Ấn Độ đau đầu với vấn nạn nhập cư bất hợp pháp
Vùng hẻo lánh Assam ở phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi những người lao động đang xây dựng một trại tập trung đầu tiên cho những người nhập cư bất hợp pháp với quy mô tương đương với 7 sân bóng.
Trại cho người nhập cư bất hợp pháp đầu tiên
Trại tập trung này có thể giam giữ lên tới 3.000 người. Theo các công nhân và nhà thầu, trại giam giữ sẽ có một trường học, một bệnh viện, một khu giải trí và khu vực dành cho lực lượng an ninh.
Trước đó, Assam đã công bố danh sách quốc tịch nhằm phân biệt và phát hiện người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, một số công nhân xây dựng trại cho biết họ không có trong danh sách quốc tịch mà Assam đã công bố. Điều đó có nghĩa là các công nhân có thể bị giam giữ tại nơi mình đang làm việc.
Shefali Hajong, một phụ nữ từ một ngôi làng gần đó, cho biết cô không có tên trong danh sách và sẽ tham gia với gần hai triệu người cần chứng minh họ là công dân Ấn Độ bằng cách xuất trình các tài liệu như giấy khai sinh và quyền sở hữu đất có từ hàng thập kỷ. Nếu họ không làm như vậy, họ có nguy cơ bị đưa đến các trại giam giống như trại đang được xây dựng.
Chính phủ nói rằng có hàng trăm ngàn người nhập cư bất hợp pháp ở Assam từ nước láng giềng Hồi giáo Bangladesh, nhưng thủ đô Dhaka (Bangladesh) đã từ chối cáo buộc này. Shefali, người thuộc bộ lạc Hajong bản địa, cho biết cô rất căng thẳng vì tình hình này vì cô không biết chính xác tuổi của mình và cho rằng mình khoảng 26 tuổi. Mẹ của cô cũng cho biết bà không có giấy khai sinh của Shefali. Cô và các công nhân khác kiếm được khoảng 4 USD một ngày, được coi là một mức lương khá trong khu vực nghèo đói.
Trại tập trung nằm gần thị trấn Goalpara và là một trong số khoảng 10 trung tâm giam giữ mà Assam đã lên kế hoạch. Shafikul Haq, một nhà thầu phụ trách xây dựng một khu vực nấu ăn lớn trong trại, cho biết mọi người đã đến đây mỗi ngày từ những ngôi làng gần đó.
Chiến dịch thống kê người có quốc tịch Ấn Độ tại Assam được được thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều năm về trước. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chiến dịch này nhắm vào những người Hồi giáo, ngay cả khi họ đã sống hợp pháp tại Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Nhiều người Ấn giáo, chủ yếu là người nghèo và không có học thức, cũng không có tên trong danh sách công dân được công bố tuần trước.
Bờ vực khủng hoảng
Tổ chức Ân xá quốc tế đề cập trong một tuyên bố: “Assam đang đứng trước bờ vực khủng hoảng, điều này không chỉ dẫn đến mất quốc tịch và sự tự do của một số đông nhóm người mà còn làm tổn hại đến các quyền cơ bản của họ - ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các thế hệ sắp tới”.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ gọi chiến dịch xác minh quốc tịch là một vấn đề nội bộ. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết những người không thuộc danh sách công dân Assam sẽ không bị giam giữ và sẽ tiếp tục được hưởng tất cả các quyền như trước cho đến khi họ sử dụng hết tất cả các biện pháp đền bù có sẵn theo luật.
G.Kishan Reddy, một quan chức chính phủ liên bang, nói với quốc hội rằng chính phủ đã công bố các hướng dẫn cho các trung tâm giam giữ. Các hướng dẫn này quy định xây dựng các tiện nghi cơ bản như điện, nước uống, vệ sinh, chỗ ở với giường, nhà vệ sinh đủ nước, thiết bị liên lạc và bếp.
Ông cho biết: “Phụ nữ/ bà mẹ cho con bú, trẻ em sẽ nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Trẻ em bị giam giữ trong các trung tâm sẽ được sinh hoạt tại các cơ sở giáo dục tại các trường học địa phương gần đó”.
Trại tập trung hay nhà tù?
Một sĩ quan cảnh sát cấp cao từ chối nêu tên cho biết trại ban đầu sẽ được sử dụng để giam giữ khoảng 900 người nhập cư bất hợp pháp đang bị giam giữ tại các cơ sở giam giữ trong các nhà tù Assam. Một nhóm từ Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Ấn Độ đã đến thăm hai trong số các cơ sở đó vào năm ngoái và cho biết những người người nhập cư bị giam giữ ở đó bằng một cách nào đó bị tước quyền mà họ đáng được hưởng.
Các công nhân làm việc tại công trường cho biết họ lo sợ sẽ bị giam giữ tại chính nơi mình đang làm việc. Tuy nhiên, với tình trạng khó khăn nghèo đói, họ cần một công việc để kiếm ăn. Chiến dịch thống kê người có quốc tịch và xây dựng các trại giam giữ đã làm dấy lên mối quan ngại về các vấn đề nhân quyền cơ bản có thể bị xâm phạm và gây ảnh hưởng tới thế hệ tương lai của Ấn Độ.