Ấm lòng trẻ vùng cao Thái Nguyên
Những ngày cuối năm, khi cái lạnh ập tới khiến cuộc sống của trẻ em vùng cao Thái Nguyên vốn đã thiếu thốn thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, trẻ em nơi đây ấm lòng hơn khi được nhận phần gạo, tiền hỗ trợ từ Nhà nước.
Đem gạo cho trẻ em vùng khó
Cuối tháng 12, khi giá lạnh bất chợt ùa về cũng là lúc đoàn xe chở gạo của Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Bắc Thái về tới các trường học vùng sâu vùng xa trong tỉnh Thái Nguyên.
Vây quanh những đoàn xe chở gạo, trẻ em vùng khó cảm thấy vui tươi hơn. Em Hoàng Hà Giang, học sinh lớp 12A1, trường THPT Trần Phú, huyện Võ Nhai cho biết: "Đây là năm học thứ 3 em được nhận gạo hỗ trợ. Nhà em cách trường hơn 30km. Nhờ được hỗ trợ gạo và tiền sinh hoạt hàng tháng, gia đình em bớt khó khăn hơn về chi phí cho em đến trường".
Thầy giáo Hầu Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú chia sẻ: "Nhà trường có 308 học sinh được hỗ trợ gạo theo Nghị định 116. Việc hỗ trợ gạo và tiền sinh hoạt hằng tháng của Nhà nước rất thiết thực, tạo thêm động lực để các em học sinh đến trường, yên tâm học tập. Qua đó giúp các thầy, cô giáo vơi bớt nỗi lo về việc duy trì sĩ số của các lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó.
Còn tại trường THCS Tân Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, năm học vừa qua có 23/246 học sinh được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Những em học sinh này là người dân tộc thiểu số ở xóm Thịnh Mỹ, xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Thịnh.
Em Ma Khánh Đăng, trường THCS Tân Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, khi được hỗ trợ em rất vui, phấn khởi".
Ông Ma Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho hay: "UBND xã đã thành lập Hội đồng xét duyệt trong đó có Ban Giám hiệu nhà trường và thành viên Hội đồng xét duyệt của xã rà soát, xem xét từng đối tượng học sinh đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn".
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa, Thái Nguyên cho biết: "Giai đoạn đầu thực hiện Nghị định có những khó khăn nhất định đó là việc xác định đối tượng và các em học sinh trọ học. Sau đó, ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý cũng như các giáo viên và người dân.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, việc thực hiện Nghị định cũng không khó khăn và các đơn vị đã thành nền nếp trong việc chuẩn bị hồ sơ chuẩn bị điều kiện để các em được hưởng các chế độ. Ngay sau kết thúc kỳ học, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng tiến hành tổng hợp, kịp thời tham mưu với chính quyền địa phương để bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cấp kinh phí kịp thời".
Hỗ trợ kịp thời
Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành năm 2016 quy định đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, tại trường phổ thông thuộc các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Theo đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Còn đối với các trường không thể bố trí chỗ ở bán trú trong trường, học sinh phải tự túc chỗ ở thì mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hỗ trợ 15kg gạo, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Nhờ có chính sách hỗ trợ này, mà học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên đã yên tâm học tập, rèn luyện nâng cao tri thức; qua đó giảm được tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đánh giá, để triển khai thực hiện Nghị định 116 được kịp thời, hiệu quả, Sở đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND quy định về khoảng cách và địa bàn để làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, từ đó các em được hưởng chính sách hỗ trợ theo NĐ116. Trong các năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cung ứng gạo được hỗ trợ bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng...
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm học, hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được thụ hưởng, tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Trong năm học 2022-2023, tổng số gạo cấp cho các em học sinh là 411.345kg.
Năm học 2023-2024, trong học kỳ 1, toàn tỉnh có 3.023 học sinh được hỗ trợ. Trong đó bậc tiểu học và THCS có 2.028 em, THPT có 995 em; huyện có số học sinh được hỗ trợ nhiều nhất là Võ Nhai, với 1.936 em, tiếp đến là Đồng Hỷ 669 em, Định Hóa 246 em. Số lượng gạo đã hỗ trợ trong đợt 1 là gần 180 tấn.
Chính sách hỗ trợ học sinh theo NĐ116 thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo ở vùng đặc biệt khó khăn, góp phần không nhỏ trong việc giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các gia đình ở vùng khó khi có con em đi học xa. Từ đó giúp các trường thuận lợi hơn khi huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.
Chính sách này cũng đã trở thành “trợ lực” quan trọng góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong tỉnh...
Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/am-long-tre-vung-cao-thai-nguyen-d3599.html