Âm nhạc dân tộc thêm những hy vọng

Đông đảo nghệ sĩ, nhà văn hóa, chính khách, nhà nghiên cứu… đã có mặt trong sự kiện trao học bổng và giải thưởng Trần Văn Khê lần đầu tiên vào sáng 23.7 tại TP.HCM. Hơn cả sự vui mừng khi cuối cùng, sau 8 năm, di nguyện của GS-TS. Trần Văn Khê đã được thực hiện.

“Điều hạnh phúc nhất là Quỹ Trần Văn Khê đã nhận được những đề cử rất xứng đáng từ các trung tâm văn hóa lớn của đất nước là Hà Nội, Huế và TP.HCM. Trong danh sách đề cử đó, có những bậc trí thức - nghệ sĩ đã xấp xỉ 90 tuổi, có học sinh mới 11 tuổi đời, có sinh viên khiếm thị, tài năng, có những người thuộc thế hệ cầu nối thực tài, thực tâm trong nghiên cứu, giảng dạy và biểu diễn âm nhạc dân tộc.

Thay mặt Quỹ học bổng Trần Văn Khê chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến các vị được giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê hôm nay. Bởi vì chính tình yêu lớn và tài năng của các vị đã đem đến giá trị, niềm vinh hạnh, niềm tự hào cho giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê, xứng đáng với tâm nguyện của GS. Trần Văn Khê - bậc trí thức tiêu biểu mà nhiều người trong chúng ta hằng kính trọng, ngưỡng mộ”, phó giám đốc quỹ, bà Nguyễn Thế Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM trao giải thưởng Trần Văn Khê cho NSƯT-TS. Cồ Huy Hùng và Nhà nghiên cứu - Nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền (phải). Ảnh: Nguyễn Á

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM trao giải thưởng Trần Văn Khê cho NSƯT-TS. Cồ Huy Hùng và Nhà nghiên cứu - Nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền (phải). Ảnh: Nguyễn Á

Tận hiến cho âm nhạc dân tộc

Sáu cá nhân tài năng có đóng góp nhiều cho âm nhạc dân tộc đã được trao giải thưởng Trần Văn Khê, đáng tiếc, hai cá nhân vì lý do sức khỏe không đến tham dự được. Đó là nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời (sinh năm 1937). Ông có gần 70 năm sống với âm nhạc dân tộc, đã đào tạo được nhiều lứa học trò như NSƯT-TS. Nguyễn Thị Hải Phượng, nghệ sĩ Kim Hiền, nghệ sĩ Vũ Kim Yến, nghệ sĩ Kim Uyên…

Ông nguyên là Trưởng ngành Quốc nhạc, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn; nguyên Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc - Nhạc viện TP.HCM. Năm 1972, ông từng nhận giải thưởng Văn hóa Giáo dục Bội tinh đệ nhị hạng. Năm 1998, ông chính là người đề nghị đổi tên Khoa Nhạc cụ Cổ truyền của Nhạc viện thành Khoa Âm nhạc Dân tộc.

Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời có gần 70 năm sống với âm nhạc dân tộc. Ảnh: Lê Ngọc Hân

Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời có gần 70 năm sống với âm nhạc dân tộc. Ảnh: Lê Ngọc Hân

Ngoài việc đào tạo biểu diễn nhạc khí, khoa còn có thể dạy tất cả kiến thức âm nhạc dân tộc như hệ thống lý thuyết ký xướng âm dân tộc, nhạc sử Việt Nam... Nhà giáo Nguyễn Văn Đời còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc cho dàn nhạc giao hưởng như: tam tấu đàn tranh viết theo hình thức mới, độc tấu đàn tranh 22 dây, hòa tấu đàn tranh, bộ gõ dân tộc…

Ở phía Bắc, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (sinh năm 1943) cũng không tham dự được vì lý do sức khỏe. Ông chính là người phụ trách điền dã xây dựng 5 hồ sơ di sản văn hóa quốc gia trình UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, gồm: ca trù, đờn ca tài tử, hát xoan, bài chòi, hát then.

