'Ăn đong' đơn hàng, ngành gỗ tìm thị trường ngách qua khe cửa hẹp
Trước sự sụt giảm mạnh đơn hàng kéo dài ở thị trường truyền thống lớn như Mỹ, châu Âu… các doanh nghiệp đồ gỗ đã xoay xở khai thác thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông, Úc… hoặc quay trở về 'sân nhà'.
Tuy nhiên, con đường chinh phục những thị trường được đánh giá là tiềm năng này lại không hề dễ dàng, nhất là khi các nhà sản xuất vẫn chưa có đủ dữ liệu cùng sự nghiên cứu, hiểu biết về thị hiếu người tiêu dùng, tập quán hay môi trường kinh doanh.
Đến nước đông dân, “gõ cửa” các nước siêu giàu
Đứng trước diễn biến của thị trường truyền thống Mỹ (chiếm gần 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm), châu Âu, Nhật Bản… liên tục sụt giảm đơn hàng, ông Nguyễn Phương, CEO Công ty Minh Thành, cho rằng việc chủ động tìm kiếm khách hàng mới được xem là chìa khóa giúp công ty giữ được sự ổn định trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cụ thể, vào tháng 5 vừa qua, ông tham dự hội chợ tại Dubai và nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng. Các khách hàng từ Bắc Á, Trung Á, châu Phi đều tìm đến đây. “Mặc dù là thị trường ngách nhưng nếu khai thác tốt thì đây cũng có thể là thị trường chính cho ngành gỗ Việt Nam. Đặc biệt là quốc gia này đang phát triển rất mạnh về xây dựng nhà ở”, ông Phương chia sẻ.
Trên thực tế không riêng Minh Thành, các doanh nghiệp đồ gỗ và nội thất lớn Việt Nam như Trần Đức, Tập đoàn AA,… thời gian qua cũng đã ký hợp đồng mua gian hàng lớn ở các cuộc triển lãm nội thất phục vụ thị trường Dubai. Thông qua các triển lãm hội chợ này, các doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng cung ứng, giúp bù đắp sự sụt giảm đơn hàng của các thị trường truyền thống.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho rằng khu vực Trung Đông đang được xem như là điểm đầu tư của thập niên này. Đây là vùng đất đang được quy hoạch để xây dựng các siêu dự án.
Tiêu biểu có thể kể tên như siêu dự án NEOM tại Arab Saudi với 4 tổ hợp Sindalah, The Line, Trojena và Oxagon; siêu dự án The Mukaab (New Murabba) trị giá 800 tỉ đô la Mỹ; siêu dự án Mirror Line vốn đầu tư 1.000 tỉ đô la…
“Tất cả các dự án, đều cần nội thất, và còn là nội thất phân khúc cao cấp”, vị Chủ tịch HAWA nhận định, và cho biết các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam cũng đang mở rộng sự hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng khu vực này, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
Tương tự, bà Trần Như Trang, đại diện Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sĩ (SIPPO) tại Việt Nam, cũng chỉ ra những thị trường mới rất tiềm năng cho ngành gỗ Việt Nam như Trung Đông, Ấn Độ, Úc, Canada, ASEAN.
Trong đó, theo bà Trang, thị trường Trung Đông có tốc độ tăng trưởng rất nhanh cùng sự đa dạng về văn hóa và người dân sẵn sàng trả giá cao để mua các sản phẩm chất lượng tốt. Thị trường Canada cũng có mức độ chi tiêu cho đồ gỗ nội và ngoại thất khá cao và thị trường cũng đang có dấu hiệu ấm lên đối với các hoạt động xây và sửa chữa nhà…
Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại UAE cũng cho thấy, nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi các quốc gia thuộc khu vực này gần như không sản xuất đồ nội thất. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam khai thác, phần nào bù đáp cho đơn hàng sản xuất bị giảm sâu.
Tìm đến thị trường “ngách”, linh hoạt xoay xở
Trên thực tế, do các thị trường xuất khẩu lớn bị giảm sâu từ giữa năm ngoái đến nay, các doanh nghiệp không thụ động mà tìm cách xoay xở, khai thác thị trường khắp nơi, ngay cả các thị trường ngách nhỏ lẻ hoặc quay trở về “sân nhà” với gần 100 triệu dân,… nhằm tạo việc làm cho người lao động và duy trì sản xuất.
Mỗi doanh nghiệp có cách ứng phó riêng để duy trì sản xuất và tồn tại trong tình hình thị trường đầy khó khăn, người dân khắp nơi thắt chặt chi tiêu.
Ông Vũ Tiến Thập, CEO Công ty D’Furni, cho biết D’Furni so với các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, hiện công ty ông đang kinh doanh trong một phân khúc khác biệt. Đó là cung ứng cho các dự án. Theo đó, D’Furni cung cấp theo số lượng cho từng dự án với thiết kế rất riêng biệt.
