Vượt bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần mô hình tăng trưởng mới
TS. Đặng Xuân Thanh chỉ ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam ngày 15/7, TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam "không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh". Đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động và nhiều rủi ro như hiện nay, ông Thanh cho rằng mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, môi trường, thậm chí cả địa chính trị… cần tính toán đến những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển.
"Cụ thể là chuyển đổi số và kinh tế dữ liệu, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra những chuỗi giá trị, kiểm soát dữ liệu, chuyển đổi xanh và cam kết mục tiêu phát triển bền vững, buộc các nền kinh tế phải chuyển mình nhanh chóng, nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi", Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra.

TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Ảnh: Đức Bách).
Tại đây, GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế số của Việt. Theo đó, Việt Nam xác định kinh tế số là 1/3 trụ cột trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030.
Ông Đạt đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam. Kịch bản thứ nhất, nếu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 8% GDP năm 2025 và 10% từ năm 2026 đến 2030, đồng thời tỉ trọng kinh tế số năm 2025 cần đạt 20%, năm 2030 là 30% thì kinh tế số phải tăng trưởng với tốc độ 64% trong năm 2025 và con số này đến năm 2030 là 20%.

GS.TS. Trần Thọ Đạt chia sẻ về kịch bản tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Với kịch bản thứ 2, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và từ năm 2026 đến 2030 vẫn là 10%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tỉ trọng kinh tế số năm 2025 là 20% GDP thì kinh tế số theo kịch bản 1 phải tăng 64% là khó khả thi. Do vậy, kịch bản này chấp nhận bỏ qua mục tiêu tỉ trọng kinh tế số trong GDP là 2025 là 20%, mà chỉ hướng tới đạt tỷ trọng 2030 là 30%.
Cuối cùng, ông Thọ đưa ra kịch bản thứ 3, xác định tốc độ phát triển kinh tế số của năm 2025 để đạt tỉ trọng 20% GDP năm 2025 nếu GDP năm 2025 tăng 8%. Nếu từ năm 2026 đến năm 2030, GDP tăng mỗi năm 10% thì kinh tế số phải tăng trưởng 19% để đạt được tỉ trọng 30% GDP vào năm 2030.
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng mô hình tăng trưởng mới không chỉ là định hướng dài hạn, mà phải được cụ thể hóa bằng các chính sách, chương trình hành động rõ ràng và có tính khả thi cao.Trọng tâm của mô hình phải là năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, ông Bùi Quang Tuấn cũng nhận định Việt Nam không thể "nhảy vọt" bằng ý chí hay chính sách đơn lẻ.
"Kinh nghiệm quốc tế như bài học Hàn Quốc hay thất bại của Brazil cho thấy, cần một chiến lược tuần tự nhưng có thể rút ngắn thời gian bằng cách chọn đúng lĩnh vực đột phá, đi tắt đón đầu có chọn lọc", Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nói

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam (Ảnh: Đức Bách).
Theo đó, ông Tuấn nhận định 3 nhóm ngành có thể là đầu tàu trong mô hình tăng trưởng mới bao gồm: Công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; năng lượng xanh và chuyển đổi xanh; công nghiệp chế biến, chế tạo cao cấp.
Ngoài ra, vai trò của các trung tâm đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm cần được tái định vị như những cực tăng trưởng mới, nơi hội tụ hạ tầng, nhân lực, đổi mới sáng tạo và kết nối quốc tế.