Phân cấp, phân quyền gỡ điểm nghẽn trong giáo dục Thủ đô

Hà Nội đang phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Trong thời gian qua, việc phân cấp phân quyền đã được đẩy mạnh, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Phát biểu tại phiên họp tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội ngày 9/11 về dự thảo Luật Nhà giáo, nhắc đến vai trò chiến lược của giáo dục đào tạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh muốn giáo dục phát triển đầu tiên thì phải có thầy, có trường, không để tình trạng quy hoạch mà không có trường cho học sinh.

Phát biểu về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng phổ cập giáo dục đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đảm bảo đủ giáo viên cho tất cả học sinh. Khi có thầy – có trò rồi thì phải có trường học, bởi không thể có giáo dục chất lượng nếu thiếu trường lớp, không để tình trạng quy hoạch mà không có trường cho học sinh.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, nên trong nhiều năm phải đối mặt cả hai vấn đề lớn là thiếu trường, thiếu giáo viên. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh và đồng bộ các quy trình phân cấp, phân quyền trong giáo dục và đào tạo, thành phố đã từng bước tháo gỡ được những khó khăn này, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã đẩy mạnh chủ trương phân cấp, phân quyền, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục và xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng.

Trước đây, các quận huyện đề xuất xây dựng trường học bằng tiền của mình, có khi mất 2 - 3 năm mới xong thủ tục. Tuy nhiên, nhờ sự đồng bộ các quy trình phân cấp, ủy quyền, việc đầu tư xây dựng trường phân cấp cho quận huyện nên số trường học mới trong những năm qua được xây dựng rất nhanh.

Được khánh thành từ năm 2023, Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình) quy mô gồm khu lớp học là 3 tòa nhà cao 7 tầng, có phòng chức năng, nhà thể chất, với tổng giá trị đầu tư gần 105 tỷ đồng.

Không chỉ đối với các cấp học trực thuộc huyện quản lý mà ngay từ khi chưa có việc phân cấp đầu tư cơ sở vật chất các trường trung học phổ thông cho cấp huyện, thì UBND huyện Gia Lâm đã chủ động đề xuất UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo để UBND huyện được đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông từ nguồn ngân sách của huyện. Đến nay, 4/4 trường trung học phổ thông ở huyện đều đạt chuẩn quốc gia, 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Với áp lực học sinh tăng nhanh hàng năm, thành phố luôn ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư và phát triển sự nghiệp giáo dục. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hơn 30 nghìn tỷ đồng đã được bố trí để triển khai thực hiện 653 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các trường học. Riêng năm 2024, đã có thêm 39 trường học được xây dựng và đi vào hoạt động. Hiện nay, toàn thành phố có 80% trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết: "Với góc độ là đơn vị thụ hưởng, ngành giáo dục và đào tạo đã cùng các sở, ngành có liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã đề xuất với thành phố dành những quỹ đất để xây dựng trường học. Thành phố đã đầu tư một nguồn lực rất lớn để đầu tư xây dựng lại các trường chuẩn quốc gia và xây dựng các trường mới đạt chuẩn quốc gia".

Từ cuối năm 2023 đầu 2024, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Hà Nội đã ban hành hệ thống đơn giá, định mức của ngành giáo dục thí điểm ở cả ba cấp, tạo điều kiện để các trường tự chủ về biên chế, trả lương cho giáo viên. Cách làm này đang được ngành giáo dục cả nước xem xét để nhân rộng.

Phan Thảo

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phan-cap-phan-quyen-go-diem-nghen-trong-giao-duc-thu-do-279836.htm