Ẩm thực Lào trên đất xứ Thanh - Mãi mãi một tình yêu
Từng có cơ duyên được sang Lào học tập, hai cô gái Thái vùng biên viễn Quan Sơn: Phạm Nguyệt Tâm (28 tuổi) và Phạm Thị Hồng Nhung (26 tuổi) đã đem lòng yêu mến, say mê văn hóa, ẩm thực nơi đây. Ngày về nước, mang theo sự trân trọng, lòng biết ơn, mong muốn được quảng bá, giới thiệu nét đẹp, đặc trưng văn hóa, ẩm thực của nước bạn Lào với đông đảo người xứ Thanh, hai chị em Tâm và Nhung đã mạnh dạn tìm hiểu, đầu tư mở quán ăn chuyên về ẩm thực Lào, đặt tên theo tên một loài hoa đẹp được xem như 'quốc hoa' của đất nước này, đó là Chăm Pa food.
Phạm Nguyệt Tâm và Phạm Thị Hồng Nhung là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trên miền biên viễn Quan Sơn, giáp với nước bạn Lào. Vì văn hóa Thái (Việt Nam) có nhiều nét tương đồng với văn hóa nước Lào, lại thường xuyên có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với người dân bản địa nên ngay từ khi còn nhỏ, Tâm và Nhung luôn muốn tìm hiểu, khám phá, dành tình cảm đặc biệt đối với đất và người nơi đây.
Có lẽ, chính tình cảm đặc biệt ấy đã trở thành động lực thôi thúc hai cô gái ấp ủ hy vọng một ngày nào đó có cơ hội đặt chân đến đất nước Lào. “Trời không phụ lòng người có tâm”, cuộc sống luôn có những ngã rẽ, duyên cớ bất ngờ gắn kết những con người, những miền đất xa lạ với nhau. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, hai chị em Nhung và Tâm trở thành du học sinh theo học tại Đại học Quốc gia Lào, thời gian học tập trong vòng 5 năm. Phạm Thị Hồng Nhung chân thành tâm sự: Với em, đó là cơ duyên tuyệt vời, niềm may mắn, hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời mà em luôn trân trọng, biết ơn mỗi khi nghĩ về".
Ngày theo đoàn du học sinh của Việt Nam lên đường đến với nước bạn Lào, nhập học tại Đại học Quốc gia Lào, Nhung và Tâm còn quá trẻ. “Làm sao có thể tránh khỏi chút bồi hồi, xúc động, lo lắng xen lẫn trong niềm vui, háo hức” - Nhung chia sẻ. Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện của nhà trường, trong tình cảm của bạn bè, hai cô gái từng bước thích nghi, hòa mình vào môi trường mới. Quãng thời gian hơn 1 năm đầu, các du học sinh tập trung học tiếng Lào, tìm hiểu về văn hóa bản địa. Càng có điều kiện tìm hiểu, tiếp xúc, cả hai càng thêm yêu mến đất và người nơi đây. Với Nhung, cô gái này đặc biệt say mê ẩm thực và văn hóa ẩm thực của nước Lào. Nhung hào hứng kể: “Ngoài các kiến thức học được trên trường, lớp hay qua sách vở, vào các ngày lễ, Tết hay ngày nghỉ, mình thường được các bạn người Lào mời về nhà chơi, được tiếp đón bằng nhiều món ăn truyền thống của Lào. Mình thích lắm, đến đâu cũng xin người ta chỉ cho cách làm món này món kia, ghi chép lại công thức thật tỉ mỉ rồi mày mò làm theo”. Để có thêm trải nghiệm, kiếm thêm thu nhập và quan trọng là có điều kiện thực hành, Nhung đã đi làm thêm tại một số quán ăn, nhà hàng của người Lào. Nhung cho biết: “Nhờ chịu khó, ham học hỏi cộng thêm chút khéo tay hay làm mà mình càng lúc càng”có nghề“hơn”.
