Ấm tình người nơi 'rốn lũ' Thủ đô
Cứ đến mùa mưa bão, người dân ở vùng 'rốn lũ' thuộc 2 huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ (Hà Nội) lại phải đối mặt với cảnh ngập lụt trầm trọng. Tình trạng này diễn ra hầu như hằng năm làm ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống, sinh hoạt của hàng ngàn người dân địa phương.
Khi thuyền cần thiết như… xe máy
Dù không còn mưa nữa nhưng những ngày này, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) vẫn trong tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Chủ tịch xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Nước mới rút chưa được bao nhiêu thì trận mưa rạng sáng ngày 16/9 đã dâng trở lại. Tuy nhiên, trước đó chính quyền xã đã di dời toàn bộ người dân đến vùng an toàn”.
Xã Nam Phương Tiến có 10 thôn, trong đợt lũ lụt này 4 thôn bị ngập. Chỉ trong vòng 2 tháng, địa phương đã phải trải qua 2 trận lụt nặng. Trận thứ nhất là vào hồi tháng 7, khi cơn bão số 2 vừa đi qua buộc người dân cũng phải di dời tìm nơi tạm trú. Trở về cuộc sống bình thường chưa được bao lâu họ lại phải đối mặt với cơn bão số 3 và trận lụt lịch sử. Trong đợt lũ lụt lần này, tính từ ngày 10/9, Nam Phương Tiến đã phải di dời trên 700 hộ dân ra khỏi vùng ngập sâu.
Cũng như Nam Phương Tiến, xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ 2 trận lụt gần đây. Tốt Động nằm ở phía ngoài đê nên tình trạng ngập lụt đã trở thành chuyện rất đỗi bình thường. Vì vậy bà con nơi đây đã có nhiều kinh nghiệm trong việc “sống chung với lũ” nên không để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Tuy nhiên việc nước lên cao đã gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, đa số phải sử dụng bằng thuyền. Thuyền ở đây cần thiết và quen thuộc như xe máy ở nơi khác.
Ở xã Tốt Động thì thôn Đồng Dâu bị ảnh hưởng nặng nhất, khoảng hơn 100 hộ trong tình trạng bị ngập nặng. Sinh sống mấy chục năm ở thôn Đồng Dâu, ông Lê Viết Cầu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần chạy lụt. Năm nào cũng vậy, những trận lụt không lớn thì nhỏ vẫn thường xảy ra ở quê ông. Cũng vì quá quen với cảnh đó nên không chỉ ông mà những người dân nơi đây đã tạo cho mình những kỹ năng cần phải có để “sống chung với lũ”. Đến mùa mưa bão, nhà nào nhà nấy luôn chuẩn bị tinh thần kê kích đồ đạc để nếu chẳng may lũ lụt sẽ không bị thiệt hại nặng nề về tài sản.
Trong câu chuyện với tôi, ông Cầu hài hước bảo: “Hiện giờ ở quê tôi, phương tiện không thể thiếu trong mỗi gia đình chính là thuyền. Lũ lụt thường xuyên giờ gia đình nào cũng sắm thuyền, thuyền rẻ có khi chỉ dưới 1 triệu, thuyền đắt thì hơn 1 triệu. Cứ để sẵn trong nhà để khi lũ lụt thì chủ động được”.
Do chịu tác động trực tiếp của lũ rừng từ thượng nguồn các huyện Lương Sơn, Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình đổ về đã khiến xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) chìm trong biển nước gần chục ngày qua. Chị Nguyễn Thị Hân (thôn Phú Hiền, xã Hợp Thanh) cho biết, nhiều năm qua, chưa có năm nào lũ dâng cao như năm nay. Ảnh hưởng của ngập úng khiến nhiều người dân phải ăn mì gói qua ngày, tiết kiệm từng giọt nước quý giá được lực lượng chức năng hỗ trợ.
Nhưng không chỉ huyện Chương Mỹ, huyện Mỹ Đức từ lâu cũng được coi là “rốn lũ” của Thủ đô. Tính tới thời điểm này, huyện Mỹ Đức đã di dời 1.979 hộ dân thuộc vùng trũng, có nhà bị ngập đến nơi an toàn.
Tại xã Hợp Tiến, nước sông Mỹ Hà và sông Đáy tràn vào khiến 3 thôn bị ngập sâu. Ông Trần Văn Phiu, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: “Nước lên cao làm ngập 800 hộ dân và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Ngập lụt tràn đồng làm hỏng lúa và cây hoa màu, ao cá… gây ra thiệt hại rất lớn. Trong đợt bão số 3 vừa qua, ước tính có hơn 200 ha lúa của 3 thôn và ao cá, cây, hoa màu của địa phương bị hư hỏng, thiệt hại hàng tỷ đồng”.
Tại xã An Phú, toàn bộ các tuyến đường đã bị ngập sâu khiến người dân phải sử dụng xuồng, thuyền nhỏ để di chuyển. Theo thống kê của UBND xã An Phú, có gần 800 hộ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt do nước sông Đáy tràn vào. Đến nay, bà con An Phú vẫn đang phải sống trong cảnh bị cắt điện, thiếu nước sạch. Xã An Phú chỉ là một trong 3 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, do các địa phương này nằm ở khu vực hạ lưu nên nước lũ rút rất chậm.
