Ấn Độ và Mỹ tăng tốc đàm phán thương mại

Cả Ấn Độ và Mỹ đều cam kết tăng tốc các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương (BTA), nhằm thúc đẩy sự hợp tác thương mại giữa hai quốc gia.

Ấn Độ và Mỹ tăng tốc đàm phán thương mại. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS

Ấn Độ và Mỹ tăng tốc đàm phán thương mại. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS

Cuộc đàm phán liên quan đến thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội để giải quyết những vấn đề về thuế quan mà hai nước đang phải đối mặt, đặc biệt là những mức thuế mà Mỹ đã áp đặt, các thỏa thuận này có thể giúp giảm thiểu hoặc xóa bỏ hoàn toàn những mức thuế quan đối với Ấn Độ.

Ngày 3/4, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết: "Các cuộc thảo luận giữa các nhóm đàm phán thương mại Ấn Độ và Mỹ đang diễn ra tích cực để hoàn tất một Hiệp định Thương mại Song phương đa ngành mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước. Chúng tôi vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Trump và hy vọng sẽ có những bước tiến đáng kể trong những ngày tới". Thông qua thỏa thuận này, cả hai quốc gia mong muốn không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa, mà còn giảm thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan, đồng thời thúc đẩy sự hội nhập của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một quan chức Ấn Độ cho biết, BTA có thể đóng vai trò như một chiếc cầu nối, mở ra cơ hội để hai quốc gia giải quyết vấn đề thuế quan một cách hòa bình và có lợi cho cả đôi bên. Quá trình đàm phán càng trở nên cấp bách khi Mỹ quyết định áp dụng mức thuế đối ứng 27% đối với hàng hóa Ấn Độ từ ngày 9/4/2025.

Vào tháng trước, một đoàn công tác Mỹ, dẫn đầu bởi Trợ lý đại diện thương mại Brendan Lynch phụ trách khu vực Nam và Trung Á, đã có chuyến thăm Ấn Độ để làm việc chi tiết về các phác thảo và điều khoản của hiệp định. Mục tiêu là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030, so với mức 191 tỷ USD hiện tại. Mặc dù hai bên đã đặt ra mục tiêu hoàn thành giai đoạn đầu của thỏa thuận vào mùa thu năm nay, nhưng do tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán thương mại, tiến trình này có thể kéo dài nhiều năm.

Một quan chức Chính phủ Ấn Độ chia sẻ: "Ấn Độ là quốc gia duy nhất mà chính quyền Tổng thống Trump đã cử đoàn đại diện tới để đàm phán thương mại. Chúng tôi hy vọng có thể vượt qua thách thức, bao gồm mức thuế đối ứng mà Mỹ sắp áp dụng, từ ngày 9/4". Quan chức này cũng nhấn mạnh với việc triển khai BTA, những lo ngại về tác động của thuế quan mới sẽ được giảm thiểu. Thêm vào đó, BTA sẽ bao gồm những yếu tố quan trọng của một hiệp định thương mại điển hình, như quy tắc xuất xứ và cam kết giảm thuế hải quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai quốc gia.

Năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ sang Mỹ bao gồm các chế phẩm thuốc, thiết bị viễn thông, đá quý, và sản phẩm dầu mỏ. Các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là dầu thô, máy móc điện, và vàng. Trong năm tài chính 2023-2024, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại đạt 119,71 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ đạt 77,51 tỷ USD.

Tính đến tháng 9/2024, Mỹ đã đầu tư trực tiếp 67,8 tỷ USD vào Ấn Độ, góp phần tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế và mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia trong tương lai.

Tạ Quang Trung (P/v TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-do-va-my-tang-toc-dam-phan-thuong-mai/368754.html