Đơn cử như một khách sạn 800 phòng, văn phòng làm việc của 1.000 nhân viên, hay một trường học có 5.000 học sinh… Với đặc thù riêng của từng dự án, yêu cầu việc vận hành khá khó và không nhiều nhà máy chọn phân khúc này để kinh doanh.
Nói về việc lựa chọn phân khúc hẹp trên, ông Vũ Tiến Thập cho biết suốt giai đoạn khó khăn vừa qua, trong khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nhưng các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn vẫn triển khai các dự án, nhờ đó xuất khẩu sản phẩm cho dự án ít bị tác động hơn.
Có thể kể đến các cơ hội cho nội thất dự án trong thời gian tới như World Cup 2026 sẽ diễn ra tại Bắc Mỹ, các khách sạn, nhà hàng khu vực này sẽ đồng loạt sửa chữa, làm mới lại để đón khách du lịch. Theo ông, nếu tận dụng tốt, khả năng tham gia cung ứng cho các khách hàng ở đây của doanh nghiệp Việt là rất lớn khi Trung Quốc chỉ mới mở cửa trở lại và đồ gỗ, nội thất Trung Quốc vẫn đang bị Mỹ áp thuế 25%.
Nhờ đó mà thời gian qua nhà máy sản xuất của D’Furni vẫn có nhiều việc cho người lao động. Đáng chú ý, tháng 5 vừa qua, doanh nghiệp này cũng mới xây thêm một nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai.
Trong khi đó, bên cạnh tìm thị trường mới xa nhưng nhiều tiềm năng như Trung Đông và Ấn Độ…, thời gian qua Công ty TNHH Kettle Interiors Asia đồng thời quay về thị trường nội địa để phần nào gỡ gạc lượng đơn hàng sụt giảm mạnh.
Ông Cao Văn Đồng, Tổng giám đốc công ty cho biết tham gia thị trường nội địa, công ty không mở cửa hàng mà chỉ kinh doanh qua thương mại điện tử và tận dụng cửa hàng trưng bày sản phẩm xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Bình Dương nên không tốn kém nhiều chi phí.
Ngược lại nhờ tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân trong nước mà mỗi tháng công ty cũng tạo được doanh thu hơn 1 tỉ đồng, đồng thời duy trì được việc làm cho hơn 400 người lao động.
Trên thực tế, các doanh nghiệp của ngành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ… để thích ứng với tình hình mới và đầy khó khăn hiện nay.
Mạnh mẽ, kiên trì vượt khó
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng ở góc nhìn tích cực, trong bối cảnh khó khăn do thị trường suy giảm, doanh nghiệp càng phát huy sự chủ động, tính thích ứng, điều này giúp họ mạnh mẽ hơn.
“Một mặt, doanh nghiệp ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới”, ông Khanh chia sẻ.
Dù vậy, tình hình không hề dễ dàng bởi lẽ sự chuyển hướng và các giải pháp trên chỉ tạm thời và phù hợp số ít doanh nghiệp, không dành cho số đông. Đơn cử như tiến vào thị trường Ấn Độ hay “gõ cửa” ở những nước siêu giàu thuộc khu vực Trung Đông chỉ phù hợp với một số doanh nghiệp.
Với thị trường Ấn Độ dù theo số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 4 tháng năm 2023 đạt 21,19 triệu đô la Mỹ, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (7,6 triệu đô la). Mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là MDF, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường Trung Đông tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2023. UAE là thị trường chính, 4 tháng đầu năm 2023 đạt 11,2 triệu đô la, tăng 38% so với năm 2023.
Dù đang là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của ngành gỗ, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp trong ngành, tại thị trường Ấn Độ thị hiếu tiêu dùng khác với châu Âu và Mỹ. Sản phẩm sử dụng là hàng “may đo” và không phù hợp với sản xuất của nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Hiện nay chỉ có giới trẻ tại Ấn Độ mới sử dụng các mặt hàng giống như các nước phương Tây, tuy nhiên, tỷ lệ này còn rất thấp.
Mặt khác, xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường Ấn Độ có thể tăng, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu sang thị trường tỉ dân này với sản phẩm Việt Nam còn rất nhỏ. Cụ thể lâu nay Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang Ấn Độ với con số 20 triệu đô la/năm, nếu giờ có tăng 3 lần thì cũng chỉ đạt con số 60 triệu đô la/năm, một con số còn quá nhỏ so với giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ 8-9 tỉ đô la/năm.
Tương tự, đối với thị trường UAE – thị trường không lớn, còn những dự án lớn thì các tập đoàn lớn của nước ngoài đã chiếm lĩnh. Do đó, để có thể chen chân tham gia vào các dự án này đòi hỏi quy mô doanh nghiệp phải thật sự lớn và có năng lực thật mạnh mới có thể cạnh tranh được. Tức thị trường này cũng chỉ dành cho số rất ít doanh nghiệp, không thể đại trà. Đó là chưa kể tập quán, môi trường kinh doanh của khu vực này chưa quen với nhiều doanh nghiệp Việt.
