Ấn Độ và Trung Quốc chưa ấn định thời gian đối thoại quân sự tiếp theo
Trong cuộc họp Cơ chế Làm việc để tham vấn và phối hợp, Ấn Độ và Trung Quốc nhất trí hai bên sẽ tiếp tục đảm bảo sự ổn định trên thực địa và ngăn chặn bất kỳ sự cố không đáng có nào.
Một tuần sau khi Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý tổ chức cuộc đối thoại tiếp theo của các chỉ huy quân sự cấp cao để thảo luận việc giải quyết tranh chấp ở Đường Kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước, Ấn Độ cho biết đến thời điểm này hai bên vẫn chưa ấn định được thời điểm cho các cuộc đối thoại này.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tờ Hindustand Times ngày 3/7 cho biết thỏa thuận về việc tổ chức cuộc đối thoại tiếp theo của các chỉ huy quân đội là kết quả cụ thể duy nhất sau cuộc đối thoại dưới hình thức trực tuyến của Cơ chế Làm việc để tham vấn và phối hợp (WMCC) về các vấn đề biên giới vào ngày 25/6 vừa qua.
Tại cuộc họp WMCC tuần trước, giới chức hai nước đã "trao đổi một cách thẳng thắn" quan điểm về tình hình dọc theo LAC ở khu vực phía Tây.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi thông báo hai nước đã nhất trí duy trì đối thoại và liên lạc thông qua các cơ chế ngoại giao và quân sự để đạt được một giải pháp phù hợp nhằm chấm dứt xung đột, đảm bảo khôi phục hoàn toàn hòa bình, thúc đẩy tiến bộ trong quan hệ song phương.
Ấn Độ và Trung Quốc cũng nhất trí trong cuộc họp WMCC vừa qua rằng hai bên sẽ tiếp tục đảm bảo sự ổn định trên thực địa và ngăn chặn bất kỳ sự cố không đáng có nào.
Sau đợt rút quân và các đơn vị thiết giáp từ bờ Bắc và Nam của Hồ Pangong vào tháng 2 vừa qua, hai nước đã không đạt được bước tiến nào về việc rút quân và giảm leo thang tại các điểm xung đột khác như Depsang, Gogra và Hot Springs. Trong thời gian gần đây, giữa hai nước đã xảy ra khẩu chiến, đổ lỗi cho nhau về sự bế tắc kéo dài một năm của LAC.
Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5/2020 trong bối cảnh hai bên đã tăng cường thêm hàng nghìn binh sỹ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới.
Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500 km dọc dãy Himalaya và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn. Hơn 20 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đến đồng thuận về vấn đề biên giới./.