Ám ảnh không gian hẹp

Có đến 10% người Anh và 5% người Mỹ có dấu hiệu mắc hội chứng sợ không gian hẹp. Đấy là kết quả khảo sát công phu ở các quốc gia này. Ở Việt Nam, chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tại các cơ sở khám bệnh ghi nhận nhiều trường hợp mắc hội chứng sợ không gian hẹp.

Từ những sang chấn tâm lý

N.T.V. quê ở Vĩnh Phúc, hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Năm V. học lớp 8, nhà hàng xóm bị cháy. Trước mắt cô bé V, một mảng tường bắt cháy và đổ sập xuống, chắn ngang căn bếp nhỏ khi V đang ở trong đó. Ngọn lửa lan ra và bùng lên, cô bé sợ hãi và khóc thét. May mắn, V. đã được cứu thoát ra khỏi không gian mù mịt và ngột ngạt đó. Nhưng kí ức hãi hùng ám ảnh V. khiến cô luôn thấy sợ khi phải ở trong những không gian nhỏ và kín. Khi vào đại học, cô chia sẻ rằng khi vào ở trong kí túc xá, ở giường tầng thì cảm giác thật khủng khiếp. V. luôn thấy hình ảnh căn bếp bốc cháy ngày bé hiện lên, thấy lo sợ và khó thở, run rẩy khi ở giường tầng. Sau vài ngày, V. đành rời kí túc xá để ra ở trọ bên ngoài. Hiện tại, V đang phải điều trị tâm lý để mong thoát khỏi nỗi sợ hãi luôn bóp nghẹt cuộc sống của cô.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Minh, Phó trưởng khoa Điều trị người già, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám cho bệnh nhân.

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Minh, Phó trưởng khoa Điều trị người già, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám cho bệnh nhân.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Minh, Phó trưởng khoa Điều trị người già, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, hội chứng sợ không gian hẹp nằm trong nhóm bệnh ám ảnh sợ đặc hiệu. Trong nhóm ám ảnh sợ này, bệnh nhân sợ rất nhiều thứ, trong đó có sợ không gian hẹp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng này. Nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ quá trình người bệnh bị sang chấn về tâm lý, do môi trường tác động dẫn đến việc kích thích sự sợ hãi.

Họ có thể từng bị kẹt trong ô tô hoặc trong thang máy. Như trường hợp của nữ sinh N.N.L 19 tuổi ở Nghệ An. Đã vào học đại học, dù đi xa đi gần L. vẫn chỉ có thể di chuyển bằng xe đạp, xe máy mà không bao giờ dám leo lên ô tô. Không phải là cảm giác say xe đơn thuần, mà chỉ cần bước lên xe ô tô là cô thấy nóng bức, ngột ngạt, mồ hôi túa ra, cơ thể run lên và khó thở. Đầu năm nay, L. từ thành phố Vinh đi xe máy ra Hà Nội để đi tìm căn nguyên cho “bệnh” sợ ô tô thái quá của mình. Khi được bác sĩ hỏi cặn kẽ về những chuyện xảy ra trong quá khứ, L. cho biết cô từng một lần bị mắc kẹt trong ô tô năm 2014. Cô đã hoảng loạn trong xe một lúc lâu mới có người mở cửa xe. Sự sợ hãi tột độ đã khiến L. bị ám ảnh, mắc phải hội chứng sợ không gian hẹp.

Bác sĩ Đỗ Quang Minh chỉ ra những triệu chứng của người sợ không gian hẹp. Triệu chứng này chia làm ba giai đoạn: trước, trong và sau khi tiếp xúc. Trước khi phải đối diện với không gian hẹp trong một tình huống nào đó, bệnh nhân thường có cảm giác lo lắng, nghĩ nhiều đến không gian chật hẹp, chỗ kín, thiếu ánh sáng. Khi đã ở trong không gian đó, họ có cảm giác không có lối thoát, cảm nhân có sự nguy hiểm cận kề, thậm chí có thể đối diện với cái chết và rơi vào tình trạng lo lắng tột độ, tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ sẽ đổ mồ hôi, cảm thấy ớn lạnh, sợ hãi, khô miệng, hoảng loạn, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nóng bừng người, run rẩy, khó thở tức ngực, thậm chí có thể ngất. Sau khi rời không gian đó, họ tìm cách né tránh các tác nhân gây ra nỗi sợ hãi. Ví dụ họ không dám đi ô tô, máy bay, không thể đi học, dự họp trong các phòng kín, không dám đi chợ đông đúc…

Bác sĩ Minh giải thích thêm, cũng là không gian sân vận động, nhưng nếu sân vận động vắng vẻ thì với một số người đó sẽ là không gian rộng, nhưng nếu sân vận động đông người thì lại là không gian hẹp gây ra nỗi sợ hãi cho một số người. Nhưng việc né tránh là rất khó vì không gian hẹp khá phổ biến trong đời sống hàng ngày. Do đó, người mắc hội chứng này có xu hướng bị giới hạn trong việc tìm việc làm, cơ hội học tập và tham gia hoạt động xã hội.

Những người mắc phải hội chứng sợ không gian hẹp không nên cố chịu đựng mà phải kịp thời thăm khám và điều trị (Ảnh minh họa).

Những người mắc phải hội chứng sợ không gian hẹp không nên cố chịu đựng mà phải kịp thời thăm khám và điều trị (Ảnh minh họa).

Tránh những tình huống làm tổn hại tinh thần

Cậu bé N.T.S đang học lớp 7 ở Hà Nội. Ai cũng nhận thấy S. tự tin, nhanh nhẹn, nhưng có một điều lạ là cậu bé đôi khi có biểu hiện hoảng loạn, mất định hướng khi vào nhà vệ sinh quá bé, hoặc đi cầu thang bộ nhỏ hẹp, hoặc phải lách qua một khe hẹp. Bố mẹ của S. ban đầu cho đấy là điều bình thường. Nhưng những biểu hiện sợ hãi của S. lặp lại ngày càng dày thì họ bắt đầu lo lắng. Cho con trai đi khám tâm lý bố mẹ tá hỏa khi biết rằng S. rất sợ khi nghĩ về những ngày còn nhỏ. Mỗi lần S. mắc lỗi thì bị bố quát nạt và phạt bằng cách nhốt vào nhà tắm. Chính những lúc gào khóc, vùng vẫy muốn thoát khỏi nhà tắm nhưng không được đã dần khiến S. sợ bất kì một không gian nào tương tự khi bước vào đó.

Là người trực tiếp điều trị cho bé S, thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách – Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr MP cảnh báo rằng từ trường hợp của S, không ít bố mẹ phải giật mình, bởi việc phạt con, nhốt con trong phòng bếp, nhà kho,… không phải là hiếm.

Hội chứng sợ không gian hẹp còn có nguyên nhân gián tiếp. Đó là sự chuyển tiếp từ những rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Bách thì trong một cơ cấu tâm lý chung có rất nhiều dạng khác nhau của rối loạn ám ảnh cưỡng chế dẫn đến hoang tưởng, tức là cái gì cũng có thể khiến người ta sợ. Chẳng hạn như hội chứng sợ khoảng rộng (ngược lại với hội chứng sợ không gian hẹp) với biểu hiện cảm thấy choáng ngợp, sợ hãi khi ở nhà một mình, khi đến những không gian mở như bãi đậu xe, trung tâm mua sắm, sợ đám đông. Hay bệnh sợ lỗ, sợ tay bẩn, luôn tưởng tượng tay mình có nhiều vi trùng nên phải rửa tay liên tục. Hoặc sợ chạm vào đồ vật bằng thép vì ám ảnh bị điện giật. Có người luôn phải đi dép đế dày vì luôn có cảm giác chân dẫm phải đinh. Rồi có người luôn nghĩ người khác hãm hại mình, hoặc luôn nghĩ họ quên khóa cửa. Trên nền sợ hãi đó, hội chứng sợ không gian hẹp có cơ hội bật lên. Khi đọc báo, nghe đài nhận thấy đây đó có người bị kẹt trong không gian hẹp, bị chết cháy trong phòng hát karaoke thì người ta hoảng sợ và không thoát ra được sự hoảng loạn ấy.

