An Giang hội đủ yếu tố 'chuyển mình'
Sở hữu đầy đủ địa hình đồng bằng, đồi núi, biển đảo và biên giới, An Giang hội tụ tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, logistics và du lịch. Đây là thời cơ để tỉnh bứt phá, trở thành vùng kinh tế năng động của quốc gia.
Ngày 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học về Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030. Tại đây, các lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận, làm rõ 10 nhóm vấn đề trọng tâm, hướng đến mục tiêu năm 2030.
Theo đó, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước, là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia. Đồng thời, đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế, vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái…

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, An Giang cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết.
Vùng đất mới
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang sau hợp nhất là trên 8,1%, là một trong 17 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 8%. Với diện tích hơn 9.888 km2, dân số gần 3,7 triệu người, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ tạo ra thị trường tiêu dùng nội địa rộng mà còn thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Bí thư tỉnh An Giang, tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, vùng biển rộng hơn 63.000 km2, đường bờ biển hơn 200km, tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia gần 148km, thuận lợi giao thương quốc tế. Hệ thống đô thị phát triển, đặc khu Phú Quốc, cụm động lực Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên và 2 cảng hàng không kết nối quốc gia và quốc tế. Đây là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc, với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: Kinh, Khmer, Chăm, Hoa…
“An Giang đang đứng trước một thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động khi hội tụ đủ các yếu tố “đồng bằng - đồi núi - biển đảo - biên giới”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics, du lịch và đô thị thông minh, nhất là du lịch biển chất lượng cao”, Bí thư tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang sau hợp nhất là trên 8,1%, là một trong 17 tỉnh có tốc độ tăng trưởng trên 8%.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, An Giang - Kiên Giang hợp lực trong dáng hình của tỉnh An Giang mới, không chỉ là mở rộng về diện tích, địa giới, mà là một không gian cơ hội mới. An Giang giờ vừa là đầu nguồn, vừa là cuối sông. Vừa có đất ngập nước, đất chuyển tiếp ra biển, là vùng sản xuất, vừa là hệ sinh thái đa dạng, độc đáo.
“An Giang giờ đây là vùng đất hội tụ giữa rừng tràm, đất phèn, đồng lúa, núi thiêng và sông lớn; có sông Hậu, có kênh Vĩnh Tế, có biển Tây, có biên giới với nước bạn Campuchia. Những cánh đồng tôm - lúa luân canh, những vùng nuôi trồng thủy sản ven rừng, ven biển, ven đảo, những lễ hội tôn giáo đa dạng, những khu du lịch thu hút đông đảo du khách, những làng chài, làng nghề nông gắn bó bao đời”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Cơ hội mới
Từng là tư lệnh ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhìn nhận, An Giang cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, trong kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo và định hướng kinh tế xanh, là yêu cầu cấp thiết. Thay vì phân ngành đơn lẻ, chia tách nông nghiệp với lâm nghiệp hay ngư nghiệp, cần tiếp cận theo tư duy mới: nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp, gắn kết chặt chẽ.
Hình thành không gian kinh tế nông nghiệp kết nối “đồng bằng - biên giới - biển Tây”. Trong đó, đồng bằng là tứ giác Long Xuyên như vùng lõi để thực nghiệm các mô hình nông nghiệp thông minh - tuần hoàn. Khu vực biên giới giúp tận dụng lợi thế kinh tế biên mậu, quy hoạch vùng đệm sản xuất kết nối xuất khẩu sang nước bạn Campuchia. Biển Tây kết hợp điện gió, nuôi biển công nghệ cao, chế biến sâu - hình thành chuỗi giá trị thủy sản bền vững.
“Kinh tế biển gắn kết chặt chẽ với ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển”. Kinh tế biển hiện thực hóa “Chiến lược Tam Ngư”: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường. Kinh tế biển bắt đầu từ những giải pháp thiết thực cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU. Kinh tế biển được tạo dựng từ các “Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản” - một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhận định, An Giang là tỉnh có tiềm năng rất phong phú và nhiều lợi thế, cũng như hội đủ các yếu tố để phát triển mạnh kinh tế biển, bên cạnh nông - lâm - thủy sản và dịch vụ. Có thể nói, kinh tế biển là một lợi thế vượt trội của tỉnh An Giang so với nhiều tỉnh khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều sản vật, sản phẩm từ biển đã trở thành những thương hiệu nổi tiếng, như “Nước mắm Phú Quốc” nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn trên bình diện quốc tế.
