Âm hưởng bản hùng ca - Bài 1: Cội nguồn thắng lợi
'Kể từ ngày 7/5/1954, địa danh Điện Biên Phủ đã vượt qua giới hạn địa lý nhỏ hẹp của một địa phương miền núi phía Bắc Việt Nam, để trở thành danh từ chung được giai cấp tiến bộ trên toàn thế giới biết đến' - nhận định của Tổng Bí thư đảng Lao động Mexico (PT) Alberto Anaya Guitíerrez trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Mexico City. 'Bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị lịch sử' - nhà sử học Pháp Alain Ruscio chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Paris.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều đánh giá, cảm nhận của các quan chức, chuyên gia, học giả quốc tế về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris, Moskva, London, Buenos Aires, Mexico City, La Habana, Algiers, Phnom Penh, Viêng Chăn, Bangkok và Tel Aviv. Đó cũng là những gì báo chí, truyền thông nhiều nước đề cập khi nói về ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.
Chùm 2 bài "Âm hưởng bản hùng ca" tổng hợp dư luận quốc tế về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài 1: Cội nguồn thắng lợi
Sau 70 năm, dưới góc nhìn của các quan chức, chuyên gia, học giả quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là một trong những biểu tượng của dân tộc Việt Nam, cho thấy ý chí, bản lĩnh, trí tuệ cùng nguồn sức mạnh của tinh thần đoàn kết quân dân.
Trong các cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN, nhiều quan chức, học giả đã lý giải những yếu tố mà theo họ là “bí quyết” giúp nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 70 năm.
Nhà Việt Nam học kỳ cựu người Nga, Phó Tiến sĩ Văn học Anatoly Sokolov, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga (RAN) khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả của chủ nghĩa anh hùng vĩ đại và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam. Chia sẻ ý kiến trên, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil-Việt Nam, ông Pedro De Oliveira nhấn mạnh “lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ý thức chính trị và tổ chức đã trở thành bức tường thép thực sự của dân tộc Việt Nam chống lại kẻ thù”, giúp một nước nhỏ với vũ khí thô sơ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh đối đầu với một đế quốc thực dân hùng mạnh và được trang bị vũ khí tối tân.
Đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là “chiến công phi thường” của dân tộc Việt Nam, ông Mourad Lamoudi, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương phụ trách quan hệ đối ngoại của đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria (FLN) nhớ lại ông đã ấn tượng như thế nào khi thấy sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên tờ nhật báo Paris Match đăng hình ảnh các binh lính, tù binh Pháp lũ lượt đi dưới sự giám sát của bộ đội Việt Nam. Ông Lamoudi chia sẻ: “Tôi biết rằng đối với Điện Biên Phủ, các chiến lược của quân đội Pháp đều bị đội quân giải phóng của Việt Nam làm cho thất bại và vô hiệu hóa. Quân đội Việt Nam đã làm nên chiến công với những chiếc xe đạp, những phương tiện vận chuyển pháo binh thô sơ. Đó chính là điều kỳ diệu của nhân dân Việt Nam. Họ quyết tâm với ý chí giải phóng dân tộc”.
Giáo sư người Nga Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (LB Nga) lại đề cao bài học "Mưu, Trí, Dũng" góp phần tạo nên sức mạnh của quân đội Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ. Điều đó xuất phát từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi quân đội Việt Nam phải đánh lại một quân đội mạnh hơn, đông hơn, hiện đại hơn. Giáo sư Kolotov liên hệ yếu tố này với lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng” và việc “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tính toán kịch bản trận đánh từ trước”, tìm cách để đánh trận bằng sự mưu trí, trong đó có thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc”.
Đề cập tới bước thay đổi này, nhà báo Mouris Salloum George, Chủ tịch Hội Nhà báo Mexico, trong bài viết "Chiến thắng Điện Biên Phủ: Âm hưởng trường tồn", đã gọi đây là “một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử”, phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, đầy sáng tạo, là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Một trong những "cội nguồn" của chiến thắng Điện Biên Phủ được dư luận quốc tế nói tới nhiều là sức mạnh đồng lòng. Đối với nhà báo Gaston Fiorda, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á của Đài phát thanh Quốc gia Argentina, chìa khóa thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự đoàn kết trên dưới một lòng của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân đội và nhân dân dưới sự lãnh đạo và chỉ huy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Anh, cho rằng những nhân tố làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam trên cơ sở lấy dân làm gốc, như Hồ Chủ tịch đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”; vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; xây dựng được quân đội thực sự vì nhân dân, do nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ và xây dựng đất nước…
Giáo sư Vladimir Kolotov lưu ý tinh thần đoàn kết quân dân, sự đồng lòng được thể hiện rõ nhất qua công tác tổ chức hậu cần phi thường từ khi chiến dịch bắt đầu vào năm 1953. Đằng sau những người lính chiến đấu trên chiến trường là sự hỗ trợ của hàng trăm người hoạt động ở hậu phương. Hàng vạn người dân, cả nam lẫn nữ, tham gia mang vác, chở đồ tiếp tế ra mặt trận, làm đường để đưa pháo vào trận địa. Điều này lý giải vì sao trong điều kiện núi rừng hiểm trở, không có đường đi và yêu cầu bí mật tuyệt đối, tất cả đạn pháo, đạn cao xạ, súng hỏa tiễn vẫn được bộ đội vận chuyển thành công vào trận địa trong đêm tối, chỉ bằng xe đạp thồ và trên chính đôi vai của mình. Cả thực phẩm và người bị thương được tổ chức vận chuyển an toàn... Tất cả những yếu tố đó chính là cội nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng lịch sử ngày 7/5/1954.
Nhắc lại những thời khắc hào hùng của nhân dân Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng Bí thư đảng PT Alberto Anaya Guitíerrez nêu rõ tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị đến ngày nay, bởi chiến thắng này đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam vững bước trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn.