Ấn Độ đang bước tới
Xung đột Ukraine kéo dài đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua. Nhưng, 'trong nguy có cơ', vẫn luôn có những người tìm ra cơ hội cho mình để tiến về phía trước.
Lịch trình bận rộn
Châu Âu đã trở thành điểm đến đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong năm nay. Cụ thể, trong 3 ngày từ 2 đến 4-5-2022, người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ đã công du qua 3 nước châu Âu, gặp gỡ những nhà lãnh đạo hàng đầu của 7 quốc gia trong khu vực, thực hiện một lộ trình làm việc dày đặc với một mục đích rất cụ thể: tăng cường mối quan hệ Âu - Ấn.
Điểm đến đầu tiên là thủ đô Berlin của nước Đức, nơi ông Modi và Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz đồng chủ trì cuộc họp Tham vấn liên chính phủ Ấn Độ - Đức lần thứ 6. Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong Liên minh châu Âu (EU). Hai nước đã có mối quan hệ tốt đẹp từ thời cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Chuyến thăm lần này là cơ hội để ông Modi xây dựng mối quan hệ với chính phủ mới của nước Đức.
Châu Âu và Ấn Độ có nhiều lý do để xích lại gần nhau.
Trong số những nội dung được đưa ra thảo luận có vấn đề Ukraine và an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những chủ đề nóng mà cả hai bên đều quan tâm. Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất để lại là Thủ tướng Scholz thông báo sẽ dành ít nhất 10 tỷ euro đầu tư nhằm “nâng tầm” mối quan hệ với Ấn Độ trong những năm tới. Đây có thể coi là một "chiến thắng" của ông Modi, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ một cuộc suy thoái, khiến cho các chính phủ phải dè dặt hơn với những khoản chi của mình.
Tại Copenhagen, ông Modi gặp gỡ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, đồng thời tham dự hội nghị thượng đỉnh chung với 5 nước Bắc Âu lần thứ hai. Cuộc gặp gỡ của những nhà lãnh đạo hàng đầu đã đưa đến những cam kết "tập trung vào các phục hồi kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo và công nghệ, năng lượng tái tạo, an ninh toàn cầu và hợp tác Ấn Độ-Bắc Âu ở khu vực Bắc Cực”, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Tại Paris, ông Modi chính thức trở thành vị quốc khách đầu tiên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2. Đây cũng là chuyến thăm nước Pháp lần thứ 5 của ông Modi kể từ khi lên nắm quyền. Nó một lần nữa cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa chính phủ hai nước, khi liên tục có những kết nối hợp tác mới trong thời gian qua. Chuyến thăm nhằm kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời hướng tới "một chương trình nghị sự đầy tham vọng hơn về quan hệ đối tác chiến lược" - cũng theo thông báo của Bộ Ngoại giao Ấn Độ.
Tuy nhiên, chuyến công du này của Thủ tướng Ấn Độ cũng chỉ là một phần trong kế hoạch "tiếp cận thế giới" mà Chính phủ Ấn Độ đã và đang thực hiện trong thời gian gần đây. Chỉ trong vài tuần, chính phủ của ông Modi đã có những hoạt động vô cùng phong phú. Ông Modi đã đón Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đồng thời có các buổi tiếp kiến với Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc, Nga, Anh, Đức trong tháng 4. Thủ tướng Ấn Độ cũng có những cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ - ông Jaishankar - vừa có những chuyến thăm đến Bangladesh và Bhutan. Ngay sau chuyến thăm châu Âu, Thủ tướng Modi sẽ đến Nhật, nơi ông gặp gỡ những nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ tứ”. Có lẽ, chưa bao giờ ngành ngoại giao Ấn Độ bận rộn như vậy. Dẫu vậy, trong tất cả những lịch trình đó, châu Âu vẫn dành được "ưu tiên" nhất định.
Tham vọng của người Ấn
Có một chủ đề đang bao trùm mọi cuộc thảo luận trên toàn thế giới hiện nay: Cuộc xung đột ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng đẩy châu Âu vào tình thế chia rẽ, đối đầu và bị thiệt hại nặng nề. EU - cộng đồng kinh tế lớn nhất thế giới - đang đứng trước nguy cơ về một cuộc suy thoái toàn diện nếu cuộc xung đột kéo dài. Họ cần "một bàn tay để nắm lấy". Và, Ấn Độ chính là những người đang nhanh tay nhất.
Nước Đức là điểm đến đầu tiên của ông Modi trong năm 2022.