“Thời gian qua, kinh tế biển tiếp tục khẳng định và đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của tỉnh trên cơ sở khai thác, sử dụng tiềm năng và các giá trị tài nguyên biển, đặc biệt là tiềm năng du lịch và thủy sản. Đến nay, kinh tế biển của tỉnh phát triển khá toàn diện, giá trị tăng trưởng kinh tế biển chiếm 79,76% tổng giá trị GRDP của tỉnh, là minh chứng cho một chủ trương đúng và một hành động quyết liệt, hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi dẫn chứng.
Bước ngoặt chiến lược
Về chiến lược phát triển tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2026 - 2030 theo tinh thần dựa vào khung khổ "Tứ trụ chiến lược” và hai tuyến hành động “tinh chỉnh bộ máy” và “sắp xếp lại giang sơn” mà Trung ương đang ưu tiên thúc đẩy thực hiện. PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần nhận định sâu, thực chất và khách quan - trên quan điểm cạnh tranh - thực lực - thế - đà phát triển của An Giang đã được tạo lập trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra các vấn đề đang tồn đọng, trong sự so sánh với năng lực An Giang cần phải có để đạt các mục tiêu cực kỳ thách thức đặt ra cho giai đoạn tới.
Nhận diện lại tổng quát tiềm năng - lợi thế phát triển của An Giang mới (lợi thế quy mô, lợi thế tích hợp, lợi thế cộng hưởng, lợi thế động … xác định các điều kiện chuyển hóa lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh như lợi thế biển Tây, lợi thế đầu nguồn Mekong, có cả 2 sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và đặc khu Phú Quốc. Từ đó, xây dựng An Giang trở thành một cực tăng trưởng chiến lược vùng, có năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế đẳng cấp, dựa trên ba trụ đỡ hiện đại: Đổi mới sáng tạo, thể chế hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân năng động, trong một môi trường phát triển ổn định - mở - linh hoạt và mang tính cạnh tranh cao.

Kinh tế biển là thế mạnh trong những chiến lược phát triển của tỉnh An Giang.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, An Giang cần đột phá thông qua bốn trụ đỡ Nghị quyết 57; Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 67 như: Xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo gắn với các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và viện nghiên cứu. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong nông nghiệp, du lịch, quản lý đất đai và dịch vụ công. Hình thành các cụm sáng tạo liên phường/xã ở vùng đô thị và nông thôn, tăng cường liên kết đổi mới từ cơ sở. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm ít nhất 30% GRDP, và hình thành 1.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế phản biện chính sách và giám sát thực thi ngay từ cấp xã, bảo đảm mọi chính sách đến được với người dân và doanh nghiệp. Phải có chương trình tổng thể xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm và trong sạch, gắn với cải cách tuyển dụng, đánh giá hiệu quả công tác dựa trên KPIs, chế độ đãi ngộ và cơ chế kỷ luật nghiêm minh.
An Giang cần ban hành chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt của tỉnh, ưu tiên khuyến khích phát triển các doanh nghiệp “đầu chuỗi”, có tầm nhìn, năng lực cạnh tranh, trách nhiệm xã hội và dẫn dắt. Mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ tài chính, công nghệ, mặt bằng và thủ tục hành chính theo mô hình “một điểm dừng”...
Phải thiết lập hành lang kinh tế - logistics Việt - CPC - ASEAN, gắn với các cửa khẩu, cảng biển, sân bay và các tuyến cao tốc đi qua tỉnh. Thể chế vượt trội cho các Đặc khu + Tầm phát triển vượt trội cho Phú Quốc đua tranh toàn cầu đẳng cấp cao nhất.
“Tỉnh An Giang đang đứng trước bước ngoặt chiến lược. Không thay đổi là tụt hậu. Nhưng thay đổi nửa vời thì không đủ sức bật. Chỉ bằng cách đổi mới tư duy, kiên quyết cải cách thể chế, đầu tư vào con người và công nghệ, vận hành bộ máy hiệu quả và trong sạch, tỉnh mới có thể chuyển hóa được vị trí địa lý thành lợi thế phát triển, biến truyền thống thành động lực đổi mới và khẳng định vai trò là một trong những cực phát triển mới của đất nước”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.