Ám ảnh đằng sau những chiếc điện thoại đắt tiền

'Cobalt Red' của Siddharth Kara đi sâu vào câu chuyện kinh hoàng của việc khai thác khoáng sản quý hiếm và nhiều người làm giàu trên sự đau khổ của đồng loại.

 Hoạt động khai thác cobalt diễn ra trong điều kiện lao động nguy hiểm. Ảnh: New York Times.

Hoạt động khai thác cobalt diễn ra trong điều kiện lao động nguy hiểm. Ảnh: New York Times.

Cobalt là một khoáng chất cần thiết để sản xuất pin của các thiết bị thông minh, xe điện và nhiều sản phẩm điện tử khác. Smartphone - vật dụng hầu như ai cũng có - chứa khoảng vài gram nguyên tố này.

Trong quyển Cobalt Red, tác giả Siddharth Kara chỉ ra góc khuất của quá trình khai thác khoáng sản quý hiếm. Rất có thể, để tạo nên chiếc điện thoại bạn đang cầm trên tay, những công nhân làm việc trong hầm mỏ tăm tối ở châu Phi đã bị bóc lột tàn nhẫn.

Gần một nửa trữ lượng cobalt của thế giới được tìm thấy ở Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia hứng chịu xung đột kéo dài, bị biến thành địa điểm tranh giành ảnh hưởng chính trị và chiếm cứ nguồn tài nguyên chiến lược.

Sử dụng lao động vị thành niên xuất hiện tràn lan trong lĩnh vực khai thác mỏ tại Congo. Vào năm 2016, Tổ chức Ân xá Quốc tế và nhóm giám sát Afrewatch chỉ trích các công ty đa quốc gia như Apple và Samsung sử dụng nguồn cobalt khai thác thông qua bóc lột sức lao động.

Ngành công nghệ cam kết sẽ cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân tại các khu mỏ. Tuy nhiên, kể từ đó, nhu cầu cobalt ngày càng tăng cao. Việc này đã thôi thúc Siddharth Kara bắt tay vào điều tra.

Là giảng viên tại Kennedy School thuộc Đại học Harvard, Kara từng viết về nạn buôn bán tình dục và các hình thức khác của "nô lệ hiện đại". Giống những quyển sách trước đó, thông qua Cobalt Red, tác giả muốn vạch trần sự thật về tình trạng bóc lột lao động đang diễn ra trong ngành công nghiệp khai khác mỏ.

Kara đưa độc giả "đi theo con đường duy nhất dẫn đến sự thật" tại khu mỏ Katanga, trung tâm khai thác cobalt tại thành phố Kolwezi (Congo).

 Bìa sách Cobalt Red. Ảnh: Barnes&Noble.

Bìa sách Cobalt Red. Ảnh: Barnes&Noble.

Kể từ khi bị vua Bỉ Leopold II chiếm giữ vào năm 1885, sông Congo và lưu vực đã cung cấp cho thế giới - đặc biệt là Mỹ - nhiều của cải: ngà voi, cao su, dầu cọ, kim cương, uranium. Tuy nhiên, ngày nay hơn 3/4 dân số Congo sống dưới mức nghèo khổ, trong khi rất ít người được tiếp cận với nước sạch và điện.

"Chưa bao giờ người dân Congo được hưởng lợi từ các mỏ của đất nước. Chúng tôi chỉ trở nên nghèo hơn", một nhà lãnh đạo cộng đồng nói với Kara.

Từ năm 2018, tác giả đã thực hiện một số chuyến đi đến các khu vực khai thác mỏ của Congo, những địa điểm nằm trong phạm vi tranh giành gay gắt, đầy rẫy nguy hiểm. Tại đây, những người thợ mỏ làm việc cực nhọc trong các mỏ sâu và đường hầm lộ thiên. "Hơn 15.000 đàn ông và thiếu niên đang đập búa, xẻng và la hét bên trong miệng hố, hầu như không có chỗ để di chuyển hoặc thở".

Những người thợ mỏ, hầu hết không có đồ bảo hộ, lao động giữa kim loại độc hại. Kara phỏng vấn một số người bị tàn tật suốt đời do tai nạn và chứng kiến xác một cậu bé vị thành niên được đưa ra khỏi đường hầm vừa sập. Vụ việc khiến 63 người thiệt mạng.

Theo New York Times, điều đáng giá của Cobalt Red là tác giả đã đi sâu vào khám phá quá trình khai thác mỏ dựa trên lao động cưỡng bức, sau đó đưa sản phẩm thu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyễn Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/am-anh-dang-sau-nhung-chiec-dien-thoai-dat-tien-post1397353.html