Hơn 60 năm hoạt động âm nhạc, ông là một trong những nhạc sĩ năng động, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực: biểu diễn, sáng tác, chỉ huy, nghiên cứu, lý luận âm nhạc và cả quản lý. Ông có nhiều nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và âm nhạc dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng như các sáng tác dựa trên chất liệu âm nhạc dân tộc.

Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông: Tìm hiểu cấu trúc âm nhạc trong lớp tuồng Võ Tam Tư; Một phác thảo về âm nhạc dân gian và cổ truyền Quảng Trị; Đặc khảo ca trù Việt Nam… Một số sáng tác, tác phẩm tiêu biểu của ông: Huyền sử chiêng đồng (poème ballet); Nghe kể H’Ri (nhạc múa); Suối đàn T’rưng hát (hòa tấu 20 đàn T’rưng)…

Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan có hơn 60 năm hoạt động âm nhạc. Ảnh: TLNV

Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan có hơn 60 năm hoạt động âm nhạc. Ảnh: TLNV

Chia sẻ tại lễ trao giải thưởng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (sinh năm 1966) cho biết ông rất tự hào pha lẫn sự thanh thản khi nhận giải thưởng Trần Văn Khê: “Tôi may mắn có cơ hội được gặp gỡ làm việc với bác Trần Văn Khê trong lĩnh vực âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên và nhạc ả đào. Trước khi mất, giáo sư đã giao cho tôi rất nhiều tư liệu quý giá về âm nhạc ả đào và căn dặn tôi phải làm những điều quan trọng cho nhạc ả đào, và hôm nay tôi nhận giải thưởng, tôi vô cùng thanh thản vì cuốn sách về nhạc ả đào của tôi cũng vừa hoàn thiện”.

Ông Bùi Trọng Hiền là người truyền dạy âm nhạc dân tộc, từng mở lớp hiệu chỉnh khuôn thước, âm luật nhạc ả đào cho các CLB ca trù tại Hà Nội, Hải Phòng; mở lớp truyền dạy cồng chiêng Tây Nguyên cho các diễn viên; tập huấn chỉnh âm cồng chiêng cho đồng bào thiểu số ở Kon Tum… Ông cũng xuất bản rất nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc cung đình Việt Nam, ca trù, âm nhạc cồng chiêng, hát trống quân, hát văn và tín ngưỡng Tứ phủ, bài chòi, ả đào… Sau khi nhận giải thưởng, tháng 8 này, ông dự kiến trở lại Tây nguyên để mở lớp tập huấn chỉnh âm cồng chiêng cho đồng bào thiểu số rồi về Hà Nội mở lớp tập huấn nhạc ả đào cho các đào kép trẻ.

Nhận định về sự tồn vong của âm nhạc dân tộc trước sự phát triển của rất nhiều loại hình nghệ thuật, âm nhạc, đặc biệt trước làn sóng quốc tế hóa, toàn cầu hóa, ông Hiền nói: “Nỗi lo về sự tồn tại của âm nhạc dân tộc đã diễn ra nửa thế kỷ nay, khi thời đại mới du nhập nhiều loại hình nghệ thuật, và sự sáng tạo cộng sinh sẽ dẫn đến việc mai một các giá trị cổ truyền. Sự mai một và quên lãng là điều hiển nhiên xảy ra như một phần của lịch sử, khi các làn sóng mới lấn lướt, đặc biệt là âm nhạc từ Tây phương.

Bởi vậy, những người muốn bảo tồn âm nhạc dân tộc phải đeo đuổi công việc của mình kéo dài hàng chục năm chứ không phải là việc ngắn hạn, bởi mình để mai một đi, mất đi thì kèm theo đó, nhiều giá trị sẽ mất đi vĩnh viễn. Âm nhạc dân tộc còn thì linh hồn còn. Âm nhạc dân tộc là nền tảng của một hệ giá trị văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đặc biệt là giới trẻ, trước xu hướng âm nhạc không còn biên giới nữa, xã hội càng hội nhập bao nhiêu thì nhu cầu giữ gìn bản sắc, cái tôi của từng cộng đồng dân tộc càng mạnh hơn.

