Ấn Độ và Trung Quốc đề xuất 'nhiều lộ trình' giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Ba quan chức của Chính phủ Ấn Độ đã tiết lộ với Reuters: Dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc, đất nước này đang cố gắng thuyết phục Nhóm G20 theo đuổi lộ trình cắt giảm lượng khí thải carbon, thay vì đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ - Chủ tịch đương nhiệm của G20, đang muốn giới thiệu khái niệm “nhiều lộ trình” tại hội nghị thượng đỉnh tháng 9 của G20. Theo một trong ba quan chức trên, ý định này đã nhận được sự ủng hộ từ những quốc gia như Trung Quốc và Nam Phi. Ba vị này từ chối tiết lộ danh tính, vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Theo họ, nhiều lộ trình chuyển dịch năng lượng sẽ giúp các quốc gia có thêm lựa chọn về nguồn tài nguyên, bao gồm cả than đá, trong lúc họ thực hiện những kế hoạch phát thải ròng bằng 0.
Theo thông tin từ một quan chức tham dự cuộc họp Nhóm làm việc về chuyển đổi năng lượng (ETWG) do G20 tổ chức vào tháng 4 ở bang Gujarat, Ấn Độ đã phản đối đề xuất của những nước giàu về việc đặt thời hạn chấm dứt hoạt động sử dụng than. Theo dữ liệu của chính phủ, than chiếm gần 3/4 sản lượng điện được sản xuất hàng năm ở Ấn Độ. Chưa kể, từ lâu, New Delhi đã luôn bảo vệ lựa chọn nhiên liệu sử dụng trong nước, với lý do lượng khí thải bình quân đầu người ở Ấn Độ thấp hơn so với những quốc gia khác.
Cũng theo vị quan chức giấu tên, Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ Ấn Độ, nói rằng Nhóm G20 không nên đặt ra thời hạn chấm dứt lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà nên tối ưu hóa “tất cả” những nguồn tài nguyên sẵn có của mình.
Hiện nay, Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia tiêu thụ than lớn nhất trên toàn thế giới.
Bộ Ngoại giao và Môi trường của Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi phỏng vấn của Reuters.
Bộ Điện lực Ấn Độ cũng từ chối bình luận. Bộ Môi trường và Năng lượng tái tạo không trả lời.
Vào tháng trước, những bộ trưởng về khí hậu từ Nhóm G7 đã đồng ý “đẩy nhanh hoạt động loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch chưa qua xử lý nhằm đạt được những hệ thống năng lượng phát thải ròng bằng 0 - muộn nhất vào năm 2050”.
Nhóm quan chức cho biết, đây là lần đầu tiên Ấn Độ sử dụng cụm từ “nhiều lộ trình” trong những cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu, trước tình hình những quốc gia phương Tây liên tục yêu cầu chấm dứt sử dụng than đá.
Một quan chức thứ hai cho biết, lối diễn đạt này phù hợp với nội dụng Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, vốn kêu gọi “thực hiện trách nhiệm chung nhưng phải khác biệt, tùy theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia”. Ông cho rằng những nước giàu không tính đến khía cạnh này khi yêu cầu loại bỏ dần than đá.
Một quan chức thứ ba tham dự cuộc họp cho biết: “Giờ đã xuất hiện một quan điểm mạnh mẽ, rằng mỗi quốc gia phải có những lộ trình riêng để đạt được những cam kết theo cách tốt nhất cho quốc gia của mình”.
Tại COP27, trước những lời kêu gọi về việc loại bỏ dần lối sử dụng than, Ấn Độ đã phản bác rằng điều này đồng nghĩa với việc bắt buộc loại bỏ dần tất cả những loại nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả khí đốt tự nhiên. Theo vị quan chức thứ ba, tại cuộc họp của G20 vào tháng trước, Ấn Độ tiếp tục nhấn mạnh vào nhiên liệu hóa thạch, thay vì than đá.
Ấn Độ và Trung Quốc - hai quốc gia đông dân nhất thế giới, thường thể hiện quan điểm chung tại bàn đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, mặc cho những tranh chấp dai dẳng ở vùng biên giới.
Vào tháng 3, Liên minh châu Âu cho biết sẽ ủng hộ chiến lược loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu trước khi Hội nghị thượng đỉnh COP28 diễn ra vào tháng 11 tại Dubai.
New Delhi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa những nhà lãnh đạo G20 vào tháng 9, với sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các quan chức đang họp chuẩn bị nhằm hoàn thiện lập trường của nhóm về những vấn đề toàn cầu, bao gồm cả biến đổi khí hậu.
Những thành viên của G20 bao gồm nhóm G7, cũng như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Úc, Arab Saudi và nhiều nước khác.