Amakong thật, Amakong giả!
Thuốc Amakong được đồn đại có tác dụng bổ thận tráng dương nên ai đến với Tây Nguyên cũng muốn mua vài thang về… chiều lòng vợ. Chính bởi lượng người mua quá lớn khiến bài thuốc gia truyền này được làm giả nhan nhản ngay giữa trung tâm TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và cả vùng Buôn Đôn - quê hương vua voi Ama Kông.
Không chỉ bị làm giả, ngày vua voi Ama Kông còn sống, gia đình ông cũng từng lao đao vì bị cướp trắng thương hiệu Amakong vào tay kẻ xấu.
Nguồn gốc thuốc quý
Không sai khi nói Buôn Đôn là vùng đất của các vị vua Tây Nguyên. Vị vua đầu tiên sử sách còn ca ngợi là ông Y Thu Knul - người có công rất lớn khai phá đất Buôn Đôn. Bản thân ông Y Thu Knul trong đời mình đã thuần bắt được hơn 400 con voi rừng trong đó tặng một con voi trắng cho Vua Thái Lan.
Vua Thái Lan sau đó sắc phong danh hiệu KhunJuNop (Vua Săn voi) để ca ngợi lòng dũng cảm và tinh thần trượng nghĩa cho ông Y Thu. Y Prung Êban (SN 1910) - tên thường gọi Ama Kông, chính là người thừa kế xuất sắc khi Vua Săn voi Y Thu Knul qua đời. Rực rỡ không kém vua cha, người đời phong Ama Kông danh hiệu “vua Voi” với thành tích săn bắt được 298 con voi rừng.
Có dịp về khu du lịch Buôn Trí (Buôn Đôn) du khách có cơ hội dừng chân tại ngôi nhà sàn bằng gỗ trên 100 tuổi, nơi vua voi Ama Kông sống lúc tuổi già (Ama Kông thọ 103 tuổi). Ngôi nhà cổ kính náp mình bên dòng Sêrêpôk là đại diện cho kiến trúc độc đáo kết hợp giữa văn hóa truyền thống dân tộc Lào và người M'nông bản địa.
Ama Kông thời trẻ trai thường ngang dọc khắp các cánh rừng Đông Dương nên đi nhiều, biết nhiều và cũng… yêu nhiều. Nổi tiếng phong lưu đa tình vì vậy việc ông lấy 4 bà vợ sinh được 21 người con cũng là điều dễ hiểu.
Giờ thì những người vợ của Ama Kông đều đã qua đời, chỉ còn bà Hai tên là H’Hốt Knul. Ở tuổi 87 tuổi nhưng bà H’Hốt Knul còn minh mẫn, tóc bạc trắng sóng sánh, đặc biệt nhớ vanh vách quãng thời gian về làm vợ và đến khi “tách tình” với vua voi Ama Kông.
Bà kể, sau giải phóng, nhà nước ban hành sắc lệnh cấm săn bắt voi rừng. Lúc này cũng là giai đoạn cuộc sống gia đình bà đâm ra khốn khó. Để nuôi đàn con dại, hằng ngày bà H’Hốt Knul và bà cả theo Ama Kông vào rừng tìm củ mì, củ sắn cải thiện bữa cơm. May nhờ quãng thời gian săn voi, Ama Kông có học được nhiều bài thuốc quý nên thỉnh thoảng hành nghề làm thuốc trong làng nhằm cải thiện cuộc sống.
Nghĩa vợ chồng thuở bần hàn thì rau cháo có nhau. Đến khi trong nhà có của ăn của để lại đâm ra lục đục bất hòa. Số là, nhiều người dưới xuôi nhận thấy giá trị bài thuốc gia truyền nên các đơn hàng đặt thuốc Ama Kông cứ đến nườm nượp.
Có số tiền lớn nhanh chóng cộng với bản tính đa tình khó đổi, Ama Kông sắm sửa lễ vật trâu, lợn để rước bà vợ thứ ba về nhà. Đỉnh điểm cơn ghen của bà H’Hốt Knul là vào năm tuổi 83, vua voi bất ngờ trúng tiếng sét ái tình rồi thình lình rước cô gái 25 tuổi về nhà chung sống vợ chồng.
Một đêm thanh vắng, mấy đứa con bỗng nghe tiếng cãi nhau inh tỏi trong phòng rồi thấy bà H’Hốt Knul khăn gói rời bỏ căn nhà cổ. Và bà Hai đi thật! Bà bảo mấy đứa con xây căn nhà sàn cách nơi ở cũ đúng một con đường để “tách tình”.
Nhà xây xong, hằng ngày ra vào vợ chồng hay đụng mặt nhau nhưng Ama Kông thường yếu thế sau cái nguýt sắc như dao cạo của vợ cũ.
Bà H’Hốt Knul giận Ama Kông thật đó nhưng mà còn thương ông. Bà bảo thương cái nghĩa vợ chồng lúc còn cơ hàn có nhau. Sau này khi bà Cả, bà Ba và bà Tư lần lượt qua đời sớm, mấy đứa con riêng của các bà vợ đều một tay bà H’Hốt Knul lo toan chuyện dựng vợ gã chồng.
Khóc cười chuyện đòi lại thương hiệu Amakong
Từ độ Ama Kông rước bà Tư về làm vợ ở tuổi 83, dân làng ở Buôn Trí càng đinh ninh, nhờ sử dụng bài thuốc gia truyền có tác dụng bổ thận tráng dương nên Ama Kông mới cả ngày “chiều chuộng” hết lòng cô vợ trẻ. Chuyện cũng bắt đầu từ đó, lắm kẻ xấu toan tính cướp thương hiệu thuốc quý từ tay cha con Amakong…
Đáng buồn một trong những người âm mưu đánh cắp thương hiệu thuốc Ama Kông lại có địa vị xã hội lúc bấy giờ. Bác sĩ Nguyễn Đức Phồi - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Đắk Lắk, người đồng hành cùng cha con cụ Ama Kông đòi lại lẽ công bằng, ở tuổi 86 nhưng ông vẫn nhớ rõ hành vi sai trái của người đồng nghiệp trước kia.
Ông Phồi kể, vào năm 2004, Hội Đông y Đắk Lắk do ông đứng đầu nhận thấy giá trị của thuốc Ama Kông nên xin UBND tỉnh Đắk Lắk có chính sách bảo tồn bài thuốc quý. Ông Y Luyện lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk hoàn toàn ủng hộ tâm nguyện của gia đình Ama Kông và Hội Đông y tỉnh nhà.
Tỉnh Đắk Lắk cấp kinh phí gần 300 triệu đồng giao các sở ban hành cùng Hội Đông y và gia đình cụ Ama Kông ký kết cùng trường Đại học Y Huế thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học bài thuốc gia truyền quý hiếm nói trên với tên đề tài “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa Đắk Lắk”.
“Khi mời trường ĐH Y dược Huế về nghiên cứu, lúc bấy giờ tôi giao cho ông Hồ Việt Sang - nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y, đi lấy thuốc phục vụ cho việc nghiên cứu của các chuyên gia. Lợi dụng lòng tin của cụ Ama Kông, ông Hồ Việt Sang tự ý viết giấy ủy quyền có nội dung đại ý “Bài thuốc Amakong chỉ giao cho bác sĩ Hồ Việt Sang là người thừa kế duy nhất”. Ý đồ của ông Sang càng lộ rõ khi ông này về nhà công khai mở cửa hàng bảng bán thuốc Amakong dù không có mối liên hệ đến cụ Ama Kông” - bác sĩ Phồi kể lại.
Chuyện xấu của ông Hồ Việt Sang khó thành khi cha con cụ Ama Kông, bác sĩ Nguyễn Đức Phồi và dư luận sau đó gây sức ép. Cuối cùng ông Hồ Việt Sang cúi đầu nhận sai. Ngày 2.9.2005, ông Sang viết tay một bản thỏa thuận “hủy bỏ giấy viết tay từng lừa cha con cụ Ama kong điểm chỉ vì có từ… “thừa kế” dễ gây hiểu lầm!”
Tiếp sau đó 1 năm, Hội Đông y cùng gia đình cụ Ama Kông đã yêu cầu bác sĩ Hồ Việt Sang viết tiếp một tờ giấy cam kết không được sử dụng giấy tờ, thương hiệu thuốc Amakong.
Bản thân bác sĩ Nguyễn Đức Phồi là thế hệ cán bộ lão thành đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk. Trọn đời ông Phồi sống và cống hiến cho sự nghiệp y học tỉnh nhà. Việc bác sĩ Phồi công khai tên tuổi ông Hồ Việt Sang là chuyện chẳng đành nhưng phải làm “để nói lên sự thật và còn cảnh tỉnh những người khác có ý định xấu sau này”.
Sự thật càng được xác tín khi chúng tôi có trong tay các bản viết tay do ông Hồ Việt Sang ký tên thừa nhận lấy cắp thương hiệu thuốc Amakong và cả giấy cam kết không sử dụng bài thuốc gia truyền của gia đình cụ Ama Kông.
Cũng nói thêm rằng, trước khi ông Hồ Việt Sang ký giấy cam kết không sử dụng thương hiệu thuốc Amakong, ông này đã nhanh tay đăng ký tên miền Amakong.vn công khai bày bán các sản phẩm giả mạo thuốc Amakong.
Trước những thủ đoạn ăn cắp thương hiệu trắng trợn của ông Hồ Việt Sang, tháng 7.2008, cụ Ama Kông ủy quyền cho người con thứ 11 là ông Khăm Phết Lào kiện ông Sang ra TAND TP.Buôn Ma Thuột.
“Trong mấy ngày phiên tòa xét xử, ông Hồ Việt Sang cam kết gỡ bỏ hình ảnh cụ Ama Kông ra khỏi trang web Amakong.vn và sử dụng thương hiệu thuốc Amakong nữa…” - bác sĩ Nguyễn Đức Phồi kể lại.
Việc nhanh tay đăng ký web Amakong.vn, công khai ăn cắp thương hiệu thuốc Amakong của ông Hồ Việt Sang đã diễn ra từ hơn chục năm nay. Nó ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của vua voi Ama Kông.
Thế nhưng sau chừng ấy năm, trang web Amakong.vn vẫn công khai hoạt động. Vào trang web này, người tiêu dùng dễ dàng rời vào ma trận các với các sản phẩm giả mạo tên tuổi Amakong như rượu thuốc, thang thuốc.
Trong một lần trò chuyện, tôi được ông Khăm Phết Lào - người con thứ 11 của vua voi Ama Kông, khẳng định việc ông Hồ Việt Sang bán thuốc giả mạo cha ông là điều khiến gia đình ông bức xúc.
Bản thân ông Sang không biết đầy đủ những công thức bí mật bài chế bài thuốc gia truyền của vua voi Ama Kông. Ông Khăm Phết khẳng định, thuốc Amakong có 5 vị nhưng nếu không được Ama Kông truyền lại, người khác không thể bài chế thành công.
“Các vị thuốc quý cần được khai thác theo từng mùa, từng thời gian để phát huy hết giá trị của nó. Chỉ cần bất cẩn thu hái quá sớm hoặc cẩu thả trong quá trình báo chế, thuốc sẽ vô giá trị” - ông Khăm Phết Lào chia sẻ.
Trước tình trạng thuốc Amakong bị làm giả nhan nhản khắp nơi, ông Khăm Phết Lào quyết không mở đại lý, nhà phân phối thuốc mà chỉ bày bán thuốc tại nhà. Thuốc quý trong khi nhu cầu quá lớn nên nhiều đối tượng đã sử dụng các loại cây thuốc không rõ nguồn gốc để làm giả thương hiệu thuốc Amakong.
Ngay giữa trung tâm TP.Buôn Ma Thuột và ở Buôn Đôn trong 4 tháng đầu năm nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ hơn 5 tấn thuốc, dược liệu nghi làm Amakong giả mạo.
https://dulich.laodong.vn/cau-chuyen-du-lich/amakong-that-amakong-gia-781999.html
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1624/202002/amakong-that-amakong-gia-5667848/