Càng phát triển, càng toàn cầu hóa, mọi người càng cần có ý thức nhìn nhận lại giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc. Minh chứng rõ ràng nhất là khi những người Việt xa xứ, sống ở Tây phương, họ mới thấy rõ giá trị của âm nhạc dân tộc, giá trị của ông bà để lại”.

Nhà nghiên cứu - Nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Á

Nhà nghiên cứu - Nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Á

Cùng các học trò của mình trình diễn tại chương trình, NSƯT - TS. Cồ Huy Hùng (sinh năm 1974), Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam chia sẻ sự lạc quan về đội ngũ kế thừa âm nhạc dân tộc ở các tỉnh phía Bắc: “Trong học viện, Khoa Âm nhạc Dân tộc là một khoa có đông học sinh, sinh viên thuộc hạng nhất nhì, có lẽ chỉ sau Khoa Thanh nhạc. Chúng tôi có 8 chuyên ngành, mỗi ngành 50 - 70 sinh viên. Với âm nhạc dân tộc, đó là con số đáng tự hào. Ở các tỉnh phía Bắc, nơi làm việc, làm nghề cho các em còn nhiều nên mọi người tự tin học, các em có thể đi trình diễn ở các sự kiện, có thể tham gia các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc ở các tỉnh, về các nhà đài. Và chúng tôi còn có dàn nhạc dân tộc Việt Nam nữa. Chừng nào còn có đời sống âm nhạc dân tộc thì còn có các bạn trẻ theo học, nghiên cứu và sống cùng âm nhạc dân tộc”.

TS. Cồ Huy Hùng chính là người biên soạn chương trình đào tạo tài năng hệ trung cấp, hệ đại học cho đàn nguyệt. Với đàn nguyệt, ông đã tham gia lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Ý, Hàn Quốc…

NSƯT-TS. Cồ Huy Hùng biểu diễn đàn nguyệt. Ảnh: Nguyễn Á

NSƯT-TS. Cồ Huy Hùng biểu diễn đàn nguyệt. Ảnh: Nguyễn Á

Tiếp sức những chồi non xanh tươi

Trong số 9 sinh viên nhận học bổng Trần Văn Khê có sự xuất hiện của sinh viên khiếm thị Nguyễn Đức Thiện (sinh năm 2000), chuyên ngành Sáo trúc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Dù khiếm thị, Đức Thiện là người rất năng nổ với các hoạt động biểu diễn của mình. Thiện là thành viên trong ban nhạc dân tộc Nắng Mới, CLB hát xẩm Tâm Việt, thường xuyên diễn ở phố đi bộ Hà Nội, các sự kiện, quán cà phê, trường học. Thiện cũng đầy tâm huyết với các kế hoạch đào tạo cho các em nhỏ.

Sinh viên khiếm thị Nguyễn Đức Thiện gây xúc động khi nhận học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Sinh viên khiếm thị Nguyễn Đức Thiện gây xúc động khi nhận học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Chia sẻ về hành trình hơn 13 năm gắn bó với cây sáo trúc, Thiện kể: “Vì là người khiếm thị nên tôi không được theo học các trường bình thường như các bạn. Mãi đến năm 7 tuổi, tôi may mắn được nhận vào trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội. Mười tuổi, tôi được tiếp xúc với sáo trúc và mê luôn từ đây. Sáo trúc hợp với tôi vì đơn giản, gọn nhẹ, âm thanh phù hợp với nhiều thể loại âm nhạc, từ nhạc dân tộc cổ truyền, ví dụ chèo Huế, cải lương tới các ca khúc nước ngoài.

Sau khi tốt nghiệp THCS, tôi thi vào học viện hệ trung cấp, hiện nay tôi vừa hoàn thành năm 2 hệ đại học. Tôi và các bạn khiếm thị cùng thành lập ban nhạc Nắng Mới với đủ loại nhạc cụ dân tộc, nhóm hát xẩm Tâm Việt. Khi trình diễn ở phố đi bộ, rất nhiều khách nước ngoài thú vị với cây sáo trúc, họ ngạc nhiên vì sao chỉ là một cây trúc bình thường lại có thể phát ra nhiều âm thanh tuyệt vời, họ so sánh với cây flute của Tây phương.

Tôi phát hiện ra họ rất thích các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, không chỉ sáo, mà cả đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị… Học bổng Trần Văn Khê như tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong việc phát triển ban nhạc của mình để được trình diễn nhiều hơn, dạy các em nhỏ ở thế hệ kế cận, tạo điều kiện để các em tham gia trình diễn cùng và đặc biệt là dành thời gian phát triển nhóm hát xẩm Tâm Việt của mình”.

Huỳnh Tuệ Lâm, học sinh nhỏ tuổi nhất (11 tuổi) được nhận học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Huỳnh Tuệ Lâm, học sinh nhỏ tuổi nhất (11 tuổi) được nhận học bổng Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á

Học sinh nhỏ tuổi nhất nhận học bổng Trần Văn Khê là em Huỳnh Tuệ Lâm (sinh năm 2012), hệ trung cấp đàn tranh - Học viện Âm nhạc Huế. Tuy mới 11 tuổi, Tuệ Lâm đã có một lộ trình rõ ràng với con đường đi theo âm nhạc dân tộc của mình. Em chia sẻ: “Hồi 8 tuổi, con theo học đàn tranh tại CLB Dương Tranh của cô giáo, TS. Dương Thị Lan Hương. Cô cũng là Trưởng khoa Âm nhạc Di sản - Truyền thống của Học viện Âm nhạc Huế nên cô nhận xét là con có năng khiếu và khuyến khích con thi vào khoa trung cấp.

Hiện nay con chuẩn bị bước vào năm thứ 2 trung cấp. Hiện con đang theo học chương trình phổ thông và học tại học viện. Ngoài giờ tập với cô giáo, con và các bạn đều luyện tập 30 phút đến 1 tiếng đàn tranh, quay video clip và gửi báo cáo cho cô giáo. Con được nghe cô giáo kể nhiều về GS. Trần Văn Khê, con vô cùng ngưỡng mộ và ước mong theo đuổi con đường như ông.

Con ước mơ một ngày mình được đem đàn tranh ra thế giới. Con đang học tiếng Anh có cô giáo hướng dẫn riêng và mẹ con là giáo viên tiếng Hoa trực tiếp dạy con. Con từng bước thực hiện con đường của mình, hướng đến việc đi du học Trung Quốc trong tương lai, đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới”.

Sáu cá nhân nhận giải thưởng Trần Văn Khê (kèm tiền mặt 30 triệu đồng/giải), gồm: Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời (nguyên Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc, Nhạc viện TP.HCM); Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (nguyên Phó viện trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); Nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền; NSƯT -TS. Nguyễn Thị Hải Phượng (Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc, Nhạc viện TP.HCM); NSƯT- TS. Cồ Huy Hùng (Trưởng khoa Âm nhạc Dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); Thạc sĩ, nhạc sĩ âm nhạc dân tộc Phan Nhứt Dũng.

Bà Nguyễn Thế Thanh (áo dài đen), Phó giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê và ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (bìa phải) trao học bổng Trần Văn Khê cho các sinh viên Nhạc viện TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Á

Bà Nguyễn Thế Thanh (áo dài đen), Phó giám đốc Quỹ học bổng Trần Văn Khê và ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM (bìa phải) trao học bổng Trần Văn Khê cho các sinh viên Nhạc viện TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Á

Học bổng Trần Văn Khê (trị giá 10 triệu đồng/học bổng) được trao cho 9 học sinh, sinh viên, gồm: Nguyễn Hải Minh (đàn tranh), Phạm Bảo Toàn (sáo trúc), Võ Trần Lan Nhi (đàn nguyệt) thuộc Nhạc viện TP.HCM; Trịnh Nhật Minh (đàn bầu), Nguyễn Đức Thiện (sáo trúc), Đỗ Bảo Uyên (đàn tam thập lục) thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Huỳnh Tuệ Lâm (đàn tranh), Võ Thị Hương Giang (đàn tranh), Phan Duy Khánh (đàn nguyệt) thuộc Học viện Âm nhạc Huế.

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/am-nhac-dan-toc-them-nhung-hy-vong-40395.html