Ăn đủ chất để không thiếu máu lúc mang thai

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những năm qua tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai ở nước ta có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể, tỉ lệ này giảm từ 36,5% (2010) xuống còn 32,8% ( 2015), và 25,6% (2020). Tuy nhiên con số này vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra (vào năm 2020 còn 15%).

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia phân tích, thiếu máu không chỉ ảnh hưởng không tốt đến thai phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ sau này.

Trên thực tế có nhiều nguyên nhân có thể gây thiếu máu nhưng nguyên nhân chủ yếu của thiếu máu và thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai là do chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu. Nhu cầu sắt của phụ nữ có thai cao hơn để cung cấp cho thai nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến.

Theo chuyên gia, thiếu máu ở phụ nữ mang thai gây nên tình trạng thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt ở một số cơ quan như tim, não...có thể gây những hậu quả nặng nề cho mẹ và con. Đối với mẹ dễ sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, ối vỡ sớm, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản.

Đối với con nhẹ cân, sinh non tháng, suy thai, thời gian điều trị hồi sức kéo dài, dễ mắc bệnh sơ sinh hơn so với trẻ không thiếu máu. Con của những bà mẹ thiếu máu giai đoạn sớm của thai kỳ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.

Để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu vi chất dinh dưỡng, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ cần chủ động có chế độ ăn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, bổ sung viên sắt và acid folic, kiểm soát tình trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột và sốt sét.

Sắt có nhiều trong thịt bò, cá, gan, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau ranh...; Sắt từ thức ăn nguồn gốc động vật sẽ hấp thu tốt hơn sắt từ nguồn gốc thực vật. Trứng gà là nguồn thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng như protein, can xi, photpho, sắt, chất khoáng và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của thai phụ.

Ngoài việc lựa chọn các thực phẩm giàu chất sắt từ nguồn thức ăn động vật, còn cần phối hợp với các loại trái cây tươi giàu vitamin C sau bữa ăn như: cam, bưởi, thanh long, táo... sẽ giúp hấp thu sắt tốt hơn.

Hương Thảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/an-du-chat-de-khong-thieu-mau-luc-mang-thai-559814.html