Amur-1650 - Thế hệ tàu ngầm diesel-điện 'tàng hình' mới của Nga
Độ ồn thấp, phạm vi tác chiến rộng, độ linh hoạt cao và khí tài hiện đại là những điểm mạnh của tàu ngầm Amur-1650 được thiết kế bởi Cục thiết kế kỹ thuật hàng hải trung ương Rubin của Nga.
Được giới thiệu tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023), Amur-1650 thu hút nhiều sự quan tâm của các khách tham quan. Đặc biệt, nhà phát triển nhấn mạnh lớp tàu ngầm này được thiết kế để hoạt động ở vùng biển nhiệt đới.
Amur-1650 là thiết kế tàu ngầm thế hệ thứ tư của Nga dành cho mục đích xuất khẩu, được phát triển từ lớp Lada, vốn được coi là bước phát triển tiếp theo từ lớp Kilo 636, với nhiều tính năng hiện đại cùng khả năng ẩn mình dưới lòng biển tốt hơn các tàu ngầm thế hệ trước.
Điểm đáng chú ý đầu tiên chính là việc tàu trang bị động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP), qua đó giảm tiếng ồn, cho phép kéo dài thời gian và tầm hoạt động dưới biển của tàu so với những lớp tàu ngầm diesel-điện thông thường khác. Có thể nói, loại động cơ này đang rất được nhiều quốc gia “ưa thích” mặc dù công nghệ AIP không dễ phát triển, chỉ vài nước có thể làm chủ thiết kế hệ động lực này.
Thêm vào đó, Amur-1650 cũng áp dụng công nghệ vỏ một lớp như ở tàu Lada, giúp giảm lượng giãn nước so với loại tàu ngầm cùng kích thước. Đây là nhân tố hết sức quan trọng, vì nó giúp tàu ngầm trở nên nhỏ hơn, linh hoạt hơn, đặc biệt khi tác chiến ở vùng biển nông hoặc gần bờ biển.
Tương tự như Lada, Amur-1650 còn được thiết kế theo kiểu module hóa và serie hóa, nghĩa là có thể căn cứ vào yêu cầu khách hàng mà nhà sản xuất đóng thành các tàu ngầm với lượng giãn nước khác nhau.
Mặt khác, Amur-1650 được lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, thông tin dữ liệu được trao đổi và chia sẻ trong toàn bộ con tàu. Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian ra mệnh lệnh, mà còn giảm thiểu nhân lực. Đơn cử, tàu chỉ cần 35 người vận hành, tức bằng gần một nửa so với các loại tàu ngầm thông thường có lượng giãn nước tương đương.
Ngoài ra, Amur-1650 tích hợp cảm biến thủy âm loại mảng kéo ở phía đuôi (TAS) hiện đại, giúp xóa bỏ “vùng mù” đối với thiết bị cảm biến thủy âm, tăng khả năng cũng như cự ly phát hiện mục tiêu đối phương. Trước đây, thiết bị này thường chỉ được lắp trên tàu ngầm hạt nhân hoặc tàu chống ngầm cỡ lớn.
Các thông số cơ bản của Amur-1650: Chiều dài 66,8m, chiều ngang rộng nhất 7,1m, cao 6,7m, lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn, tốc độ tối đa 35km/h, có 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm với 18 quả ngư lôi, thủy lôi hoặc tên lửa hành trình, khả năng lặn sâu 300m và hoạt động liên tục 45 ngày.
NGÂN ANH (theo Rubin)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới để tiếp tục cập nhật, xem các tin, bài về vũ khí, trang bị, khí tài và hoạt động tác chiến của các nước trên thế giới.