Theo nghiên cứu chuyên sâu thì lứa tuổi đột biến trong tiếp nhận hội chứng ám ảnh không gian hẹp là từ 12-19 tuổi, có trường hợp diễn tiến đến khi 20-22 tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp theo thời gian thì nỗi sợ có thể biến mất vào độ tuổi 45-50. Nhưng trước khi hội chứng này biến mất thì không thể coi thường. Bởi nếu những dấu hiệu của bệnh không được phát hiện và điều trị thì các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ngày càng nặng sẽ dẫn đến mất định hướng tư duy, mất nhận thức. Diễn biến xấu là người sợ không gian hẹp dễ bị trụy mạch, ảnh hưởng hô hấp, khó thở, ảnh hưởng đến nhịp tim, điều tiết ôxi lên não kém và ngất tại chỗ. Nếu hội chứng này không được chữa trị kịp thời mà đợi theo thời gian sẽ dẫn đến rối loạn tâm thần cận phân liệt, mất kiểm soát hành vi, mất kiểm soát tư duy.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách đưa ra khuyến cáo các ông bố bà mẹ trong quá trình nuôi dạy con nên tránh những tình huống làm tổn hại tinh thần trẻ như quát mắng, dùng nhiều hình phạt nặng nề. Nếu thấy con có các dấu hiệu bệnh dai dẳng và không thể khắc phục được thì nên tiến hành thăm khám để chẩn đoán chính xác về tình trạng sức khỏe. Tuyệt đối không nên cố chịu đựng và kéo dài thời gian điều trị bởi sẽ gây cản trở rất lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày và khiến cho quá trình kiểm soát bệnh gặp nhiều khó khăn hơn.

Ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, thời gian gần đây số lượng bệnh nhân mắc hội chứng này đến khám nhiều hơn, ghi nhận khoảng hơn 10 ca/năm. Thực tế nhiều người sợ không gian hẹp nhưng nghĩ rằng đó là một đặc điểm bình thường của bản thân. Họ cố chịu đựng nỗi sợ, không biết đấy là bệnh, không nghĩ đến việc phải đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quang Minh, hội chứng này sau một thời gian có thể tự thuyên giảm, tỉ lệ tự hết chiếm khoảng 30-40 % tổng số ca mắc. Tuy nhiên có khoảng 20% số người mắc hội chứng này sẽ tiến triển nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời. Những bệnh nhân mắc hội chứng sợ không gian hẹp phải trải qua quá trình trị liệu kéo dài với sự kết hợp nhiều liệu pháp điều trị. Tùy vào tình trạng và sự điều tiết của từng bệnh nhân mà bác sĩ có lộ trình điều trị khác nhau. Trong giai đoạn bệnh nhân có biểu hiện nặng thì phải dùng thuốc an thần làm giảm bớt triệu chứng về sợ hãi, lo âu. Tuy nhiên việc dùng thuốc chỉ là áp chế tạm thời. Chủ yếu là các liệu pháp về mặt tâm lý, đặc biệt là liệu pháp về nhận thức và hành vi.

Theo bác sĩ Minh, ở Việt Nam, sức khỏe tâm thần dần được người dân quan tâm hơn. Nhưng hiện tại trong nước chưa có mảng đào tạo riêng về đội ngũ bác sĩ chuyên về trị liệu tâm lý, chủ yếu các bác sĩ phải đi học ở nước ngoài. Người dân có tâm lý uống thuốc cho nhanh, ngại đi điều trị tâm lý do thời gian kéo dài và tốn kém, do đó đây vẫn là mảng trống. Bác sĩ Minh khuyến cáo bệnh nhân mắc phải hội chứng này nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa về tâm thần, đừng để hội chứng này làm giảm chất lượng cuộc sống.

Thái Hưng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/am-anh-khong-gian-hep-i698840/