An Giang cải cách để phát triển nền hành chính
Cải cách hành chính (CCHC) là nội dung quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, duy trì sự phát triển của đất nước, địa phương. Kỳ vọng càng nhiều, áp lực càng lớn. Do vậy, cả hệ thống chính trị cần tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn.
Điểm sáng cải cách
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác CCHC của tỉnh ngày càng thiết thực, nâng cao, gắn với chuyển đổi số; lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh. Chỉ số CCHC tỉnh An Giang năm 2022 (Chỉ số PAR Index) đạt 84,22 điểm, xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so năm 2021) - thuộc nhóm B (nhóm điều hành tốt) và xếp hạng 7/13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ An Giang Trương Long Hồ, kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao trong thực thi công vụ. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước; thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến xã. Các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo đề án, chủ trương của UBND tỉnh…
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là tiền đề để thực hiện các nội dung cải cách khác, như: Nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao trình độ, thay đổi thói quen, cách làm của cán bộ, công chức; phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc cho người dân, DN; chuyển đổi số và thực hiện chính phủ điện tử…
Mô hình “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn” trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, DN được thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp huyện, xã trong tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Sở Tài chính An Giang là đơn vị đứng đầu Chỉ số CCHC các sở, ngành tỉnh năm 2022. Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Điền Tân cho biết: “CCHC góp phần nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh đã giao vốn ngay khi có quyết định của Trung ương và HĐND tỉnh, để chủ đầu tư chủ động thực hiện; phối hợp các cấp, ngành vào cuộc, trong đó đề cao vai trò người đứng đầu; lưu ý chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công. Từ đầu năm, UBND tỉnh thành lập tổ công tác đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công”.
Hướng về người dân, doanh nghiệp
Cùng với đó, mỗi đơn vị, địa phương có cách làm hay, hiệu quả, như: Ngành y tế vận hành “Kios thông minh” tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang, rút ngắn quy trình nhận, khám và điều trị bệnh nhân. Sở Giao thông vận tải chuyển giao TTHC thuộc thẩm quyền cho 11 UBND cấp huyện và 156 UBND cấp xã trực tiếp tiếp nhận, giải quyết, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân, DN. Trong “Ngày thứ sáu giúp dân”, Công an TP. Long Xuyên hỗ trợ thực hiện TTHC lĩnh vực cư trú chỉ 1 ngày (thay vì 2 - 3 ngày trước đây).
Ở huyện biên giới An Phú, công tác CCHC hướng đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, DN. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Lê Thanh Phương cho biết: “UBND huyện chỉ đạo các ngành, UBND xã, thị trấn triển khai mô hình hiệu quả, như: Phân công cán bộ không chuyên trách luân phiên viết hộ cho người dân tại xã Phước Hưng; cử cán bộ ấp trực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tận nhà cho người dân tại xã Vĩnh Hội Đông; chuyển giao nhân viên bưu điện trực tiếp nhận và trả kết quả tại nhà cho người dân thị trấn Đa Phước; Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân tự nộp hồ sơ giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại xã Nhơn Hội...”.
Có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, anh Ana (đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, ngụ xã Khánh Bình, huyện An Phú) cho biết: “Hôm nay, tôi đến thực hiện lý lịch tư pháp để làm việc trong Ban Quản trị Thánh đường. Được nhân viên tận tình hướng dẫn, tôi làm thủ tục nhanh chóng, đơn giản”.
Bà Trương Thị Khưng (dân tộc thiểu số Khmer, ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) bày tỏ sự hài lòng: “Tôi muốn xác nhận quốc tịch Việt Nam để được nhập hộ khẩu chung với cha mẹ ruột, đủ điều kiện cho con xin việc làm. Chạy hơn 100km đến đây, không biết cách thức thủ tục thế nào, nhưng tôi được hướng dẫn tận tình, mọi hồ sơ nhanh chóng, tôi mừng lắm”.
Điểm cản đáng lo
Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang, mặc dù rất nỗ lực, nhưng kết quả các chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh giảm so các năm trước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt 62,37 điểm, xếp hạng 54/63 (giảm 34 bậc). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 41 điểm, xếp hạng 44/63 (giảm 12 bậc so năm 2021, nằm trong nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp; xếp hạng 6/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL). Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 7,92 điểm (mất 2,08 điểm), xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố.
Tuy xếp hạng CCHC năm 2022 tăng so năm 2021, vẫn nằm trong nhóm điều hành tốt (chỉ số đạt trên 80%), nhưng tỉnh vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra là “nằm trong nhóm 20”. Chỉ số SIPAS và kết quả điều tra xã hội học đối với lãnh đạo, quản lý đánh giá công tác CCHC của tỉnh đều thấp hơn mức điểm bình quân cả nước.
Công tác triển khai quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế: Trang thiết bị phục vụ (máy scan, chứng thư số) chưa đầy đủ; số lượng hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa chưa đầy đủ… Hồ sơ giải quyết TTHC trễ hạn vẫn còn. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong quý I/2023, có 5 hồ sơ trễ hạn (giảm 13 hồ sơ so cùng kỳ năm 2022); nguyên nhân thuộc về cán bộ chuyên môn…
Mặt khác, nhận thức của một bộ phận người nộp thuế về cơ chế “tự khai, tự tính, tự nộp, tự chịu trách nhiệm” còn thụ động, chờ hướng dẫn của cơ quan nhà nước, nên phải đi lại nhiều lần để nộp thuế. Trục kết nối liên thông của ngành thuế với các cơ quan khác được thực hiện tập trung tại Tổng cục Thuế, nên khi triển khai Đề án 06/CP, kết nối và chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Thuế tỉnh phải xin ý kiến và chờ hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
“Điều này cho thấy, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà các ngành, các cấp phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa mới có thể đưa An Giang trở lại nhóm tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số CCHC tốt trong cả nước” - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trăn trở.
Tăng cường vai trò người đứng đầu
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu sở, ban, ngành, UBND cấp huyện quyết liệt thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và tỉnh. Tiếp tục chủ động thực hiện tốt kế hoạch CCHC của tỉnh; tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC và chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công vụ.
Sở Nội vụ tiếp tục triển khai Đề án xác định Chỉ số CCHC và đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố. Tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp sở, ngành và UBND cấp huyện triển khai, hoàn thành tốt các nội dung của lĩnh vực “Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số”, đẩy mạnh chuyển đổi số…
Cần thêm sáng tạo, quyết tâm
Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh, từng ngành, địa phương đang khẩn trương xây dựng giải pháp khắc phục hạn chế dẫn đến mất điểm của chỉ số CCHC năm 2022; tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến CCHC trong thực thi công vụ, cải cách TTHC, chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Trong đó, tăng cường số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, tạo điều kiện cho người dân, DN tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh truyền thông, phổ biến chủ trương, chính sách CCHC đến người dân. Không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, cung cấp dịch vụ công; hướng tới việc giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Sở Nội vụ sẽ thành lập các tổ công tác, trực tiếp xuống xã, phường, thị trấn… để kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức khi thực hiện TTHC. Các ngành phối hợp triển khai đồng bộ giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu về thu hút đầu tư; 100% hồ sơ tiếp nhận được giải quyết đúng hạn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã)...
Kết quả CCHC phụ thuộc lớn vào vai trò, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức - những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Cán bộ, công chức là mắt xích quan trọng, không thể thiếu của nền hành chính nhà nước, là chủ thể quan trọng trong quá trình CCHC. Do vậy, muốn tháo gỡ điểm cản về CCHC, phải bắt đầu từ mắt xích quan trọng này. Tỉnh đề ra giải pháp tạo môi trường, điều kiện nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỷ cương công vụ của cán bộ, viên chức theo tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”; mạnh dạn đề xuất sáng kiến, giải pháp mới có tính đột phá, với quyết tâm đổi mới sáng tạo.
Toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác CCHC ở 7 lĩnh vực với 64 nhiệm vụ, gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.