Ấn Độ củng cố vị thế trong cuộc đua AI toàn cầu
Thành công chỉ sau một đêm của công cụ DeepSeek của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể nhận thức của Ấn Độ về cuộc đua AI. Nhằm củng cố vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu, quốc gia này đã có những thay đổi đáng chú ý trong các chiến lược và sáng kiến, được thiết kế để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới AI quốc gia, cho phép nước này cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc thông qua sự tham gia tích cực với các công ty khởi nghiệp và doanh nhân Ấn Độ.
Nhận thức mới của Ấn Độ về cuộc đua AI
Tại sao Ấn Độ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc về AI? Tại sao Ấn Độ chưa tạo ra những tiến bộ về AI tương đương với DeepSeek của Trung Quốc hoặc ChatGPT của Mỹ? Đây là những câu hỏi mà Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw thường xuyên nhận được trong các cuộc thảo luận về chính sách AI ở Ấn Độ kể từ khi DeepSeek nổi lên. Nói cách khác, DeepSeek đã khiến Ấn Độ phải lo ngại về vị thế của mình trong bối cảnh AI toàn cầu.

Ấn Độ thay đổi cách tiếp cận chiến lược đối với cuộc đua AI toàn cầu.
Mối lo ngại ngày càng tăng khi Ấn Độ có nguy cơ trở thành thuộc địa kỹ thuật số của Mỹ và Trung Quốc, bởi cả hai quốc gia này đều nhanh chóng phát triển các công nghệ AI đang ngày càng định hình bối cảnh công nghệ của Ấn Độ. Mối quan ngại này đã được nhiều chuyên gia chính sách nêu ra, bao gồm Amitabh Kant, cựu Giám đốc điều hành của NITI Aayog - tổ chức nghiên cứu chính sách công hàng đầu của Ấn Độ. Chia sẻ với tờ The Indian Express, ông Kant lập luận rằng, DeepSeek tượng trưng cho những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, còn ChatGPT phản ánh sự tiến bộ về công nghệ của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ lại trở thành người sử dụng các hệ thống AI này. Tình trạng này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về chủ quyền AI của Ấn Độ và khả năng phát triển các công nghệ AI trong nước phù hợp với các ưu tiên về văn hóa và kinh tế của nước này.
Thành công của DeepSeek đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi chiến lược AI của Ấn Độ, từ cách tiếp cận tập trung vào trong nước sang cách tiếp cận có tham vọng quốc tế và địa kinh tế. Trước DeepSeek, Ấn Độ chủ yếu coi AI là một công cụ để tăng trưởng kinh tế trong nước, đặc biệt là để đạt được mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 10% vào năm 2023 và tạo ra nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ đô la. Tuy nhiên, những mục tiêu này thiên về việc tận dụng các công cụ hiện có trong nước hơn là về cạnh tranh quốc tế hoặc đổi mới AI. Hiện tại, Ấn Độ đang mở rộng các kế hoạch để cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu, coi AI là một ngành công nghiệp quan trọng theo quan điểm địa kinh tế, thay vì chỉ đơn thuần là kinh tế.
Nhìn vào mặt tích cực, nhiều chuyên gia về công nghệ ở Ấn Độ nhận định, sự xuất hiện của DeepSeek củng cố niềm tin rằng, quốc gia này có thể đạt được những đột phá về AI với khoản đầu tư hạn chế - tương tự như thành công của nước này với mô hình Cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số - một mô hình không được đánh giá cao lúc đầu nhưng sau đó đã trở thành hình mẫu được các quốc gia khác áp dụng.
Nhiều ý kiến cho rằng, DeepSeek đã chứng minh rằng các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ có thể cạnh tranh với các công ty công nghệ AI toàn cầu như OpenAI.
Mở ra một loại hình chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp mới
Ngoài việc tăng ngân sách nhà nước cho Sứ mệnh AI, từ 66 triệu USD lên 240 triệu USD, Chính phủ Ấn Độ đã đảm nhận vai trò trực tiếp trong việc thúc đẩy phát triển AI có khả năng cạnh tranh với các cường quốc AI hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc.
Ngay sau khi DeepSeek ra mắt, Chính phủ Ấn Độ cam kết phát triển một mô hình nền tảng AI bản địa. Hồi cuối tháng 1.2025, chính phủ đề xuất các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp Ấn Độ phát triển các mô hình đa phương thức lớn, mô hình ngôn ngữ lớn và mô hình ngôn ngữ nhỏ được thiết kế riêng theo nhu cầu của Ấn Độ.
Để phát triển các sáng kiến này, chính phủ tuyên bố sẽ hỗ trợ tài chính, tiếp cận các tập dữ liệu chất lượng cao và cơ sở hạ tầng AI... Động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược AI của Ấn Độ, mở ra kỷ nguyên mới của chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp, trong đó chính phủ đóng vai trò tích cực trong phát triển AI bằng cách trang bị cho các công ty các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh.
Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp cho thấy một mô hình mới, khác với cả hệ sinh thái do tư nhân thúc đẩy của Mỹ và các sáng kiến do nhà nước lãnh đạo của khu vực Đông Á. Không giống như chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp do tư nhân thúc đẩy ở Mỹ, Chính phủ Ấn Độ đã chủ động hỗ trợ các công ty khởi nghiệp bằng cách cung cấp các nguồn tài chính đáng kể, quyền truy cập dữ liệu và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Theo nghĩa này, chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp của Ấn Độ phù hợp chặt chẽ với cách tiếp cận của các quốc gia ở khu vực Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi nhà nước chủ động chỉ đạo phát triển công nghệ.
Dù có sự tương đồng này, mô hình của Ấn Độ vẫn còn một sự khác biệt quan trọng. Trong khi các mô hình Đông Á thường khuyến khích các công ty khởi nghiệp hợp tác với các tập đoàn lớn đã thành lập để hỗ trợ các công ty công nghệ quốc gia, phiên bản chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp của Ấn Độ ưu tiên tăng trưởng độc lập, bảo đảm rằng các công ty khởi nghiệp vẫn giữ được quyền tự chủ trong khi vẫn được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước.
Cách tiếp cận sáng tạo này đối với chủ nghĩa tư bản khởi nghiệp đặc biệt rõ ràng trong chiến lược của Ấn Độ nhằm đạt được mô hình AI nền tảng trong nước. Chính phủ đã cam kết cung cấp nguồn tài trợ trực tiếp và đáng kể để cạnh tranh với các nền tảng toàn cầu như DeepSeek hay ChatGPT. Nhà nước có kế hoạch cung cấp các khoản đầu tư vốn chủ sở hữu, định vị mình là bên liên quan tiềm năng trong các dự án khởi nghiệp này, nhưng chính quyền trung ương cũng cho phép các nhà phát triển AI tìm kiếm sự đồng tài trợ từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các khoản tài trợ của chính quyền khu vực. Ngoài việc cung cấp tài trợ, chính phủ sẽ cung cấp các nguồn tài nguyên điện toán với mức giá được trợ cấp đáng kể và bảo đảm khả năng truy cập dữ liệu.
Sáng kiến AIKosha
Khả năng tiếp cận dữ liệu là điều cần thiết để cạnh tranh hiệu quả trong cuộc đua AI toàn cầu. Điều này đã được chứng minh qua trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, khi phần lớn sự thành công trong việc phát triển AI là nhờ vào lượng lớn dữ liệu được thu thập bằng tiếng Anh, hỗ trợ cho việc đào tạo các mô hình AI tinh vi. Trong bối cảnh này, nhu cầu từ các công ty khởi nghiệp AI và các chuyên gia chính sách ở Ấn Độ đối với chính phủ Ấn Độ để mở và chia sẻ các nguồn dữ liệu đáng kể mà họ nắm giữ ngày càng tăng.
Để đáp ứng nhu cầu mới nổi này từ khu vực tư nhân, đặc biệt sau sự phát triển gần đây của DeepSeek, Chính phủ Ấn Độ đã ra mắt Nền tảng dữ liệu IndiaAI, còn được gọi là AIKosha - một sáng kiến nhằm thiết lập một nền tảng thống nhất để truy cập toàn diện vào các tập dữ liệu, công cụ AI và mô hình. AIKosha giải quyết các khoảng cách hiện tại trong cơ sở hạ tầng AI của Ấn Độ, cung cấp quyền truy cập liền mạch vào các tập dữ liệu chất lượng cao, không phải cá nhân. Bằng cách đó, Ấn Độ có thể thúc đẩy học viện, nhà nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và ngành công nghiệp đẩy nhanh quá trình đổi mới và cạnh tranh hiệu quả hơn trên quy mô toàn cầu.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn nhiều thách thức đáng kể để đạt được kết quả mong muốn trong việc phát triển AI. Để bảo đảm vị thế cạnh tranh trong đổi mới AI toàn cầu, đòi hỏi Ấn Độ cần có một chiến lược bền vững, dài hạn để nuôi dưỡng các ngành công nghệ cao. Các sáng kiến hậu DeepSeek của Ấn Độ là một khởi đầu đầy hứa hẹn, tuy nhiên, sự hợp tác liên tục và bền vững giữa chính phủ và khu vực tư nhân sẽ là cần thiết để Ấn Độ thực hiện một tầm nhìn rõ ràng và dài hạn. Chỉ khi đó, Ấn Độ mới có thể bảo đảm được vị thế của mình trong cuộc đua AI toàn cầu.