Ấn Độ 'đang nổi lên là cường quốc khu vực' về cứu trợ nhân đạo và thảm họa
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho rằng, cách tiếp cận của nước này đã chuyển trọng tâm từ lấy cứu trợ làm trung tâm sang 'đa hướng', bao gồm phòng ngừa, chuẩn bị, giảm thiểu, ứng phó, cứu trợ và phục hồi.
Ngày 29/11, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho rằng, Ấn Độ đã nổi lên như một cường quốc khu vực và nhà cung cấp an ninh mạng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai của nước này cho người dân cũng như các đối tác khu vực đã tăng lên trong những năm gần đây.
Phát biểu tại cuộc diễn tập Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR) đa phương mang tên Samanvay (Hòa hợp) 2022 từ ngày 28-30/11 tại Agra, Uttar Pradesh, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nêu rõ: “Chúng tôi đã tăng cường quan hệ đối tác đa phương thông qua cam kết theo các cơ chế khu vực. Điều này đã cải thiện khả năng tương tác, cho phép phản ứng nhanh hơn trong các tình huống khủng hoảng”.
Theo ông Singh, châu Á, đặc biệt là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang trở nên dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Cho rằng mỗi quốc gia có năng lực ứng phó thiên tai, thảm họa, khác nhau, Bộ trưởng Singh nói, các nước cần tăng cường phối hợp, sẵn sàng một khi xảy ra sự cố.
Đồng thời, người đứng đầu Bô Quốc phòng Ấn Độ cũng nhấn mạnh, dự báo thiên tai phải đi kèm với phổ biến thông tin, chuyển người dân đến các địa điểm an toàn hơn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thay đổi nhằm trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan quản lý về thiên tai.
Cũng tại sự kiện, ông Singh cho biết, cách tiếp cận của Ấn Độ, sau khi xây dựng Chính sách quản lý thiên tai quốc gia, đã chuyển trọng tâm từ lấy cứu trợ làm trung tâm sang “đa hướng”, bao gồm phòng ngừa, chuẩn bị, giảm thiểu, ứng phó, cứu trợ và phục hồi.
Bên cạnh sự hiện diện của các cơ quan hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai của Ấn Độ, HADR năm nay cũng có sự góp mặt của đại diện các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).