Ấn Độ sẽ không cho phép trung chuyển hàng hóa 'đội lốt' xuất xứ
Ấn Độ sẽ không cho phép các hoạt động bất thường và chuyển tải hàng hóa từ đất nước mình sang các khu vực khác trên thế giới. Đây là điều được bộ trưởng Công Thương Ấn Độ - Piyush Goyal nhấn mạnh trong một phát biểu ngày 25/4.
“Không bao giờ, chúng tôi không cho phép Ấn Độ trở thành tuyến đường chuyển tải cho các hàng hóa vi phạm các quy tắc xuất xứ, để các quốc gia khác đưa nguyên liệu vào Ấn Độ, chế biến một chút và cung cấp cho một quốc gia thứ ba, rồi gọi đó là sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ” - ông Piyush Goyal phát biểu tại một sự kiện của ngành công nghiệp, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đề cao cảnh giác.
Mặc dù Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Goyal không đề cập đến bất kỳ quốc gia nào, nhưng những phát biểu của ông được cho là có liên quan tới các động thái của Mỹ. Trước đó, hôm 22/4, Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance tuyên bố Mỹ tìm kiếm các đối tác thương mại trên cơ sở “công bằng” và không đóng vai trò là “trung gian” để chuyển tải hàng hóa từ các quốc gia khác. Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Cả hai nước đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại sớm.

Cảng nước sâu Mundra, thuộc vùng Kutch, bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ (Ảnh: ANI)
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Công Thương Ấn Độ còn cho biết, chính phủ nước này đã có thể bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước khỏi tình trạng “bán phá giá” và thép nhập khẩu chất lượng thấp. Hiện Ấn Độ đã áp thuế tự vệ 12% đối với thép nhập khẩu trong thời hạn 200 ngày. Tuy nhiên, ông kêu gọi các ngành công nghiệp ưu tiên các nhà cung cấp Ấn Độ và không nhập khẩu hàng hóa chỉ vì lợi ích nhỏ của mình mà gây bất lợi cho các nhà sản xuất Ấn Độ khác.
Giải pháp được Ấn Độ đưa ra để tìm kiếm khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho ngành thép là thông qua các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước này đang tham gia. Hiện, Ấn Độ đang đàm phán ít nhất 10-12 FTA với các quốc gia hoặc khối quốc gia, như Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài EU và Mỹ, Ấn Độ đang đàm phán các thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh, New Zealand, Peru, Chile và Oman. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại với Bahrain, Qatar hoặc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng đang được Ấn Độ cân nhắc.