Ấm áp một vùng biên ải
Rời cầu Phù Đổng, tạm xa Sông Đuống đầu đông dòng trong xanh thẫm, xe chúng tôi chạy phăm phăm lên xứ Lạng.
Dùng bữa trưa nơi nhà hàng Quê Xưa trong câu mời với âm điệu chân thành, giản dị của em tiếp viên người Nùng Phàn Sình Hứa Thị Mỵ ăn vận áo váy truyền thống của dân tộc Nùng hoa văn xanh lục dung dị, kín đáo mà e ấp cùng với món rau bầu khai, đặc sản rẻo cao mà phấn chấn đón nhận chặng đường tiếp, chắc chắn vất vả hơn..
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc trao tặng Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn Trần Thị Lộc món quà kỷ niệm - logo của HNBVN.
Qua Thị trấn Đồng Đăng, chúng tôi vào đường 4A để đi Cao Bằng dài 120km, quanh co gấp khúc. Đây là con đường biên giới đã đi vào lịch sử với Chiến thắng Biên giới của bộ đội cụ Hồ năm 1950, mở toang cánh cửa của ta với các nước trong phe XHCN... Tiến sỹ Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng đoàn công tác vốn là người Quảng Đà tỏ ra hào hứng khi được chạy dọc biên giới phía Bắc. Âm hưởng hào hùng cùng những địa danh: Na Sầm, Nà Cát, Lũng Phầy, đèo Bông Lau đi qua thấy gần gũi, thân thương. Tại điểm Đông Khê (Dòng suối chảy về đông) bên chiếc lò quay vịt giống Bắc Kinh, Bầu Bến với ngót chục con vừa chín tới, vàng ươm, anh Hoàng Thạch sôi nổi giới thiệu với khách lạ xuôi lên về Di tích lịch sử trận đánh đồn Đông Khê của Pháp 69 năm trước. Về quê hương Thạch An của anh hôm nay...
Khách sạn Bằng Giang (Cao Bằng) hôm nay đón 3 đoàn, cùng ăn cơm tối. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Triệu Đình Lê - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Thúy Anh cho biết: Tỉnh đang phối hợp cùng VTV sản xuất bộ phim tài liệu về một sự kiện đã diễn ra tại Cao Bằng năm 1944(!!!) Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản lên tìm hiểu về sự vươn lên của một địa bàn biên giới muôn vàn khó khăn, vẫn cố gắng để dân không đói, trẻ nhỏ có chỗ học, cô giáo yên tâm mà cắm bản, dân có ruộng, có nương mà sản xuất, gắn bó với quê hương. Còn Đoàn cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam của chúng tôi có đích đến là tìm hiểu kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37 ngày 18/3/2004 của Ban Bí thư khóa IX về lĩnh vực báo chí, về việc tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới; cũng như Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam thực hiện ngót một nhiệm kỳ có vào được cuộc sống hay không?
Đoàn công tác HNBVN chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo Tỉnh ủy và HNB tỉnh Cao Bằng.
Về câu chuyện làm phim tài liệu của tỉnh và VTV, ông Đoàn Hồng Trường năm nay 76 tuổi, con trai của cố lão thành cách mạng Đoàn Hồng Kỳ đang sống tại TP. Cao Bằng, một nhân vật quan trọng của phim kể: Ở cái nôi của cách mạng Cao Bằng này có hằng nghìn sự kiện đã được ghi sử sách, tôn vinh. Còn sự kiện này như sau: Tháng 11/1944, một máy bay quân sự của Mỹ thuộc Không đoàn số 4 đóng tại Côn Minh tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rơi tại Thị xã Cao Bằng. Viên trung úy phi công ta tìm thấy là William Show. Biết đó là người của phe Đồng Minh, để tránh quân Nhật truy sát, ông Đoàn Hồng Kỳ cùng du kích đưa phi công Mỹ luồn rừng vào xã Đề Thám, tiếp đến căn cứ Lam Sơn của du kích, đi tiếp 14 ngày thì lên đến Pác Pó gặp Bác Hồ. Một thời gian sau, Bác tiếp tục chỉ thị đưa William Show về lại Côn Minh. Cảm kích Việt Minh, yêu quý Bác Hồ, William Show đã báo cáo chính phủ Mỹ... Mỹ có những hoạt động ủng hộ Việt Minh như năm1947 cho xây dựng sân bay (Di tích sân bay Mỹ hiện còn cạnh di tích Nha Công an thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), cho máy bay chở người, vũ khí, khí tài giúp Việt Minh kháng chiến...
Chẳng riêng các lĩnh vực khác, Cao Bằng là cội nguồn báo chí cách mạng. Năm1941, Bác về tới Cao Bằng lãnh đạo cách mạng. Bác xuất bản tờ Việt Nam Độc lập, rồi sau giao cho Đảng bộ Cao Bằng quản lý. Ý thức được vai trò báo chí trong chỉ đạo, lãnh đạo, trong vận động quần chúng, trong giữ gìn truyền thống báo chí nên báo chí Cao Bằng phát triển khá tốt. Tờ báo Đảng mỗi số phát hành ngót 1 vạn tờ; tờ nguyệt báo tin ảnh vùng cao 5.000 cuốn mỗi kỳ. Sóng phát thanh, truyền hình của Đài PT-TH Cao Bằng đã phát trên các nền tảng kỹ thuật cao, hiện đại, kể cả qua vệ tinh Vinasat. Do địa hình vùng cao, các chương trình của các Đài Quốc gia đến được đồng bào là nhờ tiếp sóng của đài Cao Bằng. Nhịp nhàng, lạc quan, tin tưởng, hơn 200 người lao động báo chí nơi đây ngày đêm lăn lộn trên mọi nẻo đường biên cương, không quản khó khăn phục vụ đồng bào, đồng chí. “Tỉnh ủy,UBND tỉnh Cao Bằng trong trách nhiệm của mình luôn thực hiện đầy đủ, chu đáo các chỉ thị, nghị quyết, chính sách đối với báo chí. Ngược lại báo chí Cao Bằng (Kể cả tổ chức Hội, các cơ quan thường trú) mấy chục năm qua cũng đã đóng góp to lớn cho tỉnh... Tỉnh cũng biết hoạt động sản xuất tin bài nơi vùng cao hẻo lánh này vô cùng gian nan vất vả. Tỉnh thì nghèo, kinh phí cấp cho đài, cho báo quá ngọ ngằn, anh em làm báo thu nhập thấp... Vậy mà luôn là nguồn cung cấp thông tin chính xác và tin cậy..."- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng Triệu Đình Lê khẳng định...
Nếu ai từng có mặt ở Cao Bằng tháng 2/1979, hôm nay trở lại ngoài cảm nhận về sự hàn gắn vết thương lòng, vết thương thể xác vì chiến tranh do giặc gây ra một cách nhanh chóng cũng còn cảm xúc khác đó là chạnh lòng về sự chưa tương xứng trong đầu tư cho nơi cội nguồn cách mạng này.
Đoàn công tác HNBVN thăm và làm việc với HNB tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Sơn Hải
Xuôi Quốc lộ 3 chừng 40 km, chân đèo đầu tiên chúng tôi dừng nghỉ là đèo Tài Hồ Xìn. Chiếc cầu do ta đánh sập, ngăn không cho quân xâm lược tiến thêm và buộc phải chấp nhận thất bại về nước đầu năm 1979... Trời về chiều, bản làng yên ả, cuộc sống nơi chân đèo Tài Hồ Xìn thanh bình hôm nay vẫn nhắc nhớ mỗi người về trách nhiệm bảo vệ đất nước, quê hương. Tôi nhớ câu nói mộc mạc của Phó Chủ tịch Thường trực HNB Cao Bằng Chu Đức Cừu: “Chỉ ai biết yêu chính quê hương mình sinh ra mới lao động hết mình để xây dựng và bảo vệ quê hương mình. Hình ảnh phóng viên, hội viên mũ xe máy, khăn che kín mặt,máy móc lỉnh kỉnh vượt hơn 200 cây số tới vùng xa Bảo Lâm, Bảo Lạc để làm tin với đôi trăm nghìn nhuận bút, để rồi có tin bài chính xác, chủ đạo... Lao động nghề báo vùng cao là thế...”
* *
*
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn Trần Thị Lộc, Chủ tịch HNB Bắc Kạn Hoàng Đức Chí đón đoàn chúng tôi giản dị mà trọng thị. Cũng như Cao Bằng mấy chục năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam chưa có nhiều dịp về thăm và làm việc với lãnh đạo và cơ quan báo chí của tỉnh... Trao đổi, chia sẻ về công việc, các đại diện đều nhất trí cho rằng tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo và ủng hộ hoạt động Hội và báo chí; Việc thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư 15 năm qua là nghiêm túc và hiệu quả...
Tỉnh ủy Cao Bằng và Bắc Kạn đều đồng thuận về việc đầu tư phát triển báo chí, truyền thông trong những năm tới là thực hiện đầy đủ Quy hoạch báo chí, ủng hộ sáng tạo tác phẩm, tăng cường công nghệ và đặt hàng để cơ quan báo chí có đủ nguồn lực và nhân lực làm chủ tin tức, thông tin, bảo vệ lợi ích của Đảng, của đất nước, địa phương.
Rời TP. Bắc Kạn, chúng tôi xuôi Quốc lộ 3, về lại điểm xuất phát là cầu Phù Đổng, Hà Nội... Một vòng đi đường 4 về đường 3 là thế.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/am-ap-mot-vung-bien-ai-post70694.html