Kết thúc 5 năm học tập tại Đại học Quốc gia Lào, Nhung quyết định ở lại đất nước Lào thêm hai năm để tiếp tục tìm hiểu, học hỏi chuyên sâu hơn về ẩm thực, văn hóa ẩm thực của đất nước này. Khi đã đủ tự tin, Nhung trở về Thanh Hóa, cùng chị Tâm hiện thực hóa ý tưởng mở một quán ăn chuyên về ẩm thực Lào giữa lòng TP Thanh Hóa. Nhung trải lòng: “Việc mở quán ăn chuyên về ẩm thực Lào đối với hai chị mình là cả một sự nỗ lực, quyết tâm, có phần táo bạo. Bởi lẽ, hai chị em từ trên núi xuống phố, mọi thứ gần như bắt đầu từ con số 0 - không có nhiều vốn liếng, mối quan hệ, kinh nghiệm... Tuy nhiên, hai chị em vẫn quyết tâm làm, làm bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê, tình yêu với văn hóa, ẩm thực Lào”.
Mặc dù mới hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng quán ăn nhỏ nép mình trên con phố trên đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) chiều chiều vẫn thu hút nhiều thực khách ghé thăm, thưởng thức các món ăn. Phần vì mới mẻ, độc đáo, phần vì các món ăn ngon, đa dạng. Nhưng có một điều quan trọng rằng: “Thanh Hóa là một trong những địa phương có quan hệ mật thiết, gắn bó với tỉnh Hủa Phăn của Lào, có số lượng khá nhiều người đã và đang sinh sống, học tập, kinh doanh buôn bán trên đất nước Lào nên yêu thích ẩm thực Lào và ngược lại”. Ẩm thực Lào và ẩm thực Việt vừa có sự tương đồng vừa có những nét đặc trưng, khác biệt. “Người Lào thường ăn đậm vị, ăn cay hơn người Việt. Họ đặc biệt ưa thích các món trộn, gỏi, nộm. Trong cách thức chế biến ưa dùng các nguyên liệu, gia vị tự nhiên. Trong cách trình bày, trang trí món ăn khá đơn giản nhưng vẫn cho thấy sự chỉn chu” - Nhung cho biết.
Điểm thu hút nhất của quán ăn đó là các nguyên liệu chế biến, nhất là các loại nước sốt (đối với các món nhăm), mắm cá (đối với món gỏi) đều được mua trực tiếp từ Lào, đảm bảo “ngon đúng điệu”. Chị Piklavanh - người Lào, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa bộc bạch: “Từ khi biết tới Chăm Pa food, mình thường xuyên đến thưởng thức các món ăn tại quán. Ở đây, các món ăn được làm chuẩn vị, khiến mình vơi bớt nỗi nhớ nhà”. Thời gian học tập, gắn bó đủ để Piklavanh hiểu hơn vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh: “Thanh Hóa có rất nhiều danh lam thắng cảnh; con người ở đây gần gũi, thân thiện, các món ăn cũng rất ngon, như nem chua - đặc sản xứ Thanh chẳng hạn. Và từ khi biết về những người bạn ở Chăm Pa food và tình cảm họ dành cho văn hóa, ẩm thực Lào, tôi càng cảm thấy yêu quý nơi này hơn”.
“Bước khởi đầu nào cũng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng chúng tôi sẽ luôn kiên trì, nỗ lực cố gắng phát triển với mong muốn Chăm Pa food không đơn thuần chỉ là nơi kinh doanh ẩm thực mà sẽ là điểm gặp gỡ, giao lưu, quảng bá văn hóa ẩm thực Lào - Việt đến đông đảo mọi người” - Đó là những lời tâm sự chân thành của Nhung. Ẩm thực Lào trên đất xứ Thanh - đó là sự hiện diện của tình yêu, niềm đam mê, khát vọng tuổi trẻ, là minh chứng sinh động, thiết thực về sợi dây gắn bó, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung toát lên từ những điều nhỏ bé nhất.