Ấm no về bản Mông
BHG - Bằng việc thành lập các tổ vận động và phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong vận động xóa bỏ các hủ tục trong đời sống đồng bào Mông đã giúp các bản làng ở Mèo Vạc đẩy lùi đói nghèo.
Mèo Vạc có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Toàn huyện có 17 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán mang nét độc đáo, đặc sắc, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 75% dân số. Bên cạnh những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, đời sống đồng bào Mông còn không ít hủ tục khiến cho đói, nghèo luôn đeo bám, như: Tảo hôn; hôn nhân cận huyết thống; tổ chức đám tang dài ngày; giết mổ nhiều gia súc; chưa cho người chết vào quan tài… Những tập quán lạc hậu gây ra nhiều hệ lụy: Trẻ em đi học chưa đầy đủ; không đưa người ốm đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh; sinh nhiều con; chuồng trại nuôi gia súc chưa vệ sinh; một số hộ dân theo đạo trái phép; kiến trúc nhà truyền thống và trang phục bị mai một…
Với quan điểm bám sát thực tiễn để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Mèo Vạc thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, xác định rõ các phần việc phải làm và xác định rõ chỉ tiêu hàng năm phải thực hiện. Đặc biệt, xác định chủ thể để tuyên truyền, vận động thực hiện là những đảng viên tiêu biểu và phát huy vai trò của các dòng họ, người có uy tín trên địa bàn.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Vương Ngọc Hà, chia sẻ: Huyện tập trung vào công tác tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ký cam kết gương mẫu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Qua đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân chuyển biến tích cực. Điểm nhấn là các xã, thị trấn thành lập tổ vận động ở các thôn, tổ dân phố; trong đó, Tổ trưởng tổ vận động là Bí thư Chi bộ, các thành viên là cán bộ, công an xã, thầy cô giáo, người có uy tín, trưởng các dòng họ…
Huyện Mèo Vạc có 199 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ vận động, mỗi xã có 2 tổ làm mẫu. Các Tổ vận động tập trung rà soát, nắm tình hình hủ tục, nếp sống chưa văn minh; xác định nhiệm vụ trọng tâm và trực tiếp tuyên truyền, vận động đưa các nội dung xóa bỏ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố. Qua 2 năm triển khai, vận động được 318/507 đám tang tổ chức không quá 48 tiếng, 369/507 đám giết mổ 1 con gia súc, 37/507 đám không giết mổ gia súc; vận động, giải tán thành công 158/163 trường hợp tảo hôn.
Để nâng cao vai trò các Tổ vận động, Mèo Vạc tổ chức cuộc thi dân vận khéo trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; thi xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn; thi tiểu phẩm tuyên truyền… để nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền, phát huy tính sáng tạo cho các Tổ vận động; trao đổi, lấy ý kiến vào dự thảo quy trình cải tiến trong đám tang của dân tộc Mông; vận động cán bộ, đảng viên người Mông nêu gương đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, vận động gia đình, dòng họ xóa bỏ các hủ tục, nhất là trong đám tang.
Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết: Năm 2023, huyện đưa ra chỉ tiêu 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp xã trở lên đi đầu trong vệ sinh môi trường. Đến nay, nhiều gia đình áp dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi, một số hộ chủ động làm tường rào đá, cổng truyền thống của gia đình. Lực lượng công an xã vận động các dòng họ vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa tham gia xóa bỏ hủ tục. Đến nay, có 7 mô hình điểm của huyện; trong đó, 5 mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự, dòng họ an toàn, đoàn kết, văn hóa gắn với xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh”; “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự và không theo học đạo trái pháp luật”; “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự gắn với phát triển và bảo vệ rừng” tại xã Sủng Trà, Tả Lủng, Lũng Chinh, Thượng Phùng, Niêm Tòng; 2 mô hình “Dòng họ Ly thực hiện đưa người chết vào áo quan” thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi; mô hình “Dòng họ Chứ thực hiện đưa người chết vào áo quan” thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà…
Đúc rút kinh nghiệm trong công tác xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh thời gian qua, Mèo Vạc xác định việc triển khai Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra các giải pháp, bố trí lực lượng để tuyên truyền, vận động hiệu quả. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và vai trò của các trưởng dòng họ, người có uy tín. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên trong bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Coi việc xóa bỏ hủ tục là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các chi bộ; nâng cao năng lực cho đội ngũ chi ủy các chi bộ để lãnh đạo nhiệm vụ đạt hiệu quả.
“Huyện luôn xác định chủ thể vận động phù hợp với đối tượng được vận động. Lồng ghép các nguồn lực, nhất là gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp người dân nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những Tổ vận động và cá nhân cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ thực hiện tốt xóa bỏ hủ tục, nhất là trong việc cải tiến đám tang; kỷ luật, phê bình những cán bộ, đảng viên không chấp hành…” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc cho biết thêm.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202305/am-no-ve-ban-mong-8442fbe/