Ấn Độ-Australia: Quan hệ tụt dốc với Trung Quốc và sự hội tụ lợi ích chiến lược

Trong bài viết mới đây đăng trên The Diplomat, TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan (Ấn Độ) nhận định rằng, Đối thoại 2+2 cho thấy sự hội tụ lợi ích chiến lược nâng tầm quan hệ Ấn Độ-Australia.

Đúng vào ngày nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố kinh hoàng (11/9), tại thủ đô New Delhi diễn ra Đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng đầu tiên giữa Ấn Độ và Australia.

Với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, sự kiện này cho thấy sự tin cậy và mức độ hòa hợp ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Australia.

Theo TS. Rajeswari Pillai Rajagopalan - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh chiến lược và không gian thuộc Quỹ Nhà quan sát Ấn Độ (ORF), việc hai nước phát triển quan hệ chiến lược với tốc độ nhanh này là điều dễ hiểu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong quan hệ với Bắc Kinh của cả New Delhi và Canberra.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ấn Độ và Australia gặp nhau tại Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng lần đầu tiên, ngày 11/9 tại New Delhi. (Nguồn: Twitter)

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ấn Độ và Australia gặp nhau tại Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng lần đầu tiên, ngày 11/9 tại New Delhi. (Nguồn: Twitter)

Tăng cường sự đồng điệu

Tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Australia vào tháng 6/2020 theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Scott Morrison quyết định nâng mối quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP).

Ngoại trưởng Australia Marise Payne trong lần phát biểu gần đây với báo giới cho rằng Đối thoại 2+2 là kết quả trực tiếp của việc nâng tầm mối quan hệ.

Theo Tuyên bố chung, 4 Bộ trưởng nhắc lại “cam kết thực hiện đầy đủ CSP dựa trên sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, lợi ích chung và các giá trị chung của dân chủ và pháp quyền”.

Hai bên nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc thúc đẩy mục tiêu chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, tự do, thịnh vượng và dựa trên luật lệ".

Điều này phù hợp với sự tham gia ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua Sáng kiến Đại dương Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Phương pháp tiếp cận Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương của Australia.

Đối thoại 2+2 dự kiến tổ chức hai năm một lần, nhằm duy trì động cơ thúc đẩy quan hệ Ấn Độ và Australia.

Đáng chú ý trong kết quả chính của Đối thoại 2+2 Australia-Ấn Độ là cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng hải.

Theo đó, hai nước có thể thúc đẩy quan hệ đối tác sâu sắc hơn về một loạt chủ đề liên quan như nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, mở rộng liên kết giữa các cơ quan hàng hải, chống lại các thách thức như rác thải trên biển và tập trung vào đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự hiện diện của một sỹ quan liên lạc của Australia tại Trung tâm kết hợp thông tin-Khu vực Ấn Độ Dương có trụ sở tại Gurgaon, Ấn Độ.

Các bộ trưởng tận dụng cơ hội lần này để củng cố “cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và dựa trên luật lệ”.

Ngoài ra, các Bộ trưởng nhắc lại cam kết tăng cường hợp tác qua kênh song phương, đa phương bao gồm nhóm Bộ tứ (Quad, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia).

Chung một "động cơ"

Quan hệ Australia-Ấn Độ đã được cải thiện trong vài năm nhưng quan hệ đã có sự thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây thể hiện rõ qua số lượng các cam kết cấp cao giữa hai bên.

Trong bối cảnh quan hệ ngày càng xấu đi giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng như Australia và Trung Quốc gần đây, cả New Delhi và Canberra đều đang sắp xếp lại các lợi ích và đối tác và những mối quan hệ đó có thể sẽ phát triển đa dạng trong những năm tới.

Sau nhiều năm, Australia cuối cùng đã được mời tham gia tập trận hải quân Malabar năm 2020. Australia đặt trọng tâm khi liên minh an ninh với Mỹ, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác với các nước châu Á ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ lâu nay vốn tránh chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng Trung-Ấn trong cuộc đối đầu ở khu vực Galwan năm 2020 đã đưa mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

New Delhi đã cố gắng thiết lập lại và cải thiện quan hệ với Bắc Kinh sau cuộc đối đầu ở cao nguyên Doklam năm 2017. Tuy nhiên, phản ứng của Ấn Độ đối với Galwan cứng rắn hơn nhiều.

Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định theo đuổi các cam kết chiến lược chặt chẽ hơn với một số đối tác cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Australia.

Quan hệ của Australia với Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi nước này yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Bắc Kinh đã triển khai các biện pháp gây áp lực về kinh tế và thương mại nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Canberra, từ lúa mạch, thịt bò, hải sản, lúa mỳ và rượu vang đến than, bông, đồng và gỗ.

Nhu cầu tăng cường quan hệ Australia-Ấn Độ trong phạm vi song phương, ba bên, bộ tứ là một thực tế.

Sự hội tụ của các lợi ích chiến lược trong việc đảm bảo trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là chất keo sẽ gắn kết Ấn Độ và Australia hơn nữa trong những năm tới. Hai bên có khả năng mở rộng quan hệ đối tác và hợp tác trong các sáng kiến như biện pháp phục hồi chuỗi cung ứng.

Trong thời gian qua, Ấn Độ cũng như Australia tích cực thúc đẩy quan hệ với các đối tác quan trọng thông qua cơ chế đối thoại 2+2 cấp Bộ trưởng. Ngày 13/9, Hàn Quốc và Australia tổ chức Đối thoại 2+2 lần thứ 5 tại thủ đô Seoul với sự tham gia của các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng để thảo luận về hợp tác song phương và an ninh khu vực. Cuộc gặp 2+2 gần nhất diễn ra tại Sydney vào tháng 12/2019. Trước đó, ngày 9/9, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Indonesia và Australia gặp nhau trong khuôn khổ Đối thoại 2+2 lần thứ 7 tại thủ đô Jakarta, thảo luận về các vấn đề chiến lược ở cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu. Ấn Độ và Mỹ cũng dự kiến tổ chức Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng vào tháng 11 tới. Ngoài Mỹ và Australia, Ấn Độ còn có cơ chế 2+2 với Nhật Bản, cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra vào tháng 11/2019 tại New Delhi.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/an-do-australia-quan-he-tut-doc-voi-trung-quoc-va-su-hoi-tu-loi-ich-chien-luoc-159006.html