An cư, lạc nghiệp vùng biên

Ngày 29/6/2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 29 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kiên Lương thành lập huyện Giang Thành, thuộc tỉnh Kiên Giang. Có trên 20% đồng bào dân tộc thiểu số và đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia, huyện Giang Thành được quan tâm chăm lo đặc biệt về nhà ở, phương tiện sản xuất cho người dân. Từ cuộc sống bấp bênh, giờ đây, cư dân vùng đất này đã an cư, lạc nghiệp, đời sống tốt lên từng ngày.

Trên địa phận huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, có 5 xã với đường biên giới dài khoảng 35km, tiếp giáp nước bạn Campuchia. Địa bàn huyện Giang Thành là khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Do đó, việc giúp các hộ dân ở đây an cư, từ đó phát triển kinh tế xã hội là điều các cấp chính quyền rất quan tâm. Mời quý vị về huyện Giang Thành, ghé thăm xã Tân Khánh Hòa để tìm hiểu về các chính sách cũng như việc chăm lo, giúp người dân ở khu vực được an cư, lạc nghiệp.

Tháng 9/2024, chị Thị Út được trao tặng một căn nhà trên địa bàn huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. Trước chị, từ năm 2012, hơn 200 hộ dân đã được bố trí xây cất nhà trên tuyến dân cư biên giới Nam Vĩnh Tế, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Hơn 20 năm trước, nhà nước và tỉnh Kiên Giang có chủ trương đưa người dân từ các huyện An Biên, An Minh, Gò Quao, Vĩnh Thuận, thuộc tỉnh Kiên Giang lên tuyến biên giới này định cư nhưng có nhiều khó khăn. Đất đai ở đây hoang hóa, muốn trồng lúa phải có nhiều máy móc, chưa kể hạ tầng thủy lợi, giao thông, điều kiện sinh hoạt… còn hạn chế. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay đã khác.

Con bò này tên Bông. Tháng 8 vừa qua, Bông chính thức sống tại hộ gia đình ông Hướng, ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành. Đây là một trong 15 con bò hỗ trợ cho người dân thông qua dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo” do Tổ chức Heifer Việt Nam tài trợ từ năm 2014.

Khi nhận bò, các hộ dân được huấn luyện kỹ thuật, tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới. Khi bò mẹ sinh bê, hộ đang nuôi sẽ trả lại bò giống, dự án chuyển giao cho hộ tiếp theo.

Ngoài nuôi bò, người dân trên địa bàn còn nghề trồng lúa. Hàng năm, trừ chi phí, lợi nhuận, không ít hộ đã có tiền dư xây nhà mới, khang trang hơn. Nhờ đẩy mạnh các giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư, lạc nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Giang Thành giảm xuống theo từng năm. Năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều chung toàn huyện là 3,75%. Tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến nay đã có kết quả khả quan.

Do hạn chế nằm xa trung tâm kinh tế của tỉnh, thời gian qua, Giang Thành tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ nhựa hóa, hoặc bê tông đạt 96%. Từ đó, kêu gọi đầu tư chợ thương mại vùng biên giới, phát triển chợ nông sản tại khu vực cửa khẩu. Giang Thành cũng đặc biệt chú trọng xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, giúp người dân vùng biên yên tâm phát triển sản xuất.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Cao Minh Hiển - Khánh Hà - Trung Hiếu - Đinh Dương - Đỗ Khoan

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/an-cu-lac-nghiep-vung-bien-240420.htm