Ấn Độ có thể là một hình mẫu cho thế giới đang phát triển

Lời kêu gọi của Thủ tướng Modi là 'Một Trái Đất, Một gia đình, Một tương lai', được nhấn mạnh một cách khéo léo bởi cụm từ 'Vasudhaiva Kutumbakam'.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại New Delhi. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại New Delhi. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết đăng trên tờ The Indian Express nhận định ngày 8/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dự lễ ra mắt logo, trang web và chủ đề cho nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ, đặt ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ bắt đầu từ ngày 1/12.

Lời kêu gọi của Thủ tướng Modi là “Một Trái Đất, Một gia đình, Một tương lai”, được nhấn mạnh một cách khéo léo bởi cụm từ “Vasudhaiva Kutumbakam”.

Ngoài màu sắc của quốc kỳ, biểu trưng còn mô tả một bông sen 7 cánh tượng trưng cho Trái Đất, đại dương và 7 lục địa. Thủ tướng Modi đưa ra quan điểm rằng nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ sẽ vượt qua những giới hạn về địa lý và đẳng cấp để bao trùm toàn thế giới và để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hoa sen, biểu tượng của sự thuần khiết và kiên cường, gợi lên hy vọng rằng cộng đồng toàn cầu sẽ vượt qua những ảnh hưởng kinh tế suy yếu do đại dịch COVID-19.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ diễn ra giữa lúc nền kinh tế Nam Á ghi nhận tăng trưởng cao. Tuy nhiên, Ấn Độ phải đối mặt với một thời điểm địa chính trị phức tạp, khi căng thẳng giữa Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nga tăng cao vì cuộc xung đột ở Ukraine, và cạnh tranh chiến lược ngày càng phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cam kết của Ấn Độ trong việc thúc đẩy hợp tác Nam-Nam được ủng hộ rộng rãi. Vào thời kỳ cao điểm của đại dịch, Ấn Độ cung cấp 250 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho 101 quốc gia, ngoài các hỗ trợ y tế khác.

Quan điểm của Ấn Độ đối với G20 được xác định bằng tính liên tục và đổi mới. Sự nhất quán của chính sách trong kinh tế vĩ mô và thương mại là một mệnh lệnh quan trọng. Tại cuộc họp về “Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu” vào tháng 10/2021, Thủ tướng Modi ủng hộ hợp tác trên 3 khía cạnh quan trọng, bao gồm nguồn đáng tin cậy, tính minh bạch và khung thời gian.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2022, ông Modi đề cập đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng do khủng hoảng Ukraine và đánh giá rằng các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực là chưa từng có. Cam kết của Ấn Độ đối với chuyển đổi kỹ thuật số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng một kiến trúc công cộng kỹ thuật số có thể tiếp cận và toàn diện.

Thách thức khí hậu chắc chắn sẽ là một trong những chủ đề quan trọng đối với nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ. Các nỗ lực chuyển đổi năng lượng sạch và giảm thiểu khí hậu toàn cầu thể hiện cam kết của các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) ở Glasgow, Thủ tướng Modi đề xuất Sứ mệnh LiFE, trong đó đặt hành vi cá nhân vào trung tâm của câu chuyện hành động khí hậu toàn cầu. Sứ mệnh dự định thiết lập và nuôi dưỡng mạng lưới toàn cầu gồm các cá nhân được gọi là Những người hành tinh chuyên nghiệp (P3), cam kết áp dụng và thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường.

Một cảng hoàng hóa ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cảng hoàng hóa ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều này dựa trên ý tưởng là hành vi của cá nhân có trách nhiệm có thể khắc phục thiệt hại do thiên nhiên gây ra. Với dân số toàn cầu dự kiến vượt 8 tỷ người trong năm nay, người ta nhớ đến sự thận trọng của nhà lãnh đạo Ấn Độ Mahatma Gandhi rằng thế giới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của mọi người dân nhưng không thể đáp ứng lòng tham của tất cả mọi người.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27) cũng như trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, Ấn Độ phải tập trung chú ý vào tài chính khí hậu, đặc biệt là một mục tiêu mới được định lượng hóa ngoài cam kết hàng năm, lên đến 100 tỷ USD của các nền kinh tế tiên tiến (nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu từ năm 2020-2025).

Các công bố “Panchamrit” của Thủ tướng Modi tại COP26 – bao gồm việc đặt mục tiêu đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng thông qua năng lượng tái tạo vào năm 2030, giảm phát thải 1 tỷ tấn carbon tđến năm 2030 và giảm cường độ phát thải carbon trong nền kinh tế Ấn Độ xuống dưới 45% vào năm 2030 - đã xác lập Ấn Độ trở thành nước dẫn đầu về bảo vệ khí hậu.

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 tạo cơ hội để Ấn Độ thúc đẩy một số sáng kiến về quan hệ đối tác năng lượng sạch - đặc biệt là về năng lượng Mặt Trời, gió và hydro - với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ.

Năng lượng sạch và việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững có thể hỗ trợ lẫn nhau. Năng lượng xanh có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch ở quy mô công nghiệp, kể cả trong các lĩnh vực khó nhằn như nhà máy lọc dầu, phân bón, vận tải và xi măng. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ có quy mô và năng lực để nêu lên tấm gương sáng về tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và không phát thải cacbon nhằm hướng đến tham vọng phát thải toàn cầu bằng 0 của G20.

Các thể chế đa phương ngày nay được coi là thiếu đại diện, không hiệu quả, hoặc tệ hơn là cả hai. Việc kêu gọi một chủ nghĩa đa phương mới đánh giá lại Trật tự Tài chính Toàn cầu và đảm bảo tăng cường tín dụng đầy đủ và tài chính hỗn hợp cho quá trình chuyển đổi xanh bền vững phản ánh tâm lý phổ biến trên toàn cầu.

Các sáng kiến toàn cầu của Ấn Độ trong những năm gần đây như SAGAR (An ninh và Tăng trưởng cho Mọi người trong Khu vực), “nền kinh tế xanh”, “đại dương sạch” và cơ sở hạ tầng chống chọi với thảm họa có tiềm năng thu hút sự chú ý trong G20.

Nhiệm kỳ Chủ tịch của Ấn Độ nên đại diện cho các khu vực bầu cử rộng rãi và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là ở Nam Á. Điều này thực sự có thể thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối Nam Á, vốn là điều cần thiết cho sự trỗi dậy của Ấn Độ./.

Tiến Hiến (P/v TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-do-co-the-la-mot-hinh-mau-cho-the-gioi-dang-phat-trien/268377.html