Alibaba và Ant Group thiệt hại khoảng 850 tỉ USD sau 2 năm 'sóng gió'
Sự kìm kẹp của các cơ quan quản lý đối với Jack Ma đã đi đến hồi kết sau hơn 2 năm, nhưng hậu quả về tài chính của Alibaba và Ant Group vẫn chưa dứt.
Alibaba và Ant Group chịu hậu quả nặng nề sau 2 năm chịu sự siết chặt quản lý (Ảnh: Bloomberg)
Thiệt hại nặng nề sau 2 năm
Trong hôm 7/7, giới chức Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ khép lại vụ điều tra nhằm vào Ant Group với mức án phạt cuối cùng gần 1 tỉ USD. Cuộc điều tra bắt đầu sau khi Jack Ma chỉ trích các quy định trong lĩnh vực tài chính trong năm 2020, buộc Ant phải rút khỏi đợt IPO được dự báo là lớn nhất trong lịch sử.
Cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với mức tiền phạt mới được công bố. Ant Group đã phải cải tổ lại mô hình kinh doanh, rút khỏi các lĩnh vực nhạy cảm và giảm bớt sự cạnh tranh với các ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn. Giá trị vốn hóa thị trường của Ant Group – khoảng 315 tỉ USD trước IPO – đã giảm thê thảm, xuống còn 78,5 tỉ USD.
Vào ngày 8/7, Ant Group đã đề xuất mua lại 7,6% cổ phần nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư bị kẹt do sự siết chặt quy định của các cơ quan quản lý.
Tình hình của Alibaba cũng không khá khẩm hơn. Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc vào đầu năm nay đã phải phân chia thành 6 doanh nghiệp nhỏ hơn. Giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba hiện ở mức 234 tỉ USD, mặc dù cổ phiếu tăng giá 8% trong hôm thứ Sáu vừa qua. Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2020, mức định giá của tập đoàn này là 620 tỉ USD.
“Các công ty đã phạm phải sai lầm và giờ hình phạt đã chấm dứt – ít nhất là đối với loạt vấn đề này”, Kendra Schaefer, đối tác làm việc tại hãng tư vấn Trivium China trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Bloomberg.
Đế chế thương mại có trụ sở tại Hàng Châu của tỉ phú Jack Ma là tâm điểm của đợt siết chặt quản lý, gây tác động sâu rộng tới khu vực tư, từ bất động sản, giáo dục trực tuyến, game trực tuyến cho tới gọi xe. Giới chức trước đó tuyên bố rằng nền kinh tế Trung Quốc cần nhấn mạnh vào sự “thịnh vượng chung” và hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu. Cuộc cải cách đã quét sạch 1 nghìn tỉ USD khỏi sàn chứng khoán Trung Quốc.
Mặc dù các biện pháp mới nhất của Trung Quốc cho thấy tín hiệu nới lỏng, nhưng ưu tiên chính sách về bình ổn xã hội và an ninh quốc gia vẫn được duy trì.
Việc tài sản của các tập đoàn trong tay Jack Ma bị mất hơn 850 tỉ USD là dấu hiệu cho thấy tạo dựng lại niềm tin với các nhà đầu tư quốc tế sẽ khó khăn như thế nào. Không chỉ bởi lợi nhuận của doanh nghiệp chịu sức ép do đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, mà ưu tiên của quốc gia này đã chuyển biến về căn bản.
Theo như viễn cảnh được Bloomberg Economics đưa ra mới đây, trong bối cảnh bất động sản sụt giảm nghiêm trọng, tiến trình cải cách chậm và căng thẳng địa chính trị, đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 3% trong năm 2030.
Jack Ma từ bỏ quyền kiểm soát Alibaba (Ảnh: Bloomberg)
Bên cạnh Ant Group, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đưa ra mức phạt tiền đối với một số ngân hàng khác và tập đoàn Tencent Holdings Ltd. Cả Ant và Tencent đều đưa ra tuyên bố của họ sau khi án phạt được công bố, nói rằng họ đã hoàn tất quá trình cải cách cần thiết theo quy định của nhà nước.
"Việc các nhà chức trách phải đấu tranh để quyết định chính xác không gian công nghệ tài chính và vai trò của các công ty công nghệ lớn trong đó đã rõ ràng", Martin Chorzempa, chuyên gia từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, phát biểu với Bloomberg. "Đó là lý do tại sao họ mất nhiều thời gian để hoàn thành quá trình quyết định và đạt được thỏa thuận cuối cùng với công ty công nghệ tài chính quan trọng bậc nhất ở Trung Quốc."