Ấn Độ có một lợi thế rất lớn khi đồng thời giữ được mối quan hệ hữu hảo với cả Nga và phương Tây, trong quá khứ cũng như hiện tại. Ở thời điểm cuộc xung đột Ukraine mới nổ ra, một số quốc gia phương Tây có thể không hài lòng với Ấn Độ khi quốc gia này không đứng về phía họ, bằng cách lên án "hành động quân sự đặc biệt" của Nga. Tuy nhiên, khi xung đột kéo dài và có nguy cơ leo thang, chính vị thế trung lập của Ấn Độ lại đang trở thành thứ vũ khí lợi hại mà không nhiều quốc gia có được, khi họ có thể "nói chuyện" với cả hai bên.
Khi mà châu Âu tiến hành những lệnh cấm vận với Nga vì những lo ngại an ninh của mình thì cũng là lúc nền kinh tế của họ phải chịu đựng rất nhiều lực phản chấn. Mới đây, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải hạ mức dự đoán tăng trưởng cả năm của khu vực đồng euro (eurozone) xuống 3,7%, từ mức ban đầu là 4,2%. Tuy nhiên, với lạm phát 7,5% (cao nhất trong 40 năm qua) như hiện nay, con số mà ECB đưa ra xem ra vẫn còn quá lạc quan. Khó khăn của cả nền kinh tế châu Âu hiện nay không chỉ đến từ việc giá năng lượng tăng cao do xung đột Ukraine, họ còn vấp phải những vấn đề sản xuất nghiêm trọng do Trung Quốc đóng cửa chống dịch và hệ thống vận tải liên lục địa Á - Âu bị đình trệ. Sau 2 năm đại dịch, những tưởng nền kinh tế châu Âu có thể phục hồi nhanh chóng thì nay, một loạt những vấn đề nảy sinh đang khiến người dân châu Âu mất dần kiên nhẫn cũng như niềm tin vào các chính phủ của mình. Họ cần được trợ lực.
Sở hữu quy mô dân số khổng lồ (lên tới 1,4 tỷ dân), nền kinh tế đang phát triển là thị trường tiềm năng hàng đầu thế giới mà chưa được khai phá hết, Ấn Độ có thể là "mảnh đất lành" đối với các doanh nghiệp châu Âu, nếu muốn chuyển hướng đầu tư khỏi Nga hay thậm chí là Trung Quốc. Với một thị trường tiềm năng như vậy mà quan hệ thương mại song phương mới chỉ đạt hơn 60 tỷ euro vào năm 2020 thì quá nhỏ bé. Dư địa phát triển của thị trường Ấn Độ vẫn còn cực kỳ lớn, đây có thể chính là đòn bẩy mới để kinh tế thế giới phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Mục đích của Ấn Độ là rất rõ ràng. Họ muốn "thế chân" những đối tác khác của EU, để "lấp đầy" những khoảng trống đang bị bỏ lại do những thay đổi chính trị thời gian qua. Nhưng, quan trọng hơn, ý tưởng này cũng được phía EU hưởng ứng, bởi đúng như ông Tobias Lindner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói: "Không có vấn đề lớn nào có thể được giải quyết nếu không có Ấn Độ".
Ngay trong chuyến công du châu Âu lần này, Thủ tướng Ấn Độ đã đưa ra những đề nghị mới nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế với các nước châu Âu như tăng cường hợp tác, đầu tư, cùng cải tổ hệ thống tài chính quốc tế hay phát triển nền “kinh tế xanh”. Đây đều là những chủ đề được các quốc gia châu Âu hưởng ứng nhiệt liệt và luôn bày tỏ mong muốn hợp tác.
Thủ tướng Modi đã phát biểu ngay trước chuyến đi rằng: "Chuyến thăm châu Âu diễn ra vào thời điểm khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức và lựa chọn. Thông qua các cam kết, tôi dự định tăng cường tinh thần hợp tác với các đối tác châu Âu, những người đồng hành quan trọng trong hành trình vì hòa bình và thịnh vượng của Ấn Độ". Đó là những lời phát biểu đầy tinh thần hữu nghị, chia sẻ nhưng cũng rất thực tế. Ấn Độ sẽ đến và cùng châu Âu vượt qua khó khăn.
Một lộ trình tiến tới ký hiệp định thương mại tự do song phương đã được đưa ra bàn thảo. Đây có thể sẽ là bước ngoặt trong quan hệ giữa hai bên khi Ấn Độ có thể trở thành quốc gia Nam Á đầu tiên đạt được thỏa thuận này. Khi kinh tế gia tăng kết nối, sự đồng thuận về chính trị sẽ cũng sẽ dễ dàng xuất hiện. Đây cũng chính là mục tiêu sâu xa mà ông Modi cùng những nhà lãnh đạo châu Âu hướng tới. Bởi, cả hai bên đang cần thêm những đồng minh mới trong một thế giới đa cực và phức tạp, khó lường hiện nay.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/an-do-dang-buoc-toi--i653518/