Amati - Giấc mơ xe sang của Mazda và cú sảy chân trước ngưỡng cửa thành công

Ít ai biết rằng Mazda cũng từng có tham vọng bước chân vào phân khúc xe sang với một thương hiệu riêng mang tên Amati.

Khi nhắc đến những thương hiệu xe sang của Nhật Bản, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến Lexus của Toyota hay Infiniti của Nissan. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Mazda cũng từng có tham vọng bước chân vào phân khúc xe hạng sang với một thương hiệu riêng mang tên Amati.

Dù được kỳ vọng trở thành đối thủ của Lexus và Mercedes-Benz, nhưng Amati đã không bao giờ có cơ hội xuất hiện trên thị trường. Câu chuyện về sự ra đời và sụp đổ của Amati là một phần thú vị trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô.

Giấc mơ xe sang của Mazda

Giấc mơ xe sang của Mazda

Amati - Giấc mơ xe sang của Mazda

Vào những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ mạnh mẽ nhờ các chính sách tài chính như Hiệp định Plaza năm 1985 và Hiệp định Louvre năm 1987. Nhờ đó, các hãng xe Nhật có nguồn vốn dồi dào để đầu tư vào những dự án tham vọng.

Mazda, khi đó là nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư của Nhật, đã quyết định mở rộng thương hiệu bằng cách tạo ra bốn nhánh con gồm ɛ̃fini, Eunos, Autozam và Amati, trong đó Amati được định vị là dòng xe hạng sang nhắm vào thị trường Bắc Mỹ.

Amati được thành lập vào năm 1988 với tên mã là "Dự án Pegasus"

Amati được thành lập vào năm 1988 với tên mã là "Dự án Pegasus"

Dự án Pegasus và tham vọng thách thức BMW, Lexus

Thương hiệu Amati ra đời từ "Dự án Pegasus" vào năm 1988, do Dick Colliver, một giám đốc điều hành Mazda tại Mỹ, dẫn dắt. Kế hoạch của Mazda rất rõ ràng: tạo ra những mẫu xe hạng sang để cạnh tranh trực tiếp với BMW và Lexus. Hãng dự kiến tung ra 3 dòng xe:

- Amati 300: Một mẫu sedan cỡ nhỏ dựa trên Eunos 500.

- Amati 500: Sedan cỡ trung dựa trên Eunos 800, trang bị công nghệ tiên tiến như động cơ chu trình Miller và hệ thống lái bốn bánh.

- Amati 1000: Mẫu sedan cỡ lớn, đối thủ của Lexus LS và BMW 7-Series, dự kiến trang bị động cơ V12 mạnh mẽ.

Trong đó, Amati 1000 được xem là niềm hy vọng lớn nhất của Mazda. Hãng đã phát triển một động cơ V12 đặc biệt bằng cách kết hợp hai động cơ V6 của mình. Theo cựu giám đốc thiết kế Mazda, Peter Birtwhistle, Amati 1000 ban đầu có thiết kế rất táo bạo, lấy cảm hứng từ Porsche 928, nhưng sau đó bị "làm mềm" để phù hợp hơn với thị trường xe sang bảo thủ.

Mazda đã đầu tư đáng kể vào Amati, từ việc nghiên cứu động cơ, khung gầm cho đến trải nghiệm khách hàng. Các mẫu xe Amati dự kiến sẽ có nội thất cao cấp với chất liệu da thật, gỗ ốp sang trọng và công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ, bao gồm hệ thống âm thanh cao cấp, kiểm soát khí hậu tự động và hệ thống treo khí nén.

Sự sụp đổ của Amati trước khi kịp cất cánh

Mọi thứ đang diễn ra thuận lợi thì nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái trầm trọng, đánh dấu sự khởi đầu của "Thập kỷ mất mát". Sự lao dốc của nền kinh tế khiến Mazda không còn đủ tài chính để duy trì Amati. Ngày 26/10/1992, Mazda chính thức tuyên bố khai tử thương hiệu Amati trước khi bất kỳ mẫu xe nào kịp ra mắt.

Hậu quả của quyết định này không nhỏ. Mazda đã đầu tư hàng chục triệu đô la vào chiến dịch quảng bá cho Amati, ký hợp đồng với 67 đại lý tại Mỹ và thậm chí đã chuẩn bị sẵn dây chuyền sản xuất động cơ V12. Tuy nhiên, tất cả đều bị hủy bỏ. Cùng lúc đó, Ford - khi đó sở hữu 24% cổ phần của Mazda - đã tận dụng cơ hội để gia tăng ảnh hưởng, cuối cùng nâng tỷ lệ sở hữu lên 33,4% vào năm 1995.

Động cơ V12 của Mazda

Động cơ V12 của Mazda

Một trong những yếu tố khác dẫn đến sự thất bại của Amati là chiến lược mở rộng thương hiệu quá tham vọng của Mazda. Khi đó, Mazda không chỉ phát triển Amati mà còn duy trì nhiều thương hiệu con như Autozam (xe kei), ɛ̃fini (xe thể thao) và Eunos (xe sang và xe thể thao). Việc phân tán nguồn lực quá mức đã khiến Mazda gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng và chiến lược tiếp thị đồng bộ.

Mazda vẫn chưa từ bỏ giấc mơ xe sang

Dù Amati đã thất bại, Mazda vẫn tiếp tục tìm cách tiếp cận phân khúc xe sang theo một hướng khác. Thay vì tạo ra một thương hiệu con mới, Mazda đã dần nâng cấp các mẫu xe của mình theo hướng cao cấp hơn. Những dòng SUV mới như CX-50, CX-70 và đặc biệt là CX-90 đã thể hiện rõ triết lý này. Mazda cũng đang phát triển các mẫu xe điện cao cấp, đáng chú ý là mẫu sedan chạy điện EZ-6, dự kiến sẽ có phạm vi hoạt động lên đến 370 dặm (WLTP).

Mazda cũng tập trung vào công nghệ động cơ, với việc phát triển hệ truyền động hybrid và điện khí hóa toàn bộ dải sản phẩm. Điều này giúp Mazda có thể cạnh tranh với các thương hiệu xe sang mà không cần tách riêng một nhãn hiệu mới. Ví dụ, động cơ SkyActiv-X của Mazda, kết hợp hiệu suất của động cơ xăng và sự tiết kiệm nhiên liệu của động cơ diesel, là một bước tiến lớn giúp Mazda củng cố vị thế trong phân khúc cao cấp.

Các thương hiệu khác mà Mazda phát triển cũng gặp khó khăn

Các thương hiệu khác mà Mazda phát triển cũng gặp khó khăn

Doanh số của Mazda cũng cho thấy chiến lược mới này đang phát huy tác dụng. Năm 2023, Mazda ghi nhận mức tăng trưởng 12% trong tổng doanh số - mức tăng lớn nhất trong nhiều năm qua. Điều này cho thấy, dù không còn theo đuổi tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Lexus hay Mercedes-Benz, Mazda vẫn tìm ra con đường riêng để nâng cao vị thế trong ngành ô tô.

Những di sản của Amati trong các mẫu xe Mazda ngày nay

Mặc dù Amati chưa bao giờ trở thành hiện thực, nhưng nhiều công nghệ và ý tưởng từ dự án này vẫn ảnh hưởng đến các mẫu xe Mazda sau này. Hệ thống lái bốn bánh, động cơ chu trình Miller và thiết kế nội thất cao cấp của Amati đã được sử dụng trong các mẫu Mazda Millenia (Eunos 800 tại Nhật) và Mazda 929. Đây là những mẫu xe mang chất lượng và thiết kế cao cấp nhất của Mazda trong những năm 1990 và 2000.

Giấc mơ xe sang của Mazda vẫn còn tiếp tục ngày nay

Giấc mơ xe sang của Mazda vẫn còn tiếp tục ngày nay

Ngay cả ngày nay, Mazda vẫn duy trì triết lý phát triển xe với cảm giác lái tinh tế, thiết kế đẹp mắt và nội thất cao cấp - những yếu tố từng là cốt lõi của Amati. Điều này chứng tỏ rằng, dù Amati đã bị khai tử, tinh thần của nó vẫn tồn tại trong ADN của Mazda.

Nếu Amati ra mắt vào đầu thập niên 90, có lẽ ngày nay chúng ta đã biết đến Mazda như một đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe sang. Nhưng lịch sử không có chữ "nếu", những biến cố kinh tế đã khiến giấc mơ Amati bị dập tắt. Dù vậy, Mazda vẫn không từ bỏ tham vọng nâng tầm thương hiệu, và có thể trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến một Mazda đẳng cấp hơn bao giờ hết.

Nguyễn Kim Nhâm

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/amati-giac-mo-xe-sang-cua-mazda-va-cu-say-chan-truoc-nguong-cua-thanh-cong-16726.htm