Trong khi đó, việc quay trở về thị trường nội địa với gần 100 triệu dân trong nước theo nhiều doanh nghiệp nghe đơn giản nhưng cũng không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp cho rằng có kết quả kinh doanh cao như trường hợp tại Công ty Kettle Interiors Asia nói trên là khá may mắn và mang tính cá biệt. Bởi lẽ hiện tại thị trường trong nước cũng gặp khó khăn tương tự như các thị trường xuất khẩu trên thế giới khi mà lạm phát tăng cao, người dân phải thắt chặt chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu như mua sắp đồ gỗ.
Đó là chưa kể nếu doanh nghiệp không nghiên cứu kỹ thị trường, xu hướng tiêu dùng mà chỉ lấy mẫu mã và nguyên liệu sản xuất ở các thị trường xuất khẩu áp vào thị trường nội địa thì rất khó tồn tại. Bởi lẽ văn hóa, thị hiếu tiêu dùng của mỗi quốc gia, khu vực rất khác nhau. Tùy đặc điểm, văn hóa và khí hậu của quốc gia, vùng miền mà nhà sản xuất sử dụng nguyên vật liệu phù hợp.
“Việc sử dụng hàng hóa xuất đi Mỹ hoặc châu Âu để bán ở thị trường nội địa là không hề dễ dàng. Bởi lẽ thị hiếu tiêu dùng cho dòng sản phẩm nội – ngoại thất ở thị trường châu Âu và Mỹ là khác với người tiêu dùng Việt. Đó là chưa kể khí hậu của mỗi nước khác nhau, thậm chí là trái ngược với khí hậu ở Việt Nam nên chất liệu, vật liệu, phụ kiện… cho sản xuất sản phẩm cũng không giống nhau”, ông Nguyễn Văn Sang của Viet Products lưu ý.
Mặt khác, trên thực tế trong một thời gian dài, ngành sản xuất đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chú trọng xuất khẩu và dường như đã bỏ quên “sân nhà” với doanh số hàng tỉ đô la Mỹ. Điều này khiến cho thị trường gỗ nội thất trong nước đang bị lấn át bởi sản phẩm nhập khẩu hay được sản xuất theo mẫu mã nhập từ nước ngoài, nhất là sản phẩm giá rẻ, bình dân từ Trung Quốc.
Trên thực tế thị trường trong nước từ bình dân đến cao cấp và sang trọng trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát, An Cường, Thiên Ân, Kim Thành, AA Corporation, Công ty AHD, Phố Xinh… cũng đã khai thác tốt ở thị trường nội địa.
Dù vậy, sản phẩm trong nước chưa cạnh tranh với hàng nhập khẩu ở mảng bán lẻ, nhất là ở phân phúc bình dân mà chỉ đi vào phân khúc trung – cao cấp, hoặc vào một số công ty, công trình, dự án, trường học… Ở phân khúc phổ thông chỉ có các làng nghề, các doanh nghiệp nhỏ mới tham gia sản xuất hàng nội thất với quy mô nhỏ, còn các doanh nghiệp gỗ có quy mô lớn thường chỉ chú trọng xuất khẩu.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ nếu sản xuất hàng bán trong nước thì số lượng nhỏ mà chưa biết có bán được không. Ngoài ra, mạng lưới phân phối của doanh nghiệp gỗ trong nước không có, nên cạnh tranh bán lẻ là rất khó… Ngoài ra, hiện hầu hết các linh phụ kiện sản xuất đồ gỗ nội thất đều được nhập khẩu từ Trung Quốc là mất lợi thế trên sân nhà.
Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã có những thay đổi mạnh mẽ nhằm khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Dù vậy, khó khăn lớn nhất là chưa tạo mạng lưới liên kết với các công ty phân phối sản phẩm để người tiêu dùng biết tới; chưa tạo ra được những sản phẩm đa dạng, có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, hệ thống phân phối và đáng chú ý là giá bán hợp lý.
“Điều cần nhất lúc này là doanh nghiệp phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi”, ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế phát triển và cố vấn chiến lược cho doanh nghiệp tư vấn.
Là thành viên của của Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới 3Horizons tại London, Anh Quốc, dựa vào kinh nghiệm ứng phó từ các đợt suy thoái kinh tế trước đây, ông Chương cho rằng, những sụt giảm của ngành nội thất nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung là hệ lụy của nhiều yếu tố tiêu cực nhưng cơ hội tăng trưởng vẫn có để doanh nghiệp có thể đón đầu. Theo ông Chương, sự cộng hưởng của những biến động tiêu cực của thế giới đã khiến thế giới vận hành theo một cách thức hoàn toàn mới, luật chơi mới, nên người chơi cũng phải mới để thích ứng kịp thời.
Một trong những “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường. Chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.