Tình người trong hoạn nạn
Khoảng 1 giờ sáng 11/9, nước lên nhanh, lãnh đạo xã Tốt Động lập tức rà soát khẩn cấp những trường hợp người cao tuổi, gia đình neo đơn để hỗ trợ đưa họ tới vùng an toàn. Có mặt trong đội cứu hộ đêm 10, rạng sáng 11/9, chị Đặng Thị Phương Hằng, Bí thư đoàn xã Tốt Động kể lại: “Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đến cứu hộ là gia đình bác Hà Huy Tâm. Vợ chồng bác Tâm đã ngoài 70 tuổi, không ở cùng con cái, bác Tâm bị tai biến nặng. Khi đoàn cứu hộ đến, bác Tâm đang nằm trên chiếc giường sắt giống giường của bệnh viện. Sau một hồi bàn bạc, đội cứu hộ đã quyết định vẫn để bác nằm yên và khiêng luôn chiếc giường đó lên thuyền”.
Một trường hợp khác cũng được đội cứu hộ của địa phương đến hỗ trợ kịp thời là vợ chồng ông Tân. Khi nước lên lưng nhà, các con của ông bà rất hoang mang nên đã gọi điện cầu cứu sự hỗ trợ. Đoạn đường vào nhà ông Tân chưa đầy một cây số nhưng đội cứu hộ đã phải đi hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Và cũng mất hơn 1 giờ mới đưa được vợ chồng ông Tân đến vùng an toàn. “Lúc đó ở địa phương không có sẵn cano mà chỉ có một chiếc thuyền nhỏ. Thuyền không thể chèo được vì nước chảy xiết nên bốn, năm anh em trong đội cứu hộ phải bơi để đẩy thuyền. Đến khi đón được 2 bác thì cũng phải chia ra mỗi bác một thuyền vì sợ thuyền nặng sẽ chìm và anh em trong đội cứu hộ cũng phải chia nhau ra để đẩy thuyền”, chị Hằng kể lại.
Ngập lụt nặng khiến nhiều người dân thiếu lương thực, phải trông chờ vào sự viện trợ của các đoàn từ thiện. Khó khăn và thiếu thốn là thế nhưng những người dân ở vùng “rốn lũ” thôn Đồng Dâu và thôn Đừn (xã Tốt Động) luôn cảm thấy ấm áp vì sự sẻ chia của những nhà hảo tâm.
Nhiều ngày qua, nơi đây xuất hiện một khu bếp luôn nhộn nhịp tiếng cười nói của các chị, các mẹ. Đây là một bếp ăn thiện nguyện phục vụ hàng nghìn suất ăn cho bà con trong vùng ngập lũ. Bếp ăn là sáng kiến của Nguyễn Thị Dương cùng chị gái Nguyễn Thị Thoa. Chị Dương cho biết, thấy nhiều gia đình hàng xóm trong làng bị ngập sâu, không có điện, có nước để nấu ăn nên chị và chị gái mình đã rủ nhau nấu những suất cơm miễn phí. Việc làm này của hai chị đã được mọi người biết đến và lan tỏa rất nhanh. Một trong số những người đã chung tay giúp sức hai chị nhiệt tình là chị Bùi Thị Dung cùng xóm. Chị Dung chia sẻ: “Tính tới thời điểm này, bếp ăn thiện nguyện của địa phương đã cung cấp được 6.000 suất ăn miễn phí cho bà con bị ngập lụt”.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng thôn Phú La, xã Hợp Tiến (Mỹ Đức) bảo rằng, có hoạn nạn mới thấy tình làng xóm, tình đồng bào ấm áp và thiêng liêng đến mức nào.
Những ngày ngập lụt quê ông là những ngày mà người bị ngập ít ra sức hỗ trợ người ngập nhiều. Như gia đình anh Nguyễn Văn Phiếu ở thôn Phú La, vì nhà ở vị trí cao nên chỉ bị ngập nhẹ. Nhìn cảnh đa số bà con trong thôn bị ngập nặng anh Phiếu đã dùng máy phát điện của gia đình bơm nước sạch cung cấp cho bà con. Nước sạch được vợ con anh Phiếu cẩn thận đóng vào từng chai, thậm chí là buộc vào những chiếc túi nilon sạch để mang đến cho những người trong làng. Không chỉ thế mà vợ con anh còn nấu những bữa cơm tình nghĩa mang tới cho một số nhà. Bản thân anh Phiếu, hễ thấy nhà nào đã se nước là anh lại mang máy phát điện đến tận nơi hút nước sạch cho họ dùng.
Cũng giống như gia đình anh Phiếu, nhiều ngày qua các cô giáo của Trường mầm non xã Hợp Tiến B đã làm việc hết công suất để đưa từng chai nước, từng suất cơm tới những gia đình bị ngập nặng.
Trưởng thôn Phú La xúc động nói với chúng tôi: “Bão lũ rồi sẽ qua đi nhưng tình người thì còn mãi”.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/am-tinh-nguoi-noi-ron-lu-thu-do-i745192/