An Giang giữ gìn và phát triển nghề nước mắm truyền thống Phú Quốc
Với lịch sử 200 năm, nước mắm Phú Quốc, tỉnh An Giang đã trở thành sản phẩm nổi tiếng, niềm tự hào của người dân 'đảo Ngọc' nói riêng và người dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Nhà thùng làm nước mắm ở đặc khu Phú Quốc
Từ những ngày đầu khai thiên lập địa, khi cư dân từ đất liền tìm đến vùng biển đảo hoang sơ Phú Quốc để lập nghiệp, họ đã mang theo tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo và đậm đà bản sắc.
Trong hành trình đó, nước mắm không chỉ là một sản phẩm, mà là một biểu tượng, một phần máu thịt, gắn bó sâu sắc với đời sống người dân đảo. Từ con cá cơm tươi rói ngoài khơi, qua bàn tay của những nghệ nhân với bí quyết truyền đời, sau hàng trăm ngày ủ chượp, nước mắm Phú Quốc ra đời – trong suốt như hổ phách, thơm nồng tự nhiên và đậm đà hồn Việt.
Theo nhiều nguồn tài liệu, nghề làm nước mắm tại Phú Quốc đã có lịch sử hơn 200 năm. Từ trước năm 1945, người dân đảo đã biết dùng nguồn cá cơm phong phú quanh đảo để sản xuất nước mắm theo phương pháp ủ chượp tự nhiên; tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn thấp; phương tiện, kỹ thuật sản xuất chủ yếu là thủ công, chất lượng nước mắm đạt cao nhất từ 250 - 280 đạm.
Từ sau những năm 1945, nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển và hưng thịnh; phương tiện, kỹ thuật sản xuất được cải tiến hiện đại, sản lượng và chất lượng nước mắm ngày càng nâng cao, đạt từ 250 - 400 đạm, đến nay trên 400 đạm.
Cái đặc biệt của nước mắm Phú Quốc không chỉ nằm ở nguyên liệu là cá cơm tươi đánh bắt từ vùng biển sạch giàu sinh thái, mà còn nằm ở kỹ thuật ủ chượp trong thùng gỗ bời lời – loại gỗ rừng đặc trưng của đảo, giữ cho nước mắm hương vị thanh tao, vị mặn ngọt hài hòa.
Trải qua bao thăng trầm, nghề nước mắm vẫn vững vàng, dù từng bị lấn át bởi các loại nước chấm công nghiệp. Nhưng chính phẩm chất kiên cường, chính tình yêu nghề, chính niềm tin vào giá trị truyền thống đã giúp các doanh nghiệp, nhà thùng nơi đây kiên trì giữ lửa.
Không chạy theo số lượng, mà luôn xem trọng chất lượng. Không bị thị trường hóa lấn át, mà từng bước khẳng định được thương hiệu bằng uy tín và giá trị thật.
Nước mắm Phú Quốc không chỉ là thương hiệu quốc gia mà còn là một biểu tượng văn hóa mang tầm vóc quốc tế. Năm 2013, sản phẩm nước mắm Phú Quốc được vinh dự trở thành sản phẩm Việt Nam đầu tiên được Liên minh châu Âu cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý tại 28 quốc gia.

Festival nước mắm Phú Quốc truyền thống trăm năm” lần thứ nhất năm 2025 được tổ chức ngày 26.6.2025
Năm 2021, Bộ VHTTDL công nhận “Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian - nghề làm nước mắm Phú Quốc” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là dấu mốc quan trọng, đưa nước mắm Phú Quốc bước ra thế giới với một vị thế hoàn toàn mới – không chỉ là một loại gia vị, mà là một phần trong câu chuyện văn hóa di sản và ẩm thực toàn cầu.
Ngày nay, sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã có mặt tại nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Không chỉ là một sản phẩm thương mại, nước mắm còn là đại sứ văn hóa ẩm thực Việt, được giới đầu bếp, chuyên gia ẩm thực và người tiêu dùng nước ngoài đánh giá cao.
Tự hào với giá trị mà nước mắm Phú Quốc mang lại, chúng ta càng không được chủ quan, vì chính sự thành công ấy càng đòi hỏi sự chuẩn hóa trong quy trình sản xuất, sự đồng bộ trong quản lý thương hiệu, và hơn hết là sự đoàn kết, hợp tác của toàn ngành – từ các nhà thùng truyền thống đến doanh nghiệp phân phối và cơ quan quản lý nhà nước.