'Ăn cơm' báo nói chuyện doanh nghiệp

Những năm qua, báo chí và doanh nghiệp luôn là những người bạn đồng hành trong quá trình phát triển và có mối quan hệ tương tác hai chiều. Để tiếp cận khai thác được thông tin từ phía doanh nghiệp, nhà báo phải có 'bí kíp' riêng.

Nhà báo Bích Nga (Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) thực hiện chương trình tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp

Nhà báo Bích Nga (Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) thực hiện chương trình tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Trên con đường phát triển của mình, doanh nghiệp cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Thông tin từ báo chí có thể giúp doanh nghiệp tìm ra cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh; đồng thời còn là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Còn đối với báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng.

Nhà báo Mạnh Minh (Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Dương) phân tích, từ khi khởi nghiệp đến khi doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, đạt được thành công trong sản xuất, kinh doanh, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại. Trong hành trình đó, bên cạnh sự đồng hành, sẻ chia của báo chí chính thống cũng có không ít những phiền phức, khó khăn do truyền thông “lá cải” đưa đến. Vì vậy, để doanh nghiệp chia sẻ thông tin với mình, mỗi nhà báo trước khi viết về doanh nghiệp phải xây dựng được niềm tin đối với họ. “Cần có sự trao đổi thông tin thường xuyên. Đôi khi, những thông tin bên lề mà phóng viên có được từ những buổi dự làm việc, hội thảo, hội nghị cũng rất có ích đối với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã tin tưởng thì việc phối hợp tuyên truyền sẽ không gặp khó khăn”, nhà báo Mạnh Minh nói.

Cùng quan điểm này, nhà báo Vũ Long (Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) nhận xét nhà báo cần có những tác phẩm để khẳng định báo chí chính thống luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính trong quá trình phát triển.

Chuyên môn vững, kỹ năng tốt

Để phản ánh được những vấn đề góc cạnh, đúng và trúng của mỗi doanh nghiệp trong từng thời điểm, mỗi nhà báo phải có kiến thức, chuyên môn vững vàng và kỹ năng tác nghiệp tốt.

Phóng viên Hà Kiên (Báo Hải Dương) chia sẻ người làm báo phải truyền đạt lại các câu chuyện, các nội dung chia sẻ của doanh nghiệp, nhất là về khó khăn của họ một cách chính xác. Bên cạnh đó, để khai thác được những thông tin hay và viết bài có chiều sâu về doanh nghiệp, phóng viên cần nghiên cứu kỹ về ngành nghề hoạt động của họ. Quá trình khai thác thông tin cần tư duy mạch lạc, khoa học, việc thực hiện tin bài cần có sự phân tích, tổng hợp. Đặc biệt, người làm báo chân chính không bao giờ lợi dụng ngôn luận, bám vào những thông tin chưa tốt của doanh nghiệp để trục lợi cá nhân. “Để có những góc nhìn, bài viết về các doanh nghiệp FDI, phóng viên theo dõi, tuyên truyền về doanh nghiệp cũng cần nâng cao trình độ ngoại ngữ để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin trực tiếp với lãnh đạo doanh nghiệp”, anh Kiên chia sẻ thêm.

Nhà báo Bích Nga (Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương) chuyên sản xuất các chương trình tọa đàm về kinh tế chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi phải tìm hiểu và nâng cao hiểu biết, kiến thức lý luận về kinh tế thông qua các tài liệu, học hỏi các chuyên gia; thường xuyên cập nhật những thông tin về cơ chế, chính sách, mô hình liên quan đến lĩnh vực kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Để có những tác phẩm hấp dẫn, tôi luôn lựa chọn khai thác các vấn đề nổi bật của doanh nghiệp tại từng thời điểm khác nhau, sau đó kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực đó để phân tích, tư vấn nội dung”.

Các nhà báo đều khẳng định, việc gắn bó cùng doanh nghiệp không có nghĩa là chỉ phản ánh mặt tốt mà bỏ qua những hạn chế, khuyết điểm của doanh nghiệp. Các nhà báo cần phê bình trên tinh thần xây dựng, tìm cách tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

PHAN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/an-com-bao-noi-chuyen-doanh-nghiep-206904