ba mục tiêu lớn

Trong một video phỏng vấn được Tập đoàn Alibaba công bố vào tháng 12/2018, CEO Daniel Zhang Yong đã đưa ra tầm nhìn cho Tập đoàn trong thập kỷ tới, theo đó nhấn mạnh định hướng sắp tới của Alibaba là “hỗ trợ các doanh nghiệp hợp lý hóa việc kinh doanh, nâng cao hiệu quả sức mạnh công nghệ số, hướng tới các dịch vụ xã hội công cộng thông minh hơn”.

Ông Zhang chia sẻ, trong 10 năm tới, Tập đoàn thương mại điện tử này sẽ cung cấp các cơ sở hạ tầng kinh doanh cần thiết để làm kinh doanh trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp.

Hướng đi này của Tập đoàn có thể được thấy rõ qua sự tăng trưởng chóng mặt của các mảng kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp mà Alibaba đẩy mạnh trong những năm gần đây, bao gồm cả phát triển dịch vụ điện toán đám mây. Đây là hướng đi được đánh giá là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh sự tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ điện toán đám mây đang đóng góp đáng kể vào doanh thu của các tập đoàn "đối thủ" như Amazon hay Microsoft.

Theo Jack Ma, Tập đoàn Alibaba sẽ hướng đến 3 mục tiêu: tiếp tục hoạt động cho đến thế kỷ 22 (kế hoạch 102 năm); cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc và trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Thời gian sẽ trả lời rằng liệu Alibaba có đạt được mục tiêu đầu tiên hay không, nhưng hai mục tiêu còn lại thì đế chế thương mại điện tử này đã đạt được. Tập đoàn hiện đang dẫn đầu ngành thương mại điện tử toàn cầu về tổng khối lượng hàng hóa bán lẻ trong năm tài chính 2018 với mức 5,73 nghìn tỷ Nhân dân tệ (804 tỷ USD), vượt qua cả “ông lớn” Amazon.

Báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận ròng của Tập đoàn đã tăng 37% lên mức kỷ lục 87,6 tỷ Nhân dân tệ tính đến tháng 3/2019, với động lực tăng trưởng chính là hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Giá trị của Alibaba đã được định giá tăng gấp đôi, lên khoảng 460 tỷ USD kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán New York vào tháng 9/2014.

Jack Ma đã nhận ra tiềm năng vô hạn của internet từ rất sớm. Trong chuyến thăm Mỹ 20 năm trước, ông chủ của Alibaba từng khẳng định công nghệ thông tin sẽ thay đổi thế giới.

Chia sẻ về tương lai của Alibaba hôm 10/9, Jack Ma khẳng định: “Tương lai của Alibaba không nằm ở việc chứng minh rằng chúng ta có thể kiếm được 102 năm lợi nhuận, mà là để chứng minh rằng chúng ta sẵn sàng gánh vác 102 năm trách nhiệm”.

(theo Nikkei Asian Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/alibaba-se-di-ve-dau-sau-khi-jack-ma-nghi-huu-100937.html