Khởi điểm của “vận đen”
Cơn bĩ cực của Jack Ma bắt đầu từ tháng 10/2020 khi doanh nhân này đứng lên bục đài ở Thượng Hải trong khuôn khổ hội nghị thượng định Bund để phát biểu trước các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý. Trong lúc Ant Group sắp triển khai đợt IPO lịch sử, Jack Ma lại bỏ ra 20 phút để nói về cái mà ông gọi là những quy định lỗi thời gây cản trở sự đổi mới trong nước.
Chỉ vài ngày sau, giới chức triệu tập Jack Ma tới Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) để giải thích về hàng loạt thiếu sót trong hoạt động kinh doanh của Ant Group, từ hoạt động cho vay tiêu dùng, quản lý tài sản cho tới thanh toán trực tuyến. Kế hoạch IPO của Ant Group, dự kiến có thể huy động được 35 tỷ USD, đã buộc phải bị hủy bỏ.
Tập đoàn công nghệ tài chính đã đối mặt với nhiều rào cản pháp lý kể từ đó và buộc phải hoạt động như một ngân hàng truyền thống.
Lợi nhuận của Ant Group sụt giảm mạnh khi phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để tuân thủ các quy định mà cơ quan quản lý đặt ra, và thay đổi trọng tâm từ mở rộng quy mô hoạt động sang tuân thủ quy định. Thu nhập ròng của tập đoàn từ chỗ tăng trưởng 2 con số vào đầu năm 2021 thành suy giảm 4 quý liên tiếp trong năm 2022. Vào đầu năm 2023, Jack Ma tuyên bố từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group mặc dù vẫn giữ lại 6,2% quyền bỏ phiếu, theo ước tính của Bloomberg.
Alibaba bị phân chia làm 6 đơn vị (Ảnh: Bloomberg)
Khó khăn chồng chất, chưa thể dừng lại
Đã có nhiều thời điểm Ant Group gặp phải khó khăn đỉnh điểm trong suốt 2 năm bị siết chặt quản lý. Tháng 4/2021, Trung Quốc yêu cầu Ant chuyển thành một công ty cổ phần tài chính nhưng đến tận ngày nay công ty này vẫn chưa nhận được giấy phép.
Ant Group cũng buộc phải mở ứng dụng thanh toán của mình cho các đối thủ cạnh tranh và các hoạt động cho vay của họ bị hạn chế đáng kể. Công ty này bị cấm hướng người dùng đến các khoản cho vay và các dịch vụ sinh lợi khác, và khả năng cho vay của họ bị hạn chế bởi các quy định mới. Các khoản vay tiêu dùng được thực hiện cùng với các ngân hàng bị chia tách khỏi các thương hiệu Jiebei và Huabei.
Ant Group chiếm khoảng 50% thị phần mảng kinh doanh cho vay tiêu dùng, được thiết lập vào năm 2021 như một phần của cuộc cải tổ, với khả năng cung cấp các khoản vay 400 – 500 tỉ NDT, theo tính toán của Bloomberg. Các tài sản thuộc quyền quản lý của quỹ thị trường tiền tệ Yu’ebao của Ant – từng có thời điểm lớn nhất thế giới – đã sụt giảm khoảng 36% xuống còn 759 tỉ NDT (111 tỉ USD) tính đến tháng 9 cách đây 2 năm.
Lợi nhuận của Ant Group sụt giảm (Ảnh: Bloomberg)
Xét theo khía cạnh nào đó, những con số về Ant Group đã phản ánh sự giảm tốc của lĩnh vực internet có quy mô rộng lớn của Trung Quốc, do ảnh hưởng của các lệnh giới hạn do COVID-19 và siết chặt quản lý. Trong bối cảnh bất ổn về đà tăng trưởng kinh tế và các quy định, Alibaba đã suy yếu và trở thành cái bóng của chính mình trước đây.
Từng là công ty có giá trị lớn nhất châu Á, mảng kinh doanh thương mại nội địa của Alibaba đã suy yếu do vụ điều tra chống độc quyền và cuối cùng phải đối mặt với mức phạt 2,8 tỷ USD vào năm 2021. Họ cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như JD.com và PDD Holdings.
Sau khi Alibaba công bố quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng doanh thu chỉ 1 con số, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc này đã tiến hành cuộc cải tổ lớn nhất từ trước đến nay trong tháng 6. Cuộc cải tổ khiến các "tướng lĩnh" lâu năm của Jack Ma, Joe Tsai và Eddi Wu, trở thành người điều hành đế chế chỉ vài tháng sau khi công ty công bố kế hoạch phân chia làm 6 đơn vị.
Mặc dù đã bước vào giai đoạn mới, nhưng các nhà đầu tư dường như không mấy mặn mà. Giá cổ phiếu của Alibaba vẫn giảm 1,5% trong ngày mà có thông tin chỉ định lãnh đạo mới, và tiếp tục giảm trong 3 ngày giao dịch tiếp theo. Việc chia nhỏ Alibaba có thể càng gây thêm rắc rối cho Alibaba./.