Âm thầm góp sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh
Những ngày tháng 4 lịch sử luôn mang đến nhiều cảm xúc bồi hồi với những Cựu chiến binh, nhất là những người trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Ký ức ngày 30/4 lịch sử mãi vẹn nguyên trong tâm tưởng của những người lính năm xưa.
Gặp cựu chiến binh Lù Quốc Quân, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, trong buổi tọa đàm về lịch sử, tôi ấn tượng với câu chuyện ông kể về cuộc chiến giải phóng miền Nam xưa, về những gian khổ, hy sinh của người lính khi trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4. Trong bộ quân phục chỉnh tề, vị cựu đại tá quân đội luống tuổi vẫn giữ được phong thái uy nghiêm, đĩnh đạc, giọng nói hào sảng, đúng với khí chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Ông Quân kể lại: Năm 1973, tôi đang học tại Trường đào tạo cán bộ đoàn của tỉnh thì có giấy gọi nhập ngũ. Lúc ấy tôi mới 19 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi được biên chế vào Sư đoàn 316, hành quân vào Nghệ An. Tháng 12/1974, đơn vị tiếp tục hành quân vào chiến trường miền Nam. Sau 20 ngày hành quân, đơn vị đến địa điểm đóng quân tại khu vực Đắk Đăm, Tây Nguyên. Tại đây, chúng tôi được giao làm nhiệm vụ trinh sát cho sư đoàn, phối hợp với các trung đoàn đưa các đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường trước các trận đánh. Chúng tôi đã được huấn luyện và nắm chắc nguyên tắc hoạt động bí mật của lính trinh sát, luôn là những người “đi trước, về sau” trong mỗi trận đánh, đi dò la, nghe ngóng mọi tình hình liên quan đến địch, tạo thế chủ động “biết ta, biết địch” cho bộ đội ta trước mỗi trận tấn công.
Sau khi Tây Nguyên được giải phóng, ông Quân cùng đơn vị hành quân về Củ Chi, tiếp tục làm nhiệm vụ trinh sát, thu thập tình hình địch để báo cáo cấp trên, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch tác chiến. Đều làm nhiệm vụ trinh sát, nhưng ở mỗi chiến trường lại phải thay đổi chiến thuật hoạt động.
Ông Quân chia sẻ: Ở Tây Nguyên, giữa những cánh rừng rậm âm u, không nhìn thấy mặt trời, chúng tôi cứ “đêm ngủ, ngày đi”, hoạt động bí mật hết sức để nắm bắt tình hình. Còn ở vùng đất thép Củ Chi bằng phẳng, lính trinh sát lại “ngày ngủ, đêm đi”, tránh tai mắt của địch phát hiện, đảm bảo an toàn bí mật cho hoạt động của bộ đội, âm thầm góp sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nói về cảm xúc của mình khi nghe tin giải phóng miền Nam, ông Quân xúc động kể: Khi nghe tin quân ta chiếm được Dinh Độc Lập, miền Nam giải phóng, nghe thấy tiếng súng nổ ăn mừng của các đơn vị bộ binh, những người lính trinh sát chúng tôi chỉ biết lặng đi, cảm xúc trào dâng, xúc động và vui sướng tột độ, chỉ biết ôm nhau mà rơi nước mắt trong im lặng để giữ bí mật cho đơn vị. Bởi chúng tôi còn phải phối hợp với các đội du kích thu thập tàn quân, tàn binh giao cho chính quyền quân quản và làm công tác dân vận tại các ấp dân cư.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Quân cùng đơn vị hành quân trở về miền Bắc, đóng quân tại Lai Châu, tiếp tục góp sức tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Những năm sau đó, ông nhiều lần di chuyển, thay đổi đơn vị công tác, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Đến cuối năm 1983, ông trở về Sơn La, giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội trinh sát, Bộ CHQS tỉnh và trải qua nhiều năm công tác trên các vị trí, cương vị khác nhau. Năm 2006, ông được nghỉ chế độ trở về địa phương, là một cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt huyết với các phong trào, hoạt động tại khu dân cư, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn luôn còn mãi trong ký ức của cựu chiến binh Lù Quốc Quân và những người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam 49 năm trước. Đó là niềm tự hào khắc cốt ghi tâm, để những người lính tiếp tục cống hiến cho đến tận hôm nay, góp sức xây dựng quê hương sau ngày giải phóng và nhắc nhở thế hệ con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc.