An Giang đồng hành xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Với lợi thế lớn về sản xuất lúa gạo, An Giang là địa phương tiên phong và tích cực tham gia xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì thực hiện. Tỉnh còn đăng ký thành lập Trung tâm sản xuất, phân phối lúa gạo của vùng ĐBSCL, thể hiện vai trò chủ lực trong xây dựng hệ sinh thái lúa gạo, nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân từ cây lúa.

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham vấn ý kiến, hoàn thiện nội dung và phương thức tổ chức Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh (Đề án 1 triệu ha lúa), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án này như đánh “trúng” vào nỗi trăn trở của An Giang bấy lâu nay - địa phương đứng nhất, nhì cả nước về sản lượng lúa nhưng nông dân chưa thật sự làm giàu từ cây lúa. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh sẽ đăng ký tham gia 200.000ha trong Đề án 1 triệu ha lúa, tập trung vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

An Giang hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào thành công của ý tưởng này. Toàn tỉnh có khoảng 30.000ha sản xuất lúa giống, với 20 doanh nghiệp (DN) đang tham gia liên kết. Khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa, tỉnh sẽ có thêm sự hỗ trợ của các viện, trường, chuyên gia có kinh nghiệm, đảm bảo duy trì được diện tích sản xuất lúa giống. An Giang còn có sự trợ lực lớn từ 5.000 hộ nông dân chuyên sản xuất lúa giống và có thể lai giống, thuận lợi cho tỉnh khi triển khai đề án.

Để Đề án 1 triệu ha lúa thực hiện thành công, ông Lâm cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN dễ dàng tiếp cận vốn, chính sách đất đai; cần sự đồng hành tham gia của nhiều bên liên quan, như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội ngành hàng… “Quỹ đất công của tỉnh An Giang đã gần hết, nếu không có chính sách đột phá, đặc thù dành cho DN, việc liên kết chỉ dừng lại ở diện tích giới hạn, DN sẽ không đủ tiềm lực đầu tư nhà máy chế biến” - ông Lâm trăn trở.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, mục tiêu chính của Đề án 1 triệu ha lúa là tổ chức lại sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực lúa gạo. Khi thực hiện nhiệm vụ giữ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực thì phải nâng giá trị cây lúa, giúp người trồng lúa tăng thu nhập, chứ không phải cứ chịu thiệt thòi. “Vấn đề quan trọng đối với các địa phương vùng ĐBSCL là xây dựng được vùng nguyên liệu. Với các DN khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa cần xác định trách nhiệm là phải gắn kết với bà con nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu bởi thực tế hiện nay, rất ít DN lúa gạo xây dựng được vùng nguyên liệu riêng” - ông Nam phân tích.

Với Đề án 1 triệu ha lúa, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng, sản lượng khoảng 6,2 triệu tấn lúa (3,8 triệu tấn gạo). Qua đó, thúc đẩy lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%; giảm lượng lúa giống xuống còn 80kg/ha và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%. Trong khi đó, tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 80%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%.

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL sẽ tăng lên 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (7,7 triệu tấn gạo). Tham gia đề án, lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; tỷ lệ diện tích áp dụng GAP và tương đương được công nhận đạt 100%; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%.

Để xây dựng vùng lúa chất lượng cao, Đề án 1 triệu ha lúa đưa ra 5 tiêu chí về vùng sản xuất, sản xuất lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh, DN tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ và hợp tác xã (HTX) tham gia đề án. Trong đó, vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao phải là vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa nước ổn định, có hệ thống đê bao hoàn chỉnh, hạ tầng giao thông tốt phục vụ cơ giới hóa các khâu.

Vùng sản xuất lúa chất lượng cao phải đảm bảo tổ chức sản xuất giống hoặc đặt hàng các tổ chức, DN đủ năng lực sản xuất, cung ứng giống lúa cấp xác nhận. Bộ giống lúa ưu tiên sử dụng là giống lúa thơm, lúa chất lượng cao được thị trường trong nước chấp nhận và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. DN khi tham gia đề án phải đảm bảo có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dài hạn từ 2 năm trở lên với HTX. Các HTX khi tham gia thì điều kiện đầu tiên phải có đất chuyên trồng lúa phù hợp với tiêu chí của vùng sản xuất...

Tổng đầu tư dự kiến cho Đề án 1 triệu ha lúa giai đoạn 2023-2030 trên 40.000 tỷ đồng. Nông dân tham gia liên kết là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, với chính sách đề xuất 30% chi phí mua giống lúa xác nhận ở định mức lượng giống sử dụng 80kg/ha trong 4 vụ đầu liên tiếp. Đặc biệt, nông dân được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/đồng vụ trong thời gian tham gia liên kết.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-dong-hanh-xay-dung-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-a354799.html