AMC: Nét mới trong đào tạo nguồn nhân lực xây dựng

Năm 2022 cùng với nỗ lực chung của toàn ngành Xây dựng, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) đã quyết tâm từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, sáng tạo, đặt ra nhiều giải pháp có tính khả thi cao để tập trung thực hiện nhiệm vụ và đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Bộ Xây dựng giao.

Lễ triển khai dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng và tập huấn

Trong suốt hơn 45 năm xây dựng và phát triển, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã đào tạo bồi dưỡng cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến địa phương. Trung bình mỗi năm trên 250 lớp với hơn 20.000 lượt học viên.

Năm nay, với kinh nghiệm vượt qua đại dịch Covid-19 từ năm 2021, Đảng ủy, lãnh đạo Học viện cùng toàn thể giảng viên, viên chức đã đồng lòng nỗ lực ngay từ đầu năm, triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng trong tình hình mới.

Kết quả năm 2022, Học viện đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 264 lớp với 19.500 học viên, vượt 140% so với kế hoạch đăng ký với Bộ. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả Đảng ủy, lãnh đạo, giảng viên và đội ngũ viên chức đã không quản ngại, làm việc cả vào ngày nghỉ và tổ chức các lớp ngoài giờ hành chính đến 21, 22 giờ đêm.

Công tác đào tạo bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng năm nay được chú trọng như bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thẩm kế viên; bồi dưỡng về đô thị thông minh cho cán bộ ngành Xây dựng; bồi dưỡng kiến thức kỹ năng chuyển đổi số; bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế…

Đối với công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý đô thị địa phương, Học viện đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ Hà Nội để xây dựng chương trình mới theo yêu cầu phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP Hà Nội. Đặc biệt, đã tổ chức được 4 lớp cho cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và được UBND TP Hà Nội đánh giá cao.

Tăng cường nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình mới

Năm 2022, Học viện đã xây dựng nhiều chương trình mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương, DN. Tổ chức hoạt động đào tạo bồi dưỡng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Gắn kết các chương trình nâng cao năng lực với công tác tư vấn đổi mới quản lý nhà nước, tư vấn xây dựng và phát triển đô thị cho địa phương, DN. Nâng cao chất lượng và năng lực đội ngũ giảng viên cơ hữu, tăng cường số lượng và chất lượng giảng viên kiêm nhiệm và thỉnh giảng. Tích cực mời các chuyên gia giỏi, uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh với việc ký mới 8 nhiệm vụ và thực hiện chuyển tiếp 10 nhiệm vụ từ năm 2021 sang năm 2022. Năm 2022, Học viện thực hiện 6 đề tài cơ sở, đặc biệt một số đề tài có tính ứng dụng cao, mở được lớp ngay sau khi hoàn thành. Công tác biên soạn tài liệu được tăng cường.

Năm qua, Học viện tiến hành rà soát các chương trình, nội dung giảng dạy đáp ứng sát yêu cầu thực tế, phù hợp với chính sách và tiêu chuẩn cán bộ, phù hợp với từng đối tác, học viên. Phương pháp đào tạo tích cực được triển khai rộng rãi, đi sâu vận dụng kỹ năng, xử lý tình huống, phát huy tính sáng tạo, chủ động của học viên.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế

Đối với công tác đào tạo hợp tác quốc tế, năm 2022, Học viện được Bộ Xây dựng giao làm chủ 2 dự án là dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị ở Việt Nam” phối hợp với UN-HABITAT do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ tài trợ; dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Hai dự án đã được Học viện phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, triển khai quyết liệt và đã tổ chức thành công 2 Lễ triển khai dự án, hiện Học viện đang tích cực tiến hành các hợp phần theo đúng mục tiêu dự án đặt ra.

Học viện tiếp tục giữ mối liên hệ với các đối tác quốc tế: AFD (Pháp), PSU (Mỹ), TILIT (Hàn Quốc). Từ đầu năm đến nay, Học viện đã phối hợp với Expertise France (Pháp) tổ chức 3 khóa đào tạo giảng viên về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì; phối hợp với FES (Đức) tổ chức Hội thảo về “Kinh tế tuần hoàn - yếu tố chính để phát triển đô thị bền vững” tại Đà Nẵng; phối hợp với UNIDO tổ chức Hội thảo về “Kinh tế tuần hoàn trong xây dựng; phối hợp với GIZ (Đức) tham gia vào dự án MCRP “Hợp phần nâng cao năng lực về hạ tầng ứng phó BĐKH cho các đô thị thông qua các hoạt động đào tạo giảng viên trong khuôn khổ dự án”.

Một số định hướng trọng tâm

Trước yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế, nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng; đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành phải mang tính chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, nắm bắt luật pháp trong nước, quốc tế có liên quan, có năng lực xử lý các công việc trong lĩnh vực được phân công.

Để đáp ứng yêu cầu này, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ cần tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, nhằm giải quyết một số tình trạng yếu kém về kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Xây dựng hiện nay.

Công tác nghiên cứu khoa học phải được đẩy mạnh theo hướng cung cấp được những luận cứ khoa học, thực tiễn, tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý của ngành.

Hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng phải được chú trọng để tiếp nhận kinh nghiệm tiên tiến, hiện đại của thế giới trong lĩnh vực xây dựng để vận dụng vào điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thực hiện hiệu quả Nghị định số 43/2004/NĐ-CP về tự chủ tài chính và nhân sự, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu đến năm 2025 tự chủ tài chính 50% (hiện nay mới hơn 20%). Học viện sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng đào tạo bồi dưỡng. Đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng; điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của cán bộ, công chức ngành Xây dựng, cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp; rà soát các chương trình hiện hành, loại bỏ những chương trình lạc hậu, xác định chương trình cần bổ sung, chỉnh sửa, kiến nghị xây dựng các chương trình mới đáp ứng yêu cầu hội nhập; cập nhật các văn bản quy phạm mới để bổ sung, chỉnh sửa tài liệu đáp ứng với hiện hành.

Đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng dạy theo phương pháp tích cực, trao đổi giữa học viên và giảng viên cùng với sử dụng các phương tiện hiện đại. Học trực tuyến E- Learning là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo bồi dưỡng; hình thành diễn đàn, kết nối học viên. Xây dựng và triển khai kế hoạch mời các chuyên gia quốc tế tham gia công tác đào tạo bồi dưỡng, tư vấn đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế…

Với những mục tiêu, giải pháp thiết thực, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã và đang có bước phát triển vượt bậc, xứng đáng là đơn vị hàng đầu về đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và tư vấn về xây dựng và quản lý đô thị trên phạm vi cả nước.

TS Trần Hữu Hà (*)
(*) Giám đốc Học viện CBQL Xây dựng & đô thị

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/amc-net-moi-trong-dao-tao-nguon-nhan-luc-xay-dung-346970.html