Ấn Độ và Trung Quốc thận trọng hóa giải căng thẳng biên giới

Sau nhiều năm đối đầu căng thẳng tại khu vực biên giới, Ấn Độ và Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu muốn cải thiện quan hệ song phương. Tuy vậy, giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều rào cản và thách thức chưa thể tháo gỡ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri tại cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN.

Theo BBC ngày 10/7, cốt lõi của căng thẳng giữa hai quốc gia nằm ở đường biên giới dài 3.440 km với địa hình hiểm trở, phức tạp, khiến nhiều khu vực đến nay vẫn chưa được phân định rõ ràng. Tình trạng này khiến binh sĩ hai bên thường xuyên giáp mặt, đôi khi dẫn đến xung đột. Khủng hoảng leo thang nghiêm trọng vào tháng 6/2020, khi binh lính hai nước đụng độ ở thung lũng Galwan thuộc khu vực Ladakh.

Tuy nhiên, những bất ổn về địa chính trị dường như đã thúc đẩy hai bên tìm kiếm điểm đồng trên một số vấn đề. Cuối năm ngoái, hai nước đạt được thỏa thuận tại những điểm nóng ở Ladakh. Đến tháng 1/2025, New Delhi và Bắc Kinh đồng ý khôi phục các chuyến bay trực tiếp và nới lỏng hạn chế thị thực được áp đặt sau vụ đụng độ năm 2020. Cũng trong tháng đó, sau 6 năm gián đoạn, các tín đồ Ấn Độ lần đầu tiên được phép hành hương tới núi thiêng Kailash và hồ thiêng Manasarovar ở Khu tự trị Tây Tạng.

Trên phương diện ngoại giao, các chuyến thăm gần đây của quan chức cấp cao Ấn Độ tới Trung Quốc được xem là tín hiệu tích cực trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng song phương. Cụ thể, vào cuối tháng 6/2025, Cố vấn An ninh Quốc gia Ajit Doval và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã đến Bắc Kinh để tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đáng chú ý, chuyến đi của ông Singh đánh dấu lần đầu tiên sau 5 năm mới có một quan chức cấp cao Ấn Độ tới Trung Quốc, cho thấy bước tiến nhất định trong việc nối lại đối thoại cấp cao giữa hai nước.

Từ góc độ thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác lớn thứ hai của Ấn Độ, với kim ngạch song phương đạt hơn 127 tỷ USD trong năm 2024. Ấn Độ phụ thuộc đáng kể vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là khoáng sản đất hiếm, do đó ổn định tại khu vực biên giới được xem là điều kiện cần thiết để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2, phải) và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval (thứ 2, trái) tại cuộc hội đàm ở Saint Petersburg, Nga ngày 12/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (thứ 2, phải) và Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Kumar Doval (thứ 2, trái) tại cuộc hội đàm ở Saint Petersburg, Nga ngày 12/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN.

Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi nhanh chóng, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đang xuất hiện nhiều khoảng cách. Theo Giáo sư Christopher Clary từ Đại học Albany (New York), New Delhi từng hy vọng trở thành đồng minh chiến lược của Washington, nhưng thực tế cho thấy nước này không nhận được mức độ ủng hộ như mong đợi.

Căng thẳng gần đây với Pakistan là một ví dụ điển hình. Khi xung đột biên giới bùng phát hồi tháng 5, ông Trump tuyên bố đã làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn, điều mà Ấn Độ bác bỏ, khẳng định chỉ đàm phán trực tiếp với Islamabad. Việc Tổng thống Mỹ sau đó tiếp đón Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan tại Nhà Trắng càng khiến New Delhi không hài lòng. Đồng thời, đàm phán thương mại song phương vẫn rơi vào bế tắc, trong khi Washington đe dọa áp thuế nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.

Bên cạnh đó, vai trò của Bộ tứ an ninh (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ hiện chưa được thể hiện rõ nét trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Dù từng được kỳ vọng là một cơ chế hợp tác chiến lược quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, QUAD thời gian qua ít được nhắc đến trong ưu tiên đối ngoại của Washington, khiến hiệu quả hoạt động của nhóm trở nên mờ nhạt hơn so với giai đoạn trước.

Trước những tín hiệu thiếu nhất quán từ phía Mỹ, cùng với lo ngại về mức độ cam kết thực sự của Washington trong các cơ chế đa phương, Ấn Độ được cho là đang chủ động nối lại đối thoại với Bắc Kinh như một bước đi chiến lược nhằm giảm thiểu rủi ro.

Ấn Độ hiện đang theo đuổi một cách tiếp cận thực dụng trong quan hệ với Trung Quốc, vừa duy trì đối thoại, vừa cố gắng không để bị xem là quá nhân nhượng. Theo ông Phunchok Stobdan, cựu đại sứ Ấn Độ tại Kyrgyzstan, New Delhi hiểu rằng việc nối lại quan hệ với Bắc Kinh là cần thiết, nhưng cũng phải tính đến yếu tố chính trị nội bộ, nơi bất kỳ dấu hiệu mềm mỏng nào trước Trung Quốc có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ công chúng và giới chính trị trong nước.

Trung Quốc thể hiện mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Ấn Độ, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thỏa hiệp về các tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là khu vực bang Arunachal Pradesh, nơi mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng.

Hiện tại, cả New Delhi và Bắc Kinh đều hiểu rằng tranh chấp lãnh thổ khó có thể giải quyết trong tương lai gần. Thay vào đó, hai bên đang hướng đến một mối quan hệ "cùng tồn tại" mang tính thực dụng, nhằm tránh leo thang căng thẳng và không phụ thuộc vào các liên minh toàn cầu.

Hải Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/an-do-va-trung-quoc-than-trong-hoa-giai-cang-thang-bien-gioi-20